Tỷ lệ sử dụng thấp
Ngày 31/12/2020, dự án thu phí tự động không dừng (ETC) đã chính thức về đích sau nhiều lần gia hạn vì những lý do khác nhau. So với thu phí thủ công, thu phí không dừng mang đến rất nhiều ưu điểm vượt trội. Đơn cử, ETC sẽ không sử dụng tiền mặt, xe không cần dừng khi qua trạm... Điều này giúp tiết kiệm thời gian của chính các tài xế cũng như đơn vị thu phí. Đặc biệt, ETC sẽ đảm bảo sự công khai, minh bạch trong công tác thu phí, từ đó giải quyết triệt để vấn nạn trục lợi, gây thất thoát tài chính cho các chủ đầu tư và Nhà nước.
Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ phương tiện dán thẻ ETC vẫn còn quá thấp. Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 12/2021, số lượng phương tiện dán thẻ ETC của cả nước mới đạt hơn 2 triệu xe. Như vậy, vẫn còn khoảng 1 triệu phương tiện nữa vẫn chưa thực hiện dán thẻ ETC.
Điều đáng nói là trong tổng số hơn 2 triệu phương tiện đã dán thẻ ETC, mới chỉ có khoảng 50% phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí ETC. Đơn cử như trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình, trung bình mỗi ngày đêm có tới khoảng 60.000 lượt phương tiện qua lại nhưng số xe sử dụng dịch vụ ETC chỉ chiếm khoảng hơn 30%. Con số này trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng còn thấp hơn khi chỉ đạt khoảng 25%.
Sớm khắc phục bất cập
Các chuyên gia cho rằng, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất cập nêu trên. Thứ nhất là sự tồn tại của làn thu phí thủ công tại các trạm BOT vẫn còn quá nhiều. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có 112 trạm thu phí ETC; trong đó, 63 trạm lắp đủ 100% làn thu phí ETC (4 - 8 làn), 30 trạm đã lắp 3 làn, còn 19 trạm mới lắp đặt được 2 làn.
Tại các trạm vẫn còn trên 120 làn thu phí chưa được lắp đặt hệ thống ETC. Việc tồn tại quá nhiều làn thu phí thủ công vô hình chung khiến nhiều chủ phương tiện tỏ ra thờ ơ với thu phí tự động. Thậm chí, vào những dịp lễ, Tết khi lưu lượng phương tiện qua trạm tăng cao, nhiều trạm thu phí đã phải mở làn ETC để cho phương tiện sử dụng thu phí thủ công đi qua.
Nguyên nhân thứ hai là trong quá trình vận hành thu phí không dừng vẫn thiếu tính năng liên kết với tài khoản ngân hàng. Được biết, hiện nay cả 2 công ty chính cung cấp dịch vụ là VETC và ePass đều cho phép nạp tiền thông qua hình thức tiền mặt cũng như chuyển khoản song họ lại yêu cầu khách hàng nạp tiền trước đồng thời trong hầu hết phương thức thanh toán đều tính thêm phí giao dịch.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay VETC thu mức phí nạp tiền 1.430 - 1.500 đồng và 0,85 - 0,88% tổng giá trị giao dịch khi nạp tiền qua cổng thông tin khách hàng trên ứng dụng và website. Đối với ePass thì mức phí là 880 - 2.000 đồng và 0,66 - 2% tổng giá trị cho mỗi giao dịch nạp tiền. Dù tiền phí trong mỗi lần giao dịch không nhiều nhưng điều này khiến cho không ít khách hàng phản đối.
GS.TS Từ Sỹ Sùa – giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT cho rằng, để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ETC, trước hết các nhà cung cấp dịch vụ phải chứng minh dịch vụ của mình bảo đảm thuận tiện, lợi ích cho người sử dụng. “Các nhà cung cấp dịch vụ cần khẩn trương khắc phục triệt để những bất cập trong vận hành hệ thống, đồng thời các đường dây nóng phải thông suốt, kịp thời xử lý những bất cập, tránh gây bức xúc cho khách hàng” – GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.
Được biết, mới đây Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các nhà đầu tư bổ sung hệ thống, mua sắm trang thiết bị để hoàn thành việc tăng số làn theo quy định vào quý I/2022. Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, sau thời hạn trên, dự án nào không thực hiện sẽ đóng các làn thu phí thủ công.
Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản đồng ý đề xuất thu phí điện tử không dừng hoàn toàn trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Việt triển khai sẽ bắt đầu từ tháng 5/2022. Đây cũng là tuyến đường đầu tiên tại Việt Nam không có thu phí thủ công, phương tiện muốn di chuyển trên cao tốc buộc phải lắp thẻ định danh. Trong tương lai, thu phí điện tử không dừng ETC sẽ thay thế hoàn toàn thu phí thủ công.