Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn loay hoay quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hàng loạt những bất cập, hệ lụy xảy ra, việc tiếp tục giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) tại dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương đề xuất vẫn đang nhận nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Vì sao chưa thể bỏ quỹ?

Bày tỏ quan điểm về việc nên bỏ quỹ BOG, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm cho rằng, việc điều chỉnh giá với chu kỳ 7 ngày/lần sẽ khiến mức độ biến động giá giữa 2 kỳ điều chỉnh cơ bản không còn lớn. Việc bỏ quỹ cũng giúp giảm thiểu rủi ro và bất cập trong quản lý quỹ BOG như thời gian qua.

Theo một số chuyên gia, thời điểm này chưa thể bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.  Ảnh minh họa
Theo một số chuyên gia, thời điểm này chưa thể bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.  Ảnh minh họa

Còn theo Chủ tịch Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) Cao Hoài Dương, nếu tiếp tục duy trì quỹ BOG sẽ khiến cho doanh nghiệp thấp thỏm tính toán xem quỹ sử dụng thế nào tại mỗi lần điều chỉnh giá. Bởi giá xăng dầu hiện nay phụ thuộc vào giá thị trường, nhưng việc hình thành quỹ là từ nguồn lực của người dân đóng góp.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho hay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như quan điểm của hiệp hội là ưu tiên phương án bỏ hoàn toàn quỹ BOG. Tuy nhiên, tại dự thảo sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu, cơ quan soạn thảo vẫn ưu tiên phương án duy trì quỹ BOG.

Theo vị này, với biến động giá rất lớn như thời gian qua, vai trò của quỹ BOG đã không còn phát huy tác dụng giúp ổn định giá như thời gian trước. Thêm nữa, việc các doanh nghiệp được giao giữ quỹ BOG thực hiện chi và trích lập quỹ trong mỗi kỳ điều hành đã phát sinh nhiều bất cập, chiếm dụng quỹ. Thực tế đã có những chủ doanh nghiệp xăng dầu đã phải vướng vào lao lý do việc quản lý và sử dụng quỹ.

Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Ảnh minh họa
Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Ảnh minh họa

Lý giải nguyên nhân duy trì quỹ BOG Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết: theo quy định của Luật Giá, xăng dầu là một trong bốn mặt hàng thuộc đối tượng quản lý phải bình ổn giá. Do đó, trong dự thảo nghị định không thể bỏ quỹ BOG mà vẫn duy trì cơ chế này để khi áp dụng biện pháp bình ổn giá sẽ sử dụng các công cụ trích lập, chi sử dụng quỹ BOG. Việc này đã được quy định rõ trong luật và các văn bản hướng dẫn, nên cần phải thực hiện theo đúng quy định.

Cần tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp thực tế

Nhiều chuyên gia nhận định, trong trường hợp vẫn duy trì quỹ BOG thì Nhà nước cần trực tiếp quản lý nguồn quỹ BOG thay vì trao quyền cho các doanh nghiệp đầu mối như hiện nay. Cùng với đó, cần có quy định cụ thể để trích lập và chi sử dụng quỹ, đảm bảo kịp thời, thuận tiện trong trường hợp chi sử dụng quỹ BOG nhưng không làm ảnh hưởng đến vốn của doanh nghiệp.

 

Nếu tiếp tục duy trì quỹ BOG thì cần tập trung nguồn quỹ này vào tài khoản Nhà nước quản lý. Việc sử dụng quỹ cũng phải kịp thời, hợp tình hợp lý theo biến động thị trường. Bởi từ thực tế quản lý và sử dụng quỹ thời gian qua khi giao cho doanh nghiệp đảm nhiệm việc này đã gây mất lòng tin đối với các doanh nghiệp xăng dầu làm ăn chân chính. Về lâu dài, khi Nhà nước có hạ tầng dự trữ quốc gia, có thể tính tới việc sử dụng quỹ vào dự phòng xăng dầu để can thiệp vào thị trường khi cần thiết.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Giải pháp này nhằm để khắc phục tình trạng thương nhân đầu mối lợi dụng sử dụng quỹ trái quy định như Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức... thời gian qua; đồng thời góp phần làm minh bạch thông tin, tránh tình trạng người dân hiểu nhầm quỹ BOG là quỹ của doanh nghiệp.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc duy trì quỹ BOG ở các doanh nghiệp đầu mối có nhiều vướng mắc. Đặc biệt khi kinh doanh xăng dầu rất khó khăn, các thương nhân giành giật đại lý bằng mức chiết khấu. Trong khi đó, quy định dự trữ lưu thông tối thiểu bằng 30 ngày ảnh hưởng rất lớn tới tài chính và tạo rủi ro về giá cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể giá xăng dầu trồi sụt mạnh, nếu tiếp tục áp dụng cơ chế điều chỉnh giá là 7 ngày sẽ không phù hợp, mà cần kéo dài thời gian điều chỉnh giá.

“Trong trường hợp duy trì quỹ bình ổn thì cần thiết lập cơ chế hình thành quỹ nộp vào Nhà nước như một khoản thuế và thay đổi cách thức sử dụng. Quỹ này Nhà nước nên tập trung vào dự trữ xăng dầu quốc gia và khi cần bình ổn giá thì bán hàng dự trữ quốc gia ra thị trường. Việc sử dụng quỹ như vậy để thay cho cách làm hiện nay, khiến doanh nghiệp nguy cơ cao vướng vào lao lý vì thực hiện chi, trích lập quỹ bình ổn không thể kịp thời" - ông Bùi Ngọc Bảo nói.

Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, khi nào Nhà nước còn coi xăng dầu là mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý thì quỹ bình ổn xăng dầu vẫn tồn tại. Thực tế, theo Bộ Công Thương, mức độ tăng giá xăng dầu ở Việt Nam chậm hơn so với thế giới khoảng 12%, cho thấy việc bình ổn giá xăng dầu đã có hỗ trợ phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý quỹ BOG. Trước hết cần tận dụng hiệu quả của việc xuất hóa đơn từng lần bán hàng và kết nối cơ quan thuế để cung cấp thông tin đầy đủ, công khai minh bạch trong việc sử dụng quỹ BOG.