Vấn nạn xe tự chế: Bỏ ngỏ quản lý từ khâu sản xuất, lắp ghép

Phạm Công - Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những chiếc xe ba gác tự chế được chắp vá từ nhiều linh kiện cũ hỏng, động cơ hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây mất ATGT trở thành nỗi sợ hãi của người dân khi di chuyển trên đường.

Điều đáng nói, những xưởng sản xuất xe ba gác tự chế này lại ngang nhiên hoạt động, coi thường quy định của pháp luật.

>>> Bài 1: Những "hung thần" náo loạn đường phố

Chính quyền làm ngơ?

Không khó để tìm kiếm những xưởng sản xuất xe tự chế trên địa bàn TP Hà Nội. Vào vai người có nhu cầu mua xe tự chế để phục vụ kinh doanh, phóng viên được chị C., chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn quận Thanh Xuân, giới thiệu đến xưởng sản xuất nhà ông Tuân, tại thôn Hữu Từ, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Trung bình 2 người thợ mất khoảng 2 ngày để hoàn thiện 1 chiếc xe tự chế.
Trung bình 2 người thợ mất khoảng 2 ngày để hoàn thiện 1 chiếc xe tự chế.

Chị C. cho biết: “Xe ở nhà ông Tuân đóng tốt lắm, khung gầm chắc chắn mà lại nhanh được lấy. Khách đến đặt kích thước thùng xe hôm trước là hôm sau được giao xe ngay. Cả 4 chiếc xe nhà tôi đang sử dụng đều mua ở đó”.

Nhờ có lời giới thiệu của chị, ông Tuân ra đón “khách sộp” tận đầu làng. Theo ông Tuân, xưởng sản xuất có 8 - 10 thợ làm việc thường xuyên. Nếu khách đặt xe, chỉ cần 2 ngày sẽ lấy được vì khung gầm và máy đã có sẵn chỉ cần lắp ráp là xong.

Ông Tuân cho biết, xưởng sản xuất đã hoạt động vài chục năm qua, số lượng xe được bán ra lên đến hàng nghìn chiếc. Ngày càng có nhiều người có nhu cầu sở hữu những chiếc xe ba gác tự chế với nhiều hình dạng và yêu cầu khác nhau.

Tại đây, nhiều chiếc xe mới đã hoàn thiện, đang chờ khách hàng đến nhận. Ngay sát bên cạnh khu vực sản xuất mới, hoạt động sửa chữa xe ba gác tự chế cũng đang diễn ra. Tại xưởng, hàng chục bộ khung xe đã được chế sẵn chờ khách hàng đến đặt. Những chiếc khung xe với đủ hình dạng, kích cỡ bằng những thanh sắt được uốn nắn, chắp vá bằng máy móc sơ sài.

Khi đặt vấn để về sự tồn tại và hoạt động sản xuất của “lò” luyện xe tự chế này với chính quyền xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì), phóng viên nhận được câu trả lời: “Chờ kiểm tra”.

Qua một người làm nghề lái xe ba gác tự chế trên địa bàn quận Hà Đông giới thiệu, phóng viên tìm đến một cơ sở sản xuất khác nằm trên địa bàn xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Không biển quảng cáo, không số nhà. Thoạt nhìn sẽ tưởng đây là một xưởng thu mua phế liệu với đống máy móc cũ hỏng, sắt thép được chất thành đống ngoài cửa.

Bên trong, 6 người thợ cùng với 4 chiếc xe ba gác tự chế đang được sản xuất. Chủ cơ sở là anh Hà Ngọc Duy cho biết, gia đình có truyền thống làm nghề cơ khí, bản thân cũng đã có 30 năm trong nghề chế tạo cơ khí và xe tự chế nên hầu như ai làm nghề lái loại xe này cũng biết đến.

“Đặt hàng loại máy gì thì tôi lại gọi bên khác mang đến. Chỉ có máy tốt thôi, không có giấy tờ. Cầu, lốp xe và một số bộ phận được lấy từ xe ô tô còn những bộ phận khác thì tự chế” - anh Hà Ngọc Duy nói.

Liên quan đến xưởng sản xuất xe ba gác tự chế này, ông Nguyễn Viết Kiền - Chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì cho biết: “Chúng tôi không nắm được việc sản xuất xe ba gác tự chế nằm trên địa bàn xã. Qua phản ánh của báo chí, xã đã thành lập tổ công tác đến kiểm tra và xử lý nếu có sai phạm”.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Kiền, từ 4 năm trước, xưởng sản xuất này từng bị lực lượng công an kiểm tra và lập biên bản xử lý, yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Điều đáng nói, những xưởng sản xuất này đã hoạt động nhiều năm, thậm chí, cha truyền con nối, nhưng lãnh đạo địa phương không nắm được khiến cho nhiều người dân đặt câu hỏi liệu có sự bao che, dung túng cho hành vi này hay không?

Giật mình lượng xe tự chế được bán ra

Hàng ngày, những chiếc xe tự chế vẫn liên tục được sản xuất, bán ra thị trường, làm tăng thêm nguy cơ mất ATGT ngoài đường phố.

Ngỏ ý muốn đặt xe tự chế, anh Hà Ngọc Duy cho biết: “Muốn đặt xe phải 20 hôm nữa mới lấy được, vì còn hơn 10 chiếc khách đặt chưa sản xuất kịp. Những làng nghề thì nhu cầu sử dụng loại xe này rất cao, có những hộ gia đình, đặt tôi làm cùng lúc 4 chiếc”.

Trong khu vực sản xuất của nhà ông Tuân nằm trên địa bàn thôn Hữu Từ, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, những chiếc xe ba gác tự chế cũng liên tục được sản xuất ra.

Để lấy được lòng tin của khách hàng, ông Tuân khẳng định: “Yên tâm, xe ở đây ra là an toàn, đẹp nhất khu vực. Tính riêng địa bàn quận Thanh Xuân và Hà Đông, xưởng nhà tôi đã bán khoảng 200 chiếc. Giá trị mỗi chiếc xe giao động từ 30 - 60 triệu đồng tùy vào yêu cầu của khách hàng.

Các chủ sản xuất xe này đều cho biết, động cơ của xe được lấy từ xe máy honda lắp sang, vừa dễ sửa chữa lại không khó mua linh kiện thay thế, sản xuất nhanh chóng, giao xe cấp tốc. Nhưng khi hỏi đến giấy tờ pháp lý của những động cơ xe máy này, các chủ sản xuất đều lắc đầu không biết.
Theo thợ sản xuất xe ba gác tự chế, những chiếc xe này nếu lắp động cơ bằng máy nổ Diesel có thể chở đến 2 tấn hàng hóa.

Còn xe tự chế lắp động cơ của xe máy cũng hoàn toàn có thể chở được sức nặng gần 1 tấn. Kích thước thành, thùng xe phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của người dùng để sản xuất, nhỏ nhất là 90 x 120cm nhưng cũng có nhiều chủ xe đặt kích thước thùng lên đến 150 x 250cm.

Như vậy, hàng năm chỉ với 2 cơ sở sản xuất này ước tính đưa ra hàng chục chiếc xe ba gác tự chế ra thị trường. Việc sản xuất và bán những chiếc xe tự chế với máy móc và nguyên vật liệu cũ hỏng, kém chất lượng để hoạt động ngoài đường phố đang gián tiếp gây nên những mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng: “Những chiếc xe ba gác tự chế này có thể đạt đến vận tốc 50 - 60km/giờ, cả một khối sắt nặng vài trăm cân lao vun vút ngoài đường như vậy thực sự đang trở thành những “hung thần” trong mắt người dân”.

Theo chuyên gia này, vì là xe tự chế, mức độ an toàn cũng không có bất kỳ đơn vị nào kiểm định được, linh kiện lắp ráp kém chất lượng khi gây tai nạn sẽ rất nghiêm trọng. Đối với chất lượng khung, gầm và độ chắc chắn đều phụ thuộc vào tay nghề của người thợ cũng như vật liệu để lắp ráp, khó có thể đánh giá được mức độ an toàn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc để mặc cho các xưởng sản xuất, lắp ráp xe tự chế tồn tại, ngày ngày cho xuất xưởng hàng chục, thậm chí hàng trăm “hung thần” dẫn đến rất nhiều hệ lụy, không chỉ trên lĩnh vực giao thông. Các xưởng sản xuất tự phát này vừa gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, gây thất thu thuế, kiếm lời cho cá nhân, vừa là nơi xuất xứ của một trong những loại phương tiện gây mất trật tự, ATGT nhất hiện nay. “Chính quyền các địa phương không thể giải thích theo cách nói: “Không biết, không nắm được”, như vậy là thoái thác trách nhiệm, chưa hoàn thành nhiệm vụ trên vị trí công tác của mình” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói.

 

"Việc bỏ ngỏ gần như hoàn toàn việc sản xuất, lắp ráp xe tự chế từ linh kiện cũ nát là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng xe lôi, xe 3 - 4 bánh kỳ dị, mất an toàn ngày càng xuất hiện nhiều trên đường phố. Lực lượng chức năng trên đường cũng gặp không ít khó khăn trong việc xử lý xe tự chế do giá thành rẻ, bắt giữ chiếc này lại “mọc” ngay ra chiếc khác." - Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần