Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn phải đề phòng lạm phát cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 24/10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của cả nước tăng 0,85% so với tháng 9 ghi nhận đà tăng chậm lại nếu so với con số 2,2% của tháng trước.

Dịch vụ y tế ảnh hưởng không nhỏ đến CPI

Nếu như tháng 9 CPI đột ngột tăng cao thì sang tháng 10 đà tăng đã chậm lại. Tính chung 10 tháng, CPI đã tăng 6,02%. Tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế, sau 10 tháng đã tăng 37,91%, trong đó dịch vụ y tế tăng 53,32%. Nguyên nhân là do việc tăng viện phí đã tác động lớn tới giá cả và trở thành lực đẩy chính đối với CPI. Tiếp đến là giáo dục tăng 16,71% (trong đó dịch vụ giáo dục tăng 18,78%); ăn uống ngoài gia đình tăng 8,16%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 8,57%; tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 8,44%; giao thông tăng 7,18%, may mặc, mũ nón, giày dép tăng 6,93%.

Vẫn phải đề phòng lạm phát cao - Ảnh 1

Phải tiếp tục kiểm soát tăng giá tiêu dùng nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm phát cao.Ảnh: Trần Việt

Sản lượng lương thực, thực phẩm đạt kỷ lục vào năm 2011 và tiếp tục tăng khá trong năm nay đã góp phần làm cho giá lương thực giảm trong 8 tháng liền, tháng 9 chỉ tăng nhẹ và tháng 10 chỉ tăng 0,37%. Tốc độ tăng giá thực phẩm cũng chỉ là 0,88% (tính chung 10 tháng giá hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,81%), trong khi giá các nhóm hàng hoá, dịch vụ phi lương thực, thực phẩm tăng tới 9,79%.

Việc giá lương thực, thực phẩm giảm trong thời gian khá dài cho thấy lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục góp phần quan trọng vào công cuộc kiềm chế lạm phát năm nay khi mà các ngành, khu vực khác gặp khó khăn...  Mặc dù giá lương thực, thực phẩm giảm, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình vẫn tăng khá cao. Thực tế này chứng tỏ người sản xuất đang bị thiệt, trong khi các khâu từ thu mua, vận chuyển, bán lẻ... đã thu lợi không nhỏ.

Phải biết chấp nhận tăng trưởng thấp

Sau 10 tháng CPI tăng 6,02% và sau 1 năm mới tăng 7%. Nếu 2 tháng còn lại tăng 1%/tháng, thì cả năm sẽ tăng 8,15% và đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, điều quan trọng là lạm phát cao rất dễ lặp lại vào cuối năm nay và kéo dài sang năm sau, do có sự cộng hưởng giữa các yếu tố tác động bên ngoài và những yếu tố làm tăng lạm phát ở trong nước. Để ngăn chặn nguy cơ lạm phát cao trở lại, cần phải có nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp quan trọng.

Vẫn phải đề phòng lạm phát cao - Ảnh 2
Cần có nhiều giải pháp để ngăn chặn nguy cơ lạm phát cao trở lại.Ảnh: Việt Hùng

 
Về mặt tư duy, không chạy theo tốc độ tăng trưởng bằng mọi giá, mà cần chấp nhận tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra, thậm chí có thể thấp nhất từ năm 2000, là tốc độ tăng hợp lý trong điều kiện hiện nay. Tiếp tục kiềm chế nhập siêu, vừa để cải thiện cán cân thanh toán, hạn chế việc tăng nợ nước ngoài, vừa để hạn chế nhập khẩu lạm phát, trong điều kiện các nước lớn bơm tiền để kích thích kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bảo hộ mậu dịch, phá giá đồng tiền... Cẩn trọng trong việc điều hành tỷ giá vừa để tránh làm cho lạm phát ở trong nước bị khuếch đại, vừa để giảm áp lực đối với tâm lý kỳ vọng lạm phát. Cẩn trọng trong việc nới lỏng chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, đặc biệt là đầu tư công.

Cuối cùng là cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả đầu tư và năng suất lao động, bởi hiệu quả đầu tư và năng suất lao động thấp là yếu tố tiềm ẩn, nguyên nhân sâu xa của lạm phát.

Tháng 10, CPI Hà Nội đã có mức tăng thấp hơn mức tăng chung của cả nước cả nước (CPI tháng 10 của Hà Nội tăng 0,37%). Như vậy, 10 tháng, mức tăng CPI của Hà Nội là 5,8% (trong khi của cả nước là 6,02%). Trừ các nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng… luôn có mức tăng cao hơn mức tăng chung của cả nước, các nhóm khác của Hà Nội đều tăng thấp hơn. Một trong những nguyên nhân cơ bản của kết quả trên là do Hà Nội có sự chuẩn bị tốt hơn những hàng hoá thiết yếu để can thiệp thị trường và việc điều chỉnh thận trọng giá dịch vụ y tế, giáo dục.