[Vấn nạn xe tự chế-bao giờ hết nhức nhối?]Bài cuối: Cần biện pháp mạnh tay hơn

Phạm Công - Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Mặc dù TP Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt để giảm thiểu xe tự chế lưu thông trên đường phố gây nguy hiểm cho người tham gia thông, tuy nhiên, những chiếc xe, xưởng sản xuất vẫn hoạt động rầm rộ. Vì vậy, cần những biện pháp mạnh tay hơn để giải quyết triệt để vấn nạn này.

>>> Bài 1: Những "hung thần" náo loạn đường phố

>>> Bài 2: Bỏ ngỏ quản lý từ khâu sản xuất, lắp ghép

Vẫn ngang nhiên hoạt động

Trước thực trạng xe ba gác tự chế hoành hành đang trở thành một vấn nạn của xã hội, TP Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này. Ngày 9/5/2022, UBND TP ra chỉ đạo khẩn về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới ba bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự ATGT.

Lực lượng chức năng tích cực xử lý xe tự chế lưu thông trên đường.
Lực lượng chức năng tích cực xử lý xe tự chế lưu thông trên đường.

Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở GTVT và các địa phương quận, huyện, thị xã có trách nhiệm rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở đóng mới xe thô sơ, xe tự chế không đúng quy định. Trong đó, lực lượng trật tự giao thông cần tăng cường xử lý các vi phạm về trật tự, ATGT, trật tự đô thị đối với người, phương tiện tham gia giao thông; xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật đối với xe thô sơ, xe ba bánh, xe tự chế hoạt động trên địa bàn.

Công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Xử lý nghiêm trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa.

Ngay sau khi TP Hà Nội có chỉ đạo khẩn, lực lượng chức năng, rốt ráo ra quân xử lý xe ba gác tự chế. Qua theo dõi cho thấy, nhiều trường hợp đã được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên, chỉ ngay sau khi vắng bóng lực lượng chức năng, người điều khiển xe ba gác tự chế lại xuất hiện nhan nhản ngoài đường.

Thiếu tá Đinh Xuân Thăng - cán bộ Đội CSGT 14 (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Hàng ngày, hàng giờ chúng tôi đều tiến hành tuần tra, xử lý vi phạm đối với người sử dụng xe cơ giới ba bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự ATGT”.

Theo Thiếu tá Đinh Xuân Thăng, chủ yếu những người này thuộc nhóm lao động khó khăn, thiếu kinh phí chuyển đổi phương tiện vận chuyển. Nhiều phương tiện khi bị bắt giữ đều cũ nát, không đảm bảo an toàn, thậm chí không còn giấy tờ, biển số. Quá trình xử lý gặp không ít khó khăn khi những người này chây ì, không xuất trình giấy tờ hoặc bỏ lại xe do giá trị phương tiện quá thấp so với mức xử phạt hành chính theo quy định.

“Chúng tôi kiên quyết, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính những phương tiện vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp không xuất trình được giấy tờ xe, phương tiện tự chế gây nguy hại đến người tham gia giao thông, chúng tôi tiến hành tịch thu xe, không để diễn ra tình trạng tái phạm” - Thiếu tá Đinh Xuân Thăng cho biết thêm.

Mặc dù đã quyết liệt xử lý, tuy nhiên hàng ngày, không khó bắt gặp những chiếc xe tự chế gắn động cơ “cõng” trên mình hàng tạ sắt thép, hàng hóa trên đường phố Hà Nội. Những chiếc xe này đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa đến sự an toàn của người tham gia giao thông.

Không chỉ trên đường phố, nhiều địa phương còn bỏ ngỏ những xưởng sản xuất xe ba gác tự chế hoạt động nhiều năm như Kinh tế & Đô thị đã thông tin. Những xưởng này mỗi năm sản xuất hàng trăm chiếc xe tự chế bán ra thị trường mà không bị xử lý triệt để.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm

Theo Chỉ thị 46/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 32 năm 2007 của Bộ Công an, Bộ GTVT, các loại xe tự chế bị cấm lưu hành từ 1/1/2008 gồm: Xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và xe thô sơ ba bánh, xe bốn bánh, trừ xe ba bánh dùng làm phương tiện của thương binh, xe tự chế cho người tàn tật, có đăng ký, biển kiểm soát.

Về chế tài xử phạt, khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Trường hợp người điều khiển xe tự chế gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS 2015.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những biện pháp căn cơ, quyết liệt hơn để có thể xử lý triệt để vấn nạn xe ba gác tự chế ngang nhiên hoạt động trên đường phố, đe dọa đến sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông.

Ông Đặng Văn Bình (trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: “Phải sớm xây dựng những chế tài mạnh xử phạt để mang tính răn đe đối với những “hung thần” trên đường phố này. Người dân chúng tôi rất bức xúc khi hàng đêm, những chiếc xe này chạy ầm ầm trong ngõ”.

Theo ông Đặng Văn Bình, không chỉ xử lý những chiếc xe này lưu thông ngoài đường, chính quyền địa phương, công an phường cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ để xử lý những hộ gia đình kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng sử dụng loại xe tự chế này để vận chuyển hàng hóa.

Chuyên gia xã hội học, TS Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, một bộ phận không nhỏ sử dụng xe ba gác tự chế là người lao động nghèo, không có khả năng chuyển đổi phương tiện vận chuyển sang các loại hình ô tô được phép lưu hành. Nhiều người nhận thức được việc nguy hiểm khi điều khiển những chiếc xe này, tuy nhiên không có sự lựa chọn nào khác.

“Chính quyền địa phương cần có những cơ chế hỗ trợ chuyển đổi việc làm, dạy nghề hay cho vay dài hạn đối với những lao động nghèo để chuyển đổi phương tiện vận chuyển” - TS Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ.

Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan, trên thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra từ xe ba gác tự chế. Tuy nhiên, với ưu điểm tiết kiệm chi phí trong việc mua sắm, bảo dưỡng phương tiện, giảm giá thành vận chuyển hàng, dễ dàng đi lại trong ngõ nhỏ, xe ba gác tự chế vẫn được ưu tiên lựa chọn.

“Để hạn chế xe 3 gác tự chế lưu thông ngoài đường, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm cả chủ xe lẫn người điều khiển. Cần có những biện pháp mạnh tay, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây tai nạn hoặc tái phạm nhiều lần.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm của người dân. Kiên quyết tịch thu, tiêu hủy công khai để tạo hiệu ứng răn đe đối với những người cố tình sử dụng xe ba gác tự chế để tham gia giao thông” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ.

 

"Việc bỏ ngỏ những xưởng sản xuất xe tự chế hoạt động là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng xe tự chế, mất an toàn ngày càng xuất hiện nhiều trên đường phố. Chính quyền địa phương cần có trách nhiệm trong việc quản lý lỏng lẻo những xưởng sản xuất xe tự chế; đồng thời phải quyết liệt xử lý theo đúng quy định của pháp luật." - Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần