Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn quên nghệ nhân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 10 năm chờ đợi, số lượng hiếm hoi những người có cống hiến cho sự phong phú của di sản văn hóa Việt Nam có thể sắp được chút đền đáp.

Bởi bản Dự thảo lần 3 Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được đem ra luận bàn tại Hà Nội sáng 10/4.

 Mòn mỏi vì thủ tục

Hàng chục nhà khoa học, cùng các nghệ nhân đại diện cho di sản ca trù, quan họ, ẩm thực, hát văn... có mặt từ rất sớm để tham dự hội nghị. Sau hơn 10 năm "lên tiếng", một tấm bằng công nhận của thời đại hôm nay với công lao đóng góp giữ gìn di sản hàng ngàn năm của vài trăm nghệ nhân sắp có khả năng thành hiện thực. Nói như Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên: "Theo kế hoạch, hết năm 2013 Dự thảo Nghị định mới hoàn thành. Song vì thực tế cấp bách nên lãnh đạo Bộ quyết tâm đẩy nhanh và tiến hành nhiều bước làm song song". Người ta mừng vì hành động quyết làm để báo ơn với những người gìn giữ di sản của Bộ VHTT&DL, nhưng cũng lo về cách làm luật mà thành viên Ban soạn thảo Nghị định chủ yếu lại là những người quản lý.

Vẫn quên nghệ nhân - Ảnh 1

Hát ca trù tại Văn Miếu - Quốc tử Giám.  Ảnh  Văn Phúc

Trao đổi bên lề hội nghị, GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: "Mặc dù Hội Văn hóa văn nghệ dân gian có hàng chục năm kinh nghiệm phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân, nhưng khi xây dựng Nghị định, Bộ không phối hợp gì với chúng tôi. Chính vì vậy, nhân dịp lấy ý kiến lần này, tôi đã góp ý những vấn đề quy định mang nặng thủ tục hành chính". Theo GS Tô Ngọc Thanh, trong Điều 12 của Dự thảo Nghị định quy định hồ sơ xét tặng danh hiệu còn nặng tính hình thức với các tài liệu đi kèm gồm video, clip, ảnh mô tả, bằng khen... Đa phần các nghệ nhân đã già, nhiều người là dân tộc thiểu số làm sao có tài liệu lưu trữ theo yêu cầu hay có thể kê khai bảng thành tích dài như các nhà tri thức?

Điều 12 của Dự thảo Nghị định này cũng gặp phải sự phản ứng của nhiều đại biểu khác. GS Trần Tiêu, GS.TSKH Hoàng Chương và một số đại biểu đều nhấn mạnh đến đặc thù khi làm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT với đối tượng là những người lao động sáng tạo độc lập; không thuộc biên chế một tổ chức Nhà nước. Vì thế cần đơn giản hóa đến mức có thể các thủ tục hành chính trong quá trình khai nộp, làm thủ tục xét, tặng.

Đó là chưa kể, trong Điều 9 của Dự thảo về thành viên Hội đồng xét tặng chủ yếu là các quan chức (cụ thể Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo UBND cấp tỉnh), hoàn toàn bỏ quên yếu tố đánh giá của cộng đồng.

Vừa muộn vừa chậm

Điều trước tiên của danh hiệu nghệ nhân là phải để cộng đồng suy tôn chứ không phải là những cơ quan hành chính Nhà nước. Cơ quan cấp Sở và cấp tỉnh chỉ là nơi giúp nghệ nhân hoàn thành thủ tục xét tặng. Sự suy tôn của cộng đồng quyết định uy tín và khả năng tiếp tục phát huy của nghệ nhân".

GS Đặng Văn Bài Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam

Khi Dự thảo Nghị định này ra đời, quá nửa số nghệ nhân có đóng góp đã về với tổ tiên, số còn lại đã ở tuổi gần đất xa trời. Thế nên, nghệ nhân hát văn Lê Bá Cao (82 tuổi) hay nghệ nhân quan họ Lê Thị Hình và nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết cùng nhiều nghệ nhân khác đã bùi ngùi phát biểu bằng tâm trạng nuối tiếc. Những nghệ nhân còn sống hầu hết có hoàn cảnh khó khăn, vừa mong một tấm bằng cho công lao cả đời bảo vệ di sản, vừa chờ một chút đãi ngộ của Nhà nước. Thế nhưng, văn bản tôn vinh nghệ nhân đầu tiên của Nhà nước mới đề cập đến chế độ đãi ngộ chung chung bằng khoản 3 điều 3: Trợ cấp sinh hoạt hàng tháng với NNND, NNƯT có thu nhập và hoàn cảnh khó khăn.

Ông Vũ Trường Thành, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ đặt vấn đề: "Tại sao Nghị định không quy định rõ mức trợ cấp hàng tháng đối với các nghệ nhân được phong tặng bằng bao nhiêu phần trăm lương cơ bản giống như trả công cho người quản lý một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể? Với điều khoản thu nhập và hoàn cảnh khó khăn thực tế là rất chung chung. Với người TP, một hoặc 2 trăm ngàn là không lớn, nhưng với các cụ ở nông thôn đó là món quà vừa có giá trị động viên, vừa có giá trị chăm sóc giúp họ tiếp tục cống hiến". GS Đặng Văn Bài cũng lo nếu cứ quy định "mờ mờ ảo ảo" như Dự thảo, các nghệ nhân không biết đường nào mà đấu tranh để hưởng quyền lợi, rồi lại dẫn đến tình trạng thất thoát như một số trường hợp trợ cấp chính sách khác.

Dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được khái quát trong 5 chương, 21 điều sẽ được Bộ VHTT&DL tiếp tục lấy ý kiến của các cá nhân và đơn vị có liên quan. Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, trong tháng 4 hoặc chậm nhất đầu tháng 5, Ban soạn thảo sẽ hoàn thành bản Dự thảo Nghị định lần 4 và cố gắng trình Chính phủ ban hành trong năm 2013.