Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Việt Trung - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đẩy mạnh cho các DN nhỏ và vừa (DNNVV) vay vốn.
Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của khối này vẫn hết sức khó khăn vì nhiều rào cản trong tài sản thế chấp, năng lực tài chính...
Hiện, UBND TP Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý rủi ro tín dụng của Quỹ Bảo lãnh DNNVV, NHNN Việt Nam chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ Bảo lãnh tín dụng triển khai thực hiện cơ chế bảo lãnh theo quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ này.
Nhiều DN phản ánh, họ đang phải “bóc ngắn, cắn dài” khi vay vốn kỳ hạn ngắn, trong khi vòng quay sản xuất lại dài hạn. NHNN Chi nhánh Hà Nội và các NHTM đã có biện pháp gì để tăng dư nợ cho vay trung và dài hạn, mở rộng tín dụng cho DN, thưa ông?
- Thực tế, mấy năm qua, DNNVV chủ yếu chỉ tiếp cận được nguồn vốn ngắn hạn, dư nợ cho vay trung và dài hạn chỉ chiếm trên 20% tổng dư nợ.
Nguyên nhân là vì các ngân hàng vẫn khó khăn trong huy động nguồn vốn kỳ hạn dài; rất ít ngân hàng có khả năng tìm kiếm các nguồn, chương trình tài trợ giá rẻ từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Bên cạnh đó, khả năng thực hiện các dự án đầu tư (thường tương ứng với nguồn vốn vay trung, dài hạn) của các DNNVV không đủ thuyết phục các ngân hàng cho vay.
Để mở rộng cho vay DNNVV, tôi cho rằng, trước hết, các NHTM cần phải xác định sự cần thiết và tất yếu phải tăng cường tín dụng cho DNNVV. Theo đó, chú trọng đầu tư theo hướng chủ động tìm kiếm và hỗ trợ DNNVV lập dự án và lấy hiệu quả của dự án làm căn cứ cơ bản quyết định cho vay.
NHTM cũng cần thiết kế các chính sách ưu đãi tín dụng đối với các khách hàng là DNNVV có mức độ rủi ro thấp như ưu đãi lãi suất, thời hạn trả nợ, đặc biệt là tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, bản thân DNNVV cũng phải tự nỗ lực đổi mới và hoàn thiện cho phù hợp với sự phát triển, từng bước tạo tín nhiệm với các TCTD.
Xin cảm ơn ông!
Ông Hoàng Việt Trung - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hà Nội |
Tập trung cho vay sản xuất
Những tháng cuối năm, tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Nội tăng vọt. Trong bối cảnh DN vẫn khó khăn do kinh tế chưa hồi phục, liệu tín dụng có chảy vào các lĩnh vực phi sản xuất không, thưa ông?
- Theo số liệu của NHNN Chi nhánh Hà Nội, đến cuối năm 2014, trong tổng dư nợ trên địa bàn là 1.035.641 tỷ đồng (gồm cả cho vay và đầu tư), dư nợ cho vay nền kinh tế chiếm đến 767.121 tỷ đồng. Điều này cho thấy, vốn vẫn chủ yếu chảy vào sản xuất, kinh doanh.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... cũng rất khó khăn, nên các ngân hàng hầu như là tập trung cho vay sản xuất, kinh doanh.
Tình hình cho vay DNNVV của các TCTD trên địa bàn Hà Nội thời gian qua thế nào, thưa ông?
- Đến nay, cho vay DNNVV đã tăng mạnh qua các năm, trong đó, khối NHTM CP luôn có tỷ trọng cho vay DNNVV cao nhất trong hệ thống các TCTD trên địa bàn. Cụ thể, năm 2010, dư nợ cho vay DNNVV trên địa bàn Hà Nội ở mức 183.415 tỷ đồng. Ước tính, đến cuối năm 2014, con số này đã tăng lên mức khoảng 323.961 tỷ đồng. Điều này cho thấy, các ngân hàng đã thay đổi nhận thức về quan điểm tín dụng và đang nỗ lực trong việc mở rộng cho vay đối với khối DNNVV.
Dù dư nợ cho vay khối DNNVV có sự tăng trưởng, tuy nhiên, DNNVV vẫn rất khát vốn ngân hàng. Trong khi nhiều ngân hàng vẫn dành ưu tiên cho các DN lớn, trong đó có khối DN Nhà nước. Có vẻ như cửa tiếp cận vốn ngân hàng của khối DNNVV vẫn hẹp, thưa ông?
- Hiện nay, ngân hàng nào cũng có chủ trương đẩy mạnh cho vay DNNVV. Tuy nhiên, việc “tiếp vốn” cho khối này vẫn rất khó khăn. Thiếu tài sản thế chấp, năng lực tài chính yếu, độ minh bạch thấp, dự án thiếu khả thi... là những rào cản khiến DNNVV vẫn vướng trong tiếp cận vốn ngân hàng. Sự bất ổn, dễ bị tác động bởi những thay đổi của môi trường bên ngoài của các DNNVV là nguyên nhân khiến một số ngân hàng e dè với cho vay DNNVV vì họ sợ rủi ro.
Tuy nhiên, tôi khẳng định, dù là DN Nhà nước hay DNNVV, tất cả đều phải đáp ứng được các yêu cầu về sự minh bạch tài chính, dự án khả thi, làm ăn hiệu quả… thì mới được ngân hàng cho vay.
Tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV
Như ông đã nói, tài sản thế chấp là một trong những “rào cản” khiến vốn đến DNNVV vẫn bị “tắc”. Hiện đã có Quỹ Bảo lãnh DNNVV, vì sao không sử dụng Quỹ này, thưa ông?
- Quy chế bảo lãnh cho DNNVV của Quỹ Bảo lãnh DNNVV rất chặt chẽ. Ví dụ, DN phải có tài sản thế chấp, phải đáp ứng được các điều kiện về khả năng trả nợ, quy chế bảo lãnh của Quỹ không khác quy chế cho vay của NHTM. Nếu đáp ứng được các điều kiện này, DN sẽ đi vay ngân hàng chứ không cần đến Quỹ Bảo lãnh.
Sản xuất tôn cán mỏng tại Công ty TNHH Tiến Lợi, Khu công nghiệp Lai Xá. Ảnh : Nguyễn Đức
|