Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vấn nạn san lấp gây nguy hại môi trường: Bao giờ mới chấm dứt?

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo cảnh báo, việc đổ, chôn lấp phế liệu xây dựng, chất thải rắn sẽ gây ra những hệ lụy lâu dài tới môi trường, sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng tập kết trái phép vẫn diễn ra vô tội vạ trong khi lực lượng chức năng còn tỏ ra bối rối, lơ là.

Hàng tấn nilong, chất liệu khó tiêu hủy trộn trong phế thải xây dựng sẽ bị chôn lấp vào lòng đất. Ảnh: Vũ Khoa  
Hàng tấn nilong, chất liệu khó tiêu hủy trộn trong phế thải xây dựng sẽ bị chôn lấp vào lòng đất. Ảnh: Vũ Khoa  

Hậu quả khó lường

Qua khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, tình trạng sử dụng đất thải, phế liệu xây dựng vào san lấp đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Đáng nói, nước rỉ từ các bãi tập kết rác thải, đất đá, vữa, xi măng phế liệu, qua nhiều năm sẽ thẩm thấu vào các tầng đất, nhất là các tầng cát và xâm nhập vào mạch nước ngầm.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay, không khó để thấy phế thải xây dựng được vận chuyển hằng ngày bằng đủ loại phương tiện lớn, nhỏ. Bãi tập kết cũng muôn hình vạn trạng, từ điểm riêng lẻ tới khu san lấp tập trung có khối lượng khổng lồ tồn tại khắp nơi và thường tự phát chứ không được cấp phép theo quy định. Chính vì tính tự phát nên chẳng ai kiểm soát được trong núi phế liệu có bao nhiêu tấn nilon, rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt từ những công trình phá dỡ sẽ bị vùi sâu vào đất.

Điều đáng nói là dù nhận được nhiều cảnh báo, cũng như pháp luật đã có các quy định rõ ràng về việc vận chuyển, tập kết phế liệu xây dựng, tuy nhiên, các bãi vẫn vô tư tồn tại và ngày càng phình to. Ví dụ như trên địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cho thấy, hàng trăm mét vuông đất lổn nhổn gạch, vữa, xi măng... lẫn trong đó là đủ các loại rác thải tích tụ một thời gian dài.

Người dân địa phương cho biết, xe cộ vận chuyển thường xuyên chở theo vật liệu thu gom từ các nơi tập kết về, đặc biệt là vào buổi tối. Hay như tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, phản ánh của người dân thì bùn thải sau khi nạo vét không được vận chuyển đi nơi khác để xử lý mà đổ rải rác khắp nơi trên địa bàn xã như san lấp sân, vườn, tập kết ở bãi bóng...

Xác nhận có tình trạng nêu trên, Chủ tịch UBND xã Tam Hưng Lê Huy Chung cho biết, nguồn bùn đất bắt nguồn từ công tác nạo vét kênh mương trên địa bàn xã. Theo kế hoạch xã Tam Hưng sẽ nạo vét khoảng từ 15.000 – 20.000m3 kênh mương phục vụ vụ Xuân 2023. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi việc sử dụng phế thải làm vật liệu có đúng quy định hay không, ông Lê Huy Chung tỏ ra bối rối.

Cần áp dụng nghiêm các quy định

Theo chuyên gia môi trường, hành vi đổ thải không đúng quy định không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sống tại khu vực mà còn len lỏi ra các con sông, hệ thống thoát nước, thủy lợi. Mặt khác, các chất thải rắn tích lũy dưới đất trong thời gian dài sẽ khiến đất bị ảnh hưởng. Chất thải xây dựng khó phân hủy như gạch, ngói, thủy tinh, dây cáp, bê tông, kim loại, chất độc ô nhiễm còn có thể thâm nhập vào cơ thể con người theo chuỗi thức ăn và nước uống dẫn đến hàng loạt nguy cơ đến sức khỏe người dân.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, nguyên tắc sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch và đúng mục đích nhằm tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh đã được quy định rất rõ trong Luật Đất đai.

Việc người dân, DN đổ đất trái phép, đưa đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải, chất độc hại hay các vật khác lên thửa đất của người khác là có dấu hiệu của hành vi vi phạm như sử dụng đất sai mục đích; gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác. Hành vi này có thể gây ra biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Mặt khác, đối với với những công trình phá dỡ, quy định về quản lý rác thải xây dựng cũng đã nêu rõ trách nhiệm của chủ nguồn thải trong từng trường hợp cụ thể. Trong đó, đối với công trình xây dựng, nhà thầu phải lập kế hoạch quản lý chất thải rắn xây dựng, phải ký hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng xử lý. Đối với công trình nhà ở, lập và gửi thông báo thực hiện quản lý chất thải rắn xây dựng đến cơ quan cấp phép và UBND trên địa bàn trước khi khởi công xây dựng. Trước thực trạng vi phạm vẫn diễn ra tràn lan, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, cơ quan quản lý tại các địa phương cần áp dụng chặt chẽ quy định, tránh hiện tượng luật chỉ nằm trên giấy.

Về vấn đề này, ngoài việc đẩy mạnh tính răn đe trong xử lý vi phạm, các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần có những biện pháp tuyên truyền thường xuyên tới người dân. Qua đó, nâng cao sự tự giác trong quá trình thu gom, phân loại và xử lý rác đúng cách để giảm thiểu tác động vừa ảnh hưởng cảnh quan, vừa gây hại cho sức khỏe cũng như môi trường của chất thải rắn.

 

Trong tổng lượng phế thải xây dựng được đổ tại các bãi thải không chính thống hoặc trôi dạt không rõ địa điểm, số nguyên vật liệu có khả năng tái chế, tái sử dụng là không hề nhỏ. Tuy nhiên, tỷ lệ tận dụng này đến nay là rất thấp. Tình trạng chất thải rắn xây dựng không được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định, gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường. Việc thiếu kiểm soát còn khiến chúng ta lãng phí lượng lớn nguồn tài nguyên tái chế. Về vấn đề này, tôi cho rằng không ít cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải xây dựng còn chưa làm hết trách nhiệm trong áp dụng quy định vào thực tiễn.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật