Vẫn khó đấu giá quyền sử dụng đất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một công trình trường học đang đợi vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất ở Thường Tín.

Từ 12 - 17/6, Tổ công tác của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy do ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo dẫn đầu đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02 tại các xã điểm trên địa bàn các huyện, thị xã của TP. Qua các buổi làm việc, vấn đề khiến hầu hết các địa phương quan tâm chính là việc đấu giá quyền sử dụng đất, bởi đây là nguồn lực chính để các xã sử dụng vào việc xây dựng NTM của địa phương.

 
Một công trình trường học đang đợi vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất ở Thường Tín.
Kinhtedothi - Một công trình trường học đang đợi vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất ở Thường Tín.
Phú Nam An là một trong 6 xã dự kiến hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm nay của huyện Chương Mỹ. Đến nay, xã đã có 17/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, 2 tiêu chí chưa đạt là cơ sở vật chất văn hóa và trường học. Ông Nguyễn Đức Tý - Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có 3 trường học thì mới có trường THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, 2 trường còn lại là mầm non và tiểu học chưa đạt. Bên cạnh đó, xã đang triển khai xây dựng Nhà văn hóa và Khu thể thao đạt chuẩn, nhưng nguồn vốn hiện nay rất khó khăn.  Do vậy, ngoài việc đợi nguồn kinh phí từ TP, xã phải chờ vào việc đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, thực hiện việc này cũng không dễ dàng, bởi vướng nhiều thủ tục.

Ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, 24 xã trên địa bàn huyện có tới 72 điểm có thể đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng chưa thực hiện được. Huyện đã mời Sở QH - KT xuống kiểm tra xem khu đất nào nằm trong quy hoạch, khu nào không thì mới tiến hành làm thủ tục đấu giá.

Tại huyện Hoài Đức, trong số 6 xã được huyện giao hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2014, xã Minh Khai đã đạt và cơ bản đạt 17/19 tiêu chí, hiện chỉ còn 2 tiêu chí chưa đạt là Thủy lợi và Cơ sở vật chất văn hóa. Cả hai tiêu chí này đều cần nhiều kinh phí, nhưng chưa có nguồn. Ngay cả việc DĐĐT cũng chưa thực hiện được. Ông Đỗ Trung Hải - Chủ tịch UBND xã cho biết, dự kiến chi phí cho DĐĐT của xã hết khoảng 140 tỷ đồng, nhưng kinh phí chưa đủ, xã phải lấy từ nguồn đấu giá. Tuy nhiên, rất nhiều vị trí đấu giá khi xã Minh Khai đề xuất thì Sở QH - KT  xuống kiểm tra lại không được.

Tại huyện Thanh Oai, ông Nguyễn Hồng Yên - Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết, từ nay đến hết năm 2015, huyện phấn đấu có 8 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và đến năm 2020, toàn bộ 20/20 xã của huyện sẽ hoàn thành NTM. Để tháo gỡ những khó khăn trong nguồn lực tại địa phương, ông Yên cũng đề nghị TP quan tâm chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để huyện tổ chức thực hiện hiệu quả việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Thực tế, việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng NTM là cơ chế mà TP tạo điều kiện cho các địa phương trong khi nguồn lực còn hạn chế. Tuy nhiên, do trong thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đấu giá không được thuận lợi. Mặt khác, do thủ tục liên quan đến các quy hoạch, chỉ giới… còn nhiều vướng mắc, nên các địa phương chưa phát huy được nguồn lực này. Theo ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, các xã cần chủ động đề xuất phương án với các phòng ban chuyên môn trong việc tìm các điểm đấu giá cũng như các thủ tục thực hiện. Bên cạnh đó, các phòng ban chuyên môn của các huyện cũng cần hỗ trợ các xã. Tổ công tác sẽ báo cáo Ban chỉ đạo Chương trình 02 về các vấn đề liên quan để có sự chỉ đạo phối hợp kịp thời.