Vấn nạn buôn bán hàng lậu, hàng giả: Làm sao ngăn chặn?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn bán hàng lậu, hàng giả đạt được nhiều chuyển biến tích cực khi các lực lượng chức năng đã tiến công vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm lớn về hàng giả, hàng lậu. Vì vậy, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà chính các DN và người tiêu dùng phải cùng phối hợp để ngăn chặn vấn nạn này.

Bùng nổ hàng giả dịp cuối năm
Theo Bộ Công an, trong năm 2020, công tác phát hiện điều tra, xử lý tội phạm, đấu tranh chống buôn lậu hàng cấm, hàng giả đã đạt kết quả nổi bật; đặc biệt đối với các mặt hàng liên quan đến vật tư y tế, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, toàn lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện, khởi tố 1.328 vụ, 1.735 bị can.

Trong khi đó, theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) TP Hà Nội, trong tháng 11/2020, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 3.273 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu nộp ngân sách trên 340 tỷ đồng. Hồi tháng 11/2020, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang (Khu Công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) đã phát hiện cơ sở này sản xuất quần, áo giả mạo nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci với số lượng hơn 124.000 chiếc quần, áo thành phẩm…
Đội Quản lý thị trường số 1, Hà Nội, kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang (Khu Công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm).
Tại TP Hồ Chí Minh, những tháng cuối năm 2020, lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện, triệt phá vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là găng tay y tế, xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Y tế Trường Thọ, do đối tượng Ngô Minh Danh cầm đầu, thu giữ hơn 14.000 thùng găng tay y tế thành phần giả hàng hiệu VGLOVE của Công ty Khải Hoàn, hơn 110 tấn nguyên liệu, hơn 3,7 tấn găng tay y tế đã phân loại; trị giá hàng hóa theo trị giá hàng thật khoảng 20 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can là Nguyễn Văn Mịch và Ngô Minh Danh để điều tra về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Tiếp đó, vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là găng tay y tế, xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiết bị TTH do Thạch Thị Hoa cầm đầu, thu giữ 2.300 thùng găng tay giả nhãn hiệu VGLOVE, 700 kg găng tay y tế kém chất lượng, 6.800 vỏ hộp nhãn hiệu VGLOVE, trị giá hàng hóa theo giá trị thật khoảng 5 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng Thạch Thị Hoa, Lê Ngọc Ngân, Nguyễn Thị Lynh Trang, Nguyễn Đức Chương, Nguyễn Thị Thu Sương để điều tra về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”...

Mặc dù các lực lượng chức năng đã rất nỗ lực đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, song công tác này còn nhiều mặt hạn chế, kẽ hở khiến cho hàng trôi nổi, kém chất lượng vẫn “nhởn nhơ” ngoài thị trường. Nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay không chỉ ở kênh bán hàng trực tiếp mà còn diễn ra ở cả kênh bán hàng online nên ít bị phát hiện và xử lý, nhất là khi tốc độ phát triển thương mại điện tử hiện nay diễn ra nhanh chóng. Không ít mạng xã hội, ứng dụng thương mại điện tử đang bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.

Tăng mức xử lý vi phạm

Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia khẳng định, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, cả về quy mô tính chất và địa bàn, các mặt hàng hết sức đa dạng từ đồ ăn, thức uống, đến hàng hóa chất lượng cao như đồ điện tử, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả. Hàng giả, hàng nhái với nhiều chủng loại như mỹ phẩm, dược phẩm, đồ ăn, nước uống, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả. Hàng giả là vấn nạn của xã hội, là kẻ thù của DN, ảnh hưởng tới uy tín, sức cạnh tranh, đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia pháp luật, trong các tháng cuối năm và thời điểm giáp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Các đối tượng luôn tìm mọi cách để thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động theo hướng ngày càng tinh vi hơn. Do đó, để làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng, các địa phương cần tiếp tục quán triệt và phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời, thường xuyên cập nhật phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm buôn lậu để phổ biến cho cán bộ công chức đề phòng, cảnh giác; tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường quản lý, nắm chắc tình hình của từng địa bàn, tuyến, lĩnh vực trọng điểm; tập trung lực lượng, phương tiện để làm rõ các dấu hiệu phạm tội làm cơ sở xác lập phương án đấu tranh, triệt phá có hiệu quả các đường dây, đầu nậu, chủ hàng lớn, đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp...

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho hay, như thường lệ, cứ vào dịp cuối năm thì hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lại tràn lan. Bởi cuối năm nhu cầu về hàng hóa của người dân tăng cao, một số đối tượng lợi dụng tình trạng này để kiếm lời bất chính. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cần phải có sự chung tay của người tiêu dùng và các cơ quan chức năng. Người tiêu dùng tuyệt đối không mua các hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; khi phát hiện các đối tượng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
“Các cơ quan Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra hàng hóa trên thị trường nhiều hơn nữa để phát hiện và xử lý các trường hợp bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần sớm sửa đổi các quy định của pháp luật để tăng mức xử lý vi phạm, trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đưa ra xử lý hình sự để răn đe, giáo dục” - luật sư Nguyễn Hữu Toại nhấn mạnh.

"Các cơ quan Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra hàng hóa trên thị trường nhiều hơn nữa để phát hiện và xử lý các trường hợp bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần sớm sửa đổi các quy định của pháp luật để tăng mức xử lý vi phạm, trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đưa ra xử lý hình sự để răn đe, giáo dục" - Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông