Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn vướng quy định xin cấp giấy phép môi trường

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã đưa ra nhiều quy định mới về thời điểm, thời hạn nộp hồ sơ xin cấp phép môi trường, chi phí thẩm định cấp giấy phép môi trường (GPMT) cho các loại dự án.

Cần cải cách hành chính giảm thủ tục phiền hà trong việc cấp giấy phép môi trường để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp. Ảnh: Lam Thanh
Cần cải cách hành chính giảm thủ tục phiền hà trong việc cấp giấy phép môi trường để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp. Ảnh: Lam Thanh

Đây là điều kiện cần và đủ, bảo đảm các cơ sở trước khi đi vào vận hành, hoạt động. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm có hiệu lực, việc cấp GPMT cho các DN còn gặp nhiều bất cập, thậm chí các văn bản quy định có hiện tượng chồng chéo, gây trở ngại cho DN.

Giảm thủ tục nhưng vẫn thiếu chi tiết

Theo PGS.TS Bùi Thị An, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã tập trung cải cách mạnh mẽ, cắt giảm 40% số thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí cho DN và giảm được 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Trong đó, GPMT mới đã tích hợp 7 loại GPMT thành phần và được cấp cho các cơ sở, dự án phát sinh chất thải phải xử lý ra môi trường khi vận hành chính thức.

“Việc tích hợp giấy phép giúp tránh sự chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn trong nội dung cấp phép ở các luật khác nhau, giảm thủ tục hành chính; DN cũng chủ động hơn trong việc tuân thủ pháp luật do chỉ phải thực hiện đúng theo một giấy phép. Song, thực tiễn triển khai quy định pháp luật hiện hành về GPMT trong thời gian qua cho thấy nhiều hạn chế, thiếu quy định chi tiết, cụ thể nên gây khó dễ cho DN” – PGS.TS Bùi Thị An nhận định.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (điểm c khoản 1 Điều 28), quy định các DN phải hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường rồi mới làm hồ sơ xin GPMT.

Đây là một rủi ro, DN cần phải lưu ý khi chi phí đầu tư cao cho các công nghệ xử lý nước thải, chất thải và các hệ thống quản lý môi trường khác. Chi phí đầu tư cao này có thể khiến cho việc xin GPMT trở nên khó khăn hơn.

Việc nâng chi phí thẩm định có thể là một rào cản đối với các DN trong việc xin giấy phép do chi phí thẩm định cao, nếu DN không đáp ứng được sẽ rất khó để có thể xin giấy phép. Do đó, DN phải cân nhắc thật kỹ trước khi làm các thủ tục xin GPMT.

Không những thế, thời gian cấp phép cũng là cả vấn đề. Luật BVMT quy định chỉ khoảng 30 - 45 ngày làm việc, thế nhưng việc tích hợp nhiều loại giấy phép trong một sẽ khiến cơ quan có thẩm quyền mất nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh, thẩm định về việc đáp ứng các điều kiện theo Luật, trong khi nhân lực hạn chế. “Có DN chia sẻ với tôi, thời gian thực tế để xin được GPMT thông thường phải mất ít nhất là 1 năm hoặc hơn 1 năm” – PGS.TS Bùi Thị An cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, TS.LS Ngô Ngọc Diễm (Công ty Luật TNHH Thinksmart) cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đang tồn tại nhiều vướng mắc cả trong quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng.

Chẳng hạn, trong quy định về việc cấp mới, cấp đổi, cấp lại GPMT, theo Điều 44 và khoản 5 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, GPMT được cấp đổi trong trường hợp có thay đổi thông tin như tên dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoặc chủ dự án đầu tư, cơ sở thì chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm tiếp tục thực hiện GPMT và thông báo cho cơ quan cấp GPMT biết để được cấp đổi giấy phép nhưng không thay đổi nội dung khác quy định trong giấy phép. Nghĩa là, cơ sở, đơn vị đầu tư chỉ được cấp đổi trong trường hợp thay đổi tên dự án. Còn những trường hợp khác, pháp luật chưa có quy định, nhất là việc chuyển tiếp thi hành cụ thể.

Trong khi Luật Bảo vệ môi trường hiện hành mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 nhưng một số đơn vị, cơ sở, DN vẫn áp dụng Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 khi đăng ký các loại giấy phép liên quan đến môi trường do chưa hết thời hạn của các loại GPMT này.

Trong trường hợp các đơn vị, cơ sở này muốn cấp đổi lại GPMT thì họ cần chờ đến khi GPMT cũ hết hiệu lực. Còn đối với việc cấp lại, khoản 3 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường cũng không quy định về việc cấp lại. Luật sư Ngô Ngọc Diễm cho rằng đây là một điểm thiếu sót của pháp luật vì quy định này gây khó khăn cho các đơn vị, DN về chi phí, thời gian, quyền và nghĩa vụ liên quan của họ.

Cần hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm

Cũng theo TS.LS Ngô Ngọc Diễm, pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể các tiêu chí của cơ quan có thẩm quyền về điều kiện, tiêu chuẩn đánh giá đối với công trình bảo vệ môi trường sau khi đã hoàn thành. Đây cũng là một lý do mà các DN sau khi hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường nhưng báo cáo đề xuất cấp GPMT không được duyệt.

Bên cạnh đó, hiện nay Luật chưa quy định rõ quy chuẩn nào được áp dụng để đánh giá sức chịu tải của môi trường, do đó DN làm thế nào để biết được sức chịu tải của môi trường tại nơi đặt dự án, áp dụng quy chuẩn nào để DN tuân theo là một vấn đề cần lưu ý. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần phải xác định rõ và điều chỉnh lại quy chuẩn cho phù hợp với từng tiêu chí để DN có thể hiểu đúng, đủ để thực hiện.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, để khắc phục những vướng mắc, khó khăn trên, trước tiên, cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp GPMT và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm.

Thứ hai, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải phân tích, đánh giá được hiện trạng các thành phần môi trường, sự tác động của hoạt động kinh doanh tới môi trường một cách khách quan để từ đó đánh giá đúng sức chịu tải của môi trường, làm cơ sở cho việc cấp GPMT được hợp lý nhất, đáp ứng một cách hiệu quả về yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, phân cấp, phân quyền thêm cho các địa phương trong việc phân định nhóm dự án thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; hướng dẫn rõ đánh giá sơ bộ tác động môi trường; phân định rõ tiêu chí xác định nội thành, nội thị làm cơ sở xác định dự án có yếu tố nhạy cảm môi trường.

Đồng thời, cần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quản lý GPMT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng GPMT.