Vấn nạn lừa đảo qua điện thoại dai dẳng đến bao giờ?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Trong khi các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao với đủ chiêu trò, thủ đoạn khiến nhiều người “sập bẫy” thì ở một góc độ nhất định, đây cũng là hệ quả từ tình trạng bảo vệ dữ liệu cá nhân đang bị xem nhẹ cũng như SIM rác vẫn hoành hành.

 

Trong khi các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao với đủ chiêu trò, thủ đoạn khiến nhiều người “sập bẫy” thì ở một góc độ nhất định, đây cũng là hệ quả từ tình trạng bảo vệ dữ liệu cá nhân đang bị xem nhẹ cũng như SIM rác vẫn hoành hành trên thị trường.
Cách thức cũ, chiêu trò mới
Thời gian qua, cùng với các phương tiện thông tin đại chúng khác, báo Kinh tế & Đô thị liên tục phản ánh về những chiêu trò lừa đảo thông qua điện thoại, mạng xã hội… song theo ghi nhận, tình trạng trên không những không giảm mà số người mắc bẫy kẻ gian cũng như số tiền thiệt hại cũng có chiều hướng tăng dần. Trong số báo ra ngày 16/3, trong bài viết “Ma trận chiêu trò lừa đảo” Báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục thông tin về tình trạng lừa đảo “con đang cấp cứu” tiếp tục lan rộng gây bức xúc dư luận.
Trong 5 - 6 năm trở lại đây, không năm nào mà các cơ quan chức năng không đưa ra những cảnh báo tương tự, có chăng thì chỉ khác một chút về nội dung. Thực tế những chiêu trò thời gian qua cũng khá giống với các vụ lừa đảo trước đây khi kẻ gian giả danh cán bộ của các cơ quan như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Cảnh sát giao thông… bịa đặt thông tin người được gọi liên quan đến một vụ việc đang bị điều tra, dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP… từ đó chiếm đoạt tài sản của bị hại. Bên cạnh đó, một chiêu trò khá phổ biến là mạo danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp sim 4G - 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại... Hay giả danh người của các công ty, DN, ngành nghề (như bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về. Từ đó, yêu cầu muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền; hoặc điền các thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do các đối tượng gửi đến, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của các bị hại…
Bao giờ mới chấm dứt?

 

Bộ TT&TT đang triển khai chiến dịch chuẩn hóa thông tin đối với các thuê bao di động. Các thuê bao chưa có thông tin hoặc thông tin chưa chuẩn sẽ phải tiến hành khai báo. Tới 31/3 sẽ là thời điểm cuối cùng để các thuê bao di động cập nhật đầy đủ các thông tin nếu không muốn bị khóa một chiều và tiến tới là cắt dịch vụ sau 45 ngày.

Cũng chính từ thủ đoạn lừa đảo “con đang bị tai nạn” đã đặt ra câu hỏi: Vì sao kẻ gian biết thông tin về tên, tuổi, trường, lớp của con cũng như số điện thoại phụ huynh? Điều này cũng là hệ quả của một vấn nạn mà bao lâu nay vẫn chưa được chấm dứt triệt để là lộ, lọt thông tin cá nhân. Trên thực tế, chỉ cần bỏ ra một số tiền nhất định, thông qua các webiste hay hội nhóm trên mạng xã hội, người mua có thể dễ dàng sở hữu các file lưu trữ thông tin cực kỳ chi tiết về nhóm đối tượng mà mình mong muốn. Nhiều khả năng, dữ liệu về học sinh và phụ huynh được kẻ gian tự thu thập hoặc tìm kiếm thông qua phương thức này. Ngoài ra, ý thức bảo vệ dữ liệu khách hàng của các cơ sở kinh doanh giáo dục, vui chơi, thậm chí là cả nhà trường mặt bằng chung là chưa cao. Những đơn vị này sẵn sàng để các đối tác của mình tiếp cận thông tin nhạy cảm này nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, dẫn đến tình trạng lộ, lọt. Từ đó dễ dẫn tới việc đối tác trực tiếp bán dữ liệu khách hàng cho một bên khác nhằm kiếm thêm doanh thu.
Được biết, bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là vấn đề “nóng” tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra vừa qua. Tại phiên trả lời chất vấn của mình, cả 2 tư lệnh ngành là Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đều đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm dần hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng này.
Về phía Bộ TT&TT, cơ quan này sẽ liên tục tổ chức các cuộc thanh tra các nhà mạng, công ty bưu chính và mạng xã hội về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó cơ quan này cũng đang trong quá trình đưa ra quy định buộc DN khi muốn tiếp cận khách hàng thì phải làm việc với nhà mạng để hiện tên, chứ không hiện số điện thoại. Còn về phía Bộ Công an cũng đang trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề này, có thể kể đến như Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân hay xa hơn nữa là xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2024.
Bên cạnh việc lộ dữ liệu cá nhân thì việc SIM rác hoành hành cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lừa đảo qua điện thoại đang diễn ra tràn lan. Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người dùng viễn thông di động có vai trò quan trọng trong ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục…