Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù có đến 4 ngân hàng (NH) đăng ký hạn mức tín dụng lên đến 1.200 tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN) thực hiện bình ổn giá vay vốn lãi suất thấp nhưng việc tiếp cận nguồn vốn này rất khó khăn.

Đó là ý kiến của các DN tại cuộc họp giữa Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn với Sở Công Thương và các DN, NH trong việc triển khai chương trình bình ổn giá trong năm 2014 (ngày 7/8).

Đa dạng hóa nguồn vốn bình ổn

Theo kế hoạch, trong năm 2014 UBND TP Hà Nội sẽ trích từ Quỹ Dự trữ tài chính TP 276,75 tỷ đồng cho các DN tham gia chương trình vay với lãi suất 0%  để dự trữ 7 mặt hàng gồm: gạo tẻ, thịt lợn, gà, thủy hải sản, dầu ăn... đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thị trường. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, TP còn phối hợp với các NH tạo điều kiện cho DN tham gia chương trình được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 6 - 10%, thời hạn cho vay tối đa 12 tháng để dự trữ 9 nhóm mặt hàng bình ổn trị giá trên 519 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, nhằm xã hội hóa hoạt động bình ổn giá, ngành công thương còn khuyến khích mọi DN thương mại, sản xuất cùng tham gia chương trình nhưng không nhận tạm ứng vốn mà sử dụng nguồn vốn tự có của DN trong việc dự trữ hàng hóa.

 
Khách hàng lựa chọn sản phẩm bình ổn giá ở phiên chợ Việt tổ chức tại huyện Hoài Đức.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm bình ổn giá ở phiên chợ Việt tổ chức tại huyện Hoài Đức.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Những DN được ngành lựa chọn tham gia chương trình phải là DN có quy mô lớn cả về vốn và hệ thống bán lẻ, hoạt động kinh doanh hiệu quả, không có nợ xấu, quá hạn trong 2 năm gần đây; lượng hàng hóa lớn, đủ cung ứng cho thị trường trong suốt quá trình thực hiện chương trình. Ngoài ra, những DN này còn phải có phương án phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng hệ thống bán hàng bình ổn giá, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại khu vực ngoại thành. Nhưng điều quan trọng hơn cả là các DN này trong quá trình triển khai chương trình phải đăng ký giá bán hàng bình ổn giá với Sở Tài chính, Sở Công Thương với mức thấp hơn từ 5 - 10% so với thị trường.

Ngân hàng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Mặc dù ngành công thương đã có nhiều phương án giúp DN vay vốn NH nhưng việc tiếp cận đang gặp nhiều khó khăn.

Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam phản ánh: Hiện thời hạn cho vay phục vụ kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu của các NH chỉ từ 3 - 4 tháng, trong khi yêu cầu của công tác bình ổn giá thường kéo dài khoảng 10 tháng, nên DN khó có thể vay vốn NH với điều kiện này. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội than phiền: Đa số các DN có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn với mức lãi suất ưu đãi trong khi NH chỉ dành ưu đãi cho các gói cho vay ngắn hạn hoặc chỉ áp dụng lãi suất ưu đãi trong khoảng thời gian từ 2 - 6 tháng cho các khoản vay trung và dài hạn. Đồng tình với ý kiến này, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng: Khi được đề cập đến việc cho các DN tham gia chương trình bình ổn giá vay với lãi suất ưu đãi dưới mức huy động hầu hết các NH không hưởng ứng và mong muốn có sự hỗ trợ của UBND TP để bù đắp lại phần chênh lệch.

Thực tế, việc vay vốn ngân hàng của các DN cho thấy muốn vay được vốn từ NH thì DN phải có tài sản thế chấp chứ không cho vay bằng phương án tín chấp. Tuy nhiên, đại diện các NH khẳng định việc vay tín chấp không thể thực hiện trong lần đầu giao dịch mà phải qua thời gian theo dõi nguồn tiền của DN mới có thể ra quyết định cho vay.

Việc gặp khó khăn trong vay vốn NH khiến hầu hết các DN tham gia chương trình bình ổn giá có chung ý kiến:  UBND TP và Sở Công Thương Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 0% cho DN dự trữ hàng hóa. Tuy nhiên, đến nay, các DN tham gia chương trình chưa nhận được vốn tạm ứng dự trữ hàng hóa bình ổn giá. Nguồn vốn này tuy không nhiều nhưng thông qua đó cơ quan quản lý có thể chỉ đạo được DN trong hoạt động bình ổn giá.

Nhằm giải quyết vốn cho DN dự trữ hàng, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Để DN chủ động hơn trong việc dự trữ hàng hóa bình ổn giá, thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ giảm dần việc hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi, khuyến khích DN vay vốn NH, sử dụng vốn tự có trong hoạt động bình ổn giá. Tuy nhiên, ngành NH cũng nên tạo điều kiện cho DN vay vốn dự trữ hàng bình ổn giá với lãi suất thấp. UBND TP cũng sẽ có các chương trình hỗ trợ DN trong việc tiếp cận vốn vay cũng như xây dựng thương hiệu. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cũng yêu cầu Sở Công Thương  và Sở Tài chính Hà Nội phải ra quyết định giải ngân nguồn vốn hỗ trợ lãi suất ưu đãi 0% cho DN bình ổn giá trước ngày 20/8.