Vàng không thuộc nhóm hàng bình ổn giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định giá cả của mặt hàng này không còn tác động tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là thị trường ngoại tệ và tỷ giá.

 
 

>>>
Độc giả có thể xem trực tuyến phiên chất vấn  TẠI ĐÂY

 
Do đó, NHNN không phải nghĩ đến chuyện "bình ổn giá vàng", can thiệp thị trường mỗi khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch. Thống đốc NHNN tái khẳng định quan điểm trong phiên chất vấn sáng nay 13/11.

 

Không liên thông với vàng thế giới!

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Hoàng Phương (Phú Thọ) vì sao cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng miếng chưa hiệu quả, chưa đạt mục tiêu sát vàng thế giới, trách nhiệm xử lý của NHNN cũng như việc xử lý số vàng tồn đọng trong dân đến đâu? Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Trước đây, mỗi khi giá vàng trong nước có biến động, tạo ra chệnh lệch cũng gây ra nhiều biến động về kinh tế vĩ mô. Nếu giá vàng trong nước cao hơn thế giới chỉ cần ở mức 400.000 đồng đã có hiện tượng đầu cơ, buôn lậu vàng rất lớn. Trước khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có có hiệu lực, lượng vàng buôn lậu tới 10 – 20 tấn vàng/năm.
 
 
Vàng không thuộc nhóm hàng bình ổn giá - Ảnh 1
 
 
Do nhập lậu vàng, tư thương sẽ tiến hành gom ngoại tệ trên thị trường chợ đen, gây ảnh hưởng tới tỷ giá, tiếp đó là tới xuất nhập khẩu và lạm phát. Tuy nhiên, kể từ đầu năm, do kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, giá trị đồng Việt Nam cũng tương đối vững vàng nên kể cả khi giá vàng trong nước chênh từ 1 - 3 triệu đồng, tình trạng nhập lậu quy mô lớn cũng không diễn ra. Thêm vào đó, theo các quy định hiện hành, vàng cũng không phải là mặt hàng cần phải bình ổn giá. “Do đó, tôi cho rằng không có lý do gì phải bình ổn giá vàng tại thời điểm này”, Thống đốc khẳng định.

Liên quan đến số vàng còn tồn trong dân, người đứng đầu NHNN cho biết đây không phải là một con số cố định, dao động trong khoảng 250 - 400 tấn, tùy từng thời kỳ. Hiện con số này được ước tính khoảng 250 - 300 tấn, do động thái mua vào của các tổ chức tín dụng kể từ đầu năm (khoảng hơn 60 tấn).

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, lượng vàng còn tồn này là một nguồn lực rất lớn (300 tấn vàng tương đương khoảng 15 tỷ USD), cần được huy động để phục vụ phát triển kinh tế. Việc các ngân hàng mua vào hơn 60 tấn kể từ đầu năm cũng đã giải phóng ra thị trường khoảng 3 tỷ USD và được ông Bình nhận định là “cứu cánh” cho nền kinh tế năm nay. “Nếu không phải để đảm bảo thanh khoản cuối năm, có lẽ trong cả năm nay, ngân hàng sẽ phải mua vào trên 80 tấn vàng”, Thống đốc cho biết.

Liên quan đến thắc mắc của ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa Vũng Tàu) về lý do NHNN không quản lý chất lượng vàng mà lại quản lý thương hiệu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết trước đây vàng được coi là loại hàng hóa bình thường, do đó không có cơ quan nào quản lý chất lượng. “Cũng chính vì lý do này mà NHNN phải xây dựng Nghị định 24, từ đó lấy cơ sở để chuẩn hóa chất lượng vàng”, ông nói.

Quá trình chuẩn hóa này, theo Thống đốc được bắt đầu từ việc lấy SJC, thương hiệu đang chiếm khoảng 90% vàng miếng trên thị trường làm chuẩn. “Khi thị trường ổn định, cũng không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có thương hiệu vàng miếng của riêng mình, cho lưu hành song song trước khi quy chuẩn hóa về một loại”, ông Bình cho biết.

Về việc dập vàng miếng từ thương hiệu khác về SJC, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thắc mắc rằng mức giá 50.000 đồng mỗi miếng hiện quá cao so với con số 7.000 - 8.000 đồng trước đây. Tuy nhiên, theo Thống đốc Bình, ông chưa bao giờ nhận được số liệu nào liên quan đến mức giá 7.000 - 8.000 đồng. Trong khi đó, mức 50.000 đồng nêu trên là do NHNN “tính đúng, tính đủ”, chứ không phải do doanh nghiệp tự đặt ra. "Với mức giá này, NHNN quản lý được và 50.000 đồng là mức hợp lý". Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Ngay sau khi Thống đốc kết thúc phần trả lời, ĐB Nguyễn Văn Tuyết phản biện lại: “Thống đốc trả lời hay và khôn, Thống đốc đừng tưởng dân không biết gì. Nghị quyết năm 2011 nêu phấn đấu không để giá trong nước chênh lệch giá thế giới. Nghị quyết năm 2012 khẳng định liên thông giá quốc tế bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân. Thống đốc trả lời thế có mâu thuẫn với Nghị quyết Quốc hội không? Thu hút được 60 tấn vàng liệu có đưa vào sản xuất kinh doanh không hay là để trả nợ người dân khi mà NHNN không cho huy động vàng”.

Trả lời ĐB, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “NHNN phải cho nhập 15 tấn vàng vào năm 2010 để giá sát nhau. Sau đó không cho nhập thêm tý vàng nào nữa vì môi trường pháp lý thay đổi và việc nhập không còn giá trị thực tiễn. Nếu liên thông vàng thế giới thì chấp nhận là lại đầu cơ vàng. “Như vậy khẳng định là không liên thông” – Thống đốc nói.

Đã có 252.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại

Vấn đề nợ xấu gây nhức nhối trong nền kinh tế cũng được các ĐB Quốc hội thẳng thắn đề cập để chất vấn Thống đốc.

Theo Thống đốc, có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, thứ nhất là tại các tổ chức tín dụng cho vay vốn, thứ hai là ở các DN đi vay vốn, thứ ba là cơ chế chính sách ở cả chính sách vĩ mô và phát triển ngành, thứ tư là môi trường kinh doanh trong và ngoài nước và cuối cùng là do công thác thanh gia giám sát.

Về phía NHTM, trách nhiệm của các NHTM là lớn nhất, do tăng trưởng tín dụng quá nóng trong thời gian vừa qua đã khiến chất lượng tín dụng không tốt, khi môi trường kinh doanh xấu đi thì nợ xấu ắt phải gia tăng.

Tuy vậy, ông Bình khẳng định, sau khi lần đầu tiên trong lịch sử công bố con số nợ xấu theo đánh giá của NHNN, các giải pháp xử lý cũng đã được triển khai và có được kết quả ban đầu.

Cụ thể, theo giải pháp cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp khó khăn tạm thời (với Quyết định 780 của NHNN), từ tháng 4/2012 đến tháng 6/2012 đã có khoảng 36.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại; đến 30/9/2012 thì quy mô đã tăng rất mạnh với khoảng 252.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng dư nợ của nền kinh tế, theo Thống đốc, hiện khoảng hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tức khoảng 8 - 9% nợ đã được xử lý như vậy.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng được Thống đốc Bình đánh giá là đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tốt hơn. Từ đầu năm đến nay, lượng trích lập mới tăng lên khoảng 14.000 tỷ đồng, đưa tổng trích lập dự phòng rủi ro lên xấp xỉ 75.000 tỷ đồng. Qua đó, đến nay các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 12.000 tỷ đồng từ nguồn trích lập dự phòng.

Sắp kết thúc năm tài chính, Thống đốc cho rằng với Chỉ thị số 06 vừa ban hành, việc trích lập dự phòng sẽ được thực hiện quyết liệt hơn; khi chưa trích lập đủ dự phòng, các ngân hàng thương mại không được chỉ trả cổ tức, không được tăng lương thưởng.

Giải thích vì sao vốn vẫn chưa đến được DN, Thống đốc nói: "Năm rồi tăng trưởng tín dụng hết sức khó khăn, đã lường trước. Phải tính cả hai phía. Trước đây dễ dãi tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu gia tăng. Giờ các NH khó khăn, nên đưa ra đồng vốn phải kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, DN sau nhiều năm vất vả, tình hình tài chính cũng rất khó khăn nên hai bên rất khó gặp nhau. Còn với hệ thống NH, để tăng trưởng tín dụng mà an toàn, ai cũng mong điều đó. Vì thế, phải cân đối được cả hai lĩnh vực: Không làm tăng nợ xấu, nhưng phải cho tín dụng tăng trưởng hài hòa.”