Vàng lên đỉnh, chứng khoán xuống đáy

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên giao dịch đầu tuần ngày 27/7, thị trường vàng và chứng khoán Việt chứng kiến hai diễn biến trái ngược hoàn toàn. Trong khi giá vàng tiếp tục leo dốc, phá kỷ lục mọi thời đại thì thị trường chứng khoán lại “bốc hơi” khoảng 8,5 tỷ USD, cổ phiếu la liệt nằm sàn.

Giá vàng tăng từng giờ
Nếu như trong 2 phiên cuối tuần, giá vàng có chiều hướng chững lại thì đến phiên đầu tuần 27/7, giá vàng cả hai chiều lại tăng vọt cả triệu đồng mỗi lượng, đẩy giá bán tại nhiều thương hiệu kinh doanh vàng lên tới gần 57 triệu đồng/lượng, kéo giãn khoảng cách mua bán lên tới gần 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng từng giờ, mỗi thời điểm lại cập nhật một mức giá mới. Đầu giờ sáng, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 54,6 – 55,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều so với phiên cuối tuần. Trong khi đó, đến gần cuối giờ chiều cùng ngày, mức giá của thương hiệu này tăng lên 55,3 - 56,55 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
 Mua bán vàng tại một cửa hàng trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Tương tự, trong khi buổi sáng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC niêm yết ở mức 54,6 – 56,12 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) thì buổi chiều, thương hiệu này đã “phi mã” lên mức giá 55,45 - 56,9 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Theo các chuyên gia, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng USD giảm giá mạnh, lợi suất trái phiếu giảm, các gói kích thích tài khóa bổ sung và số lượng các ca nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng mạnh là yếu tố quan trọng đẩy giá vàng tiếp tục đi lên trong tuần này. Nhiều chuyên gia nhận định, giá vàng sẽ chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce trong thời gian gần.
Trong phiên giao dịch sáng 27/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng tiếp tục tăng mạnh lên mức 1.918 USD/ounce trên sàn Comex, vàng giao tháng 9 cũng tăng lên mức 1.921 USD/ounce. Giá vàng thế giới đang trên đà tăng mạnh, chỉ trong 5 ngày giao dịch, giá vàng đã tăng hơn 80USD/ounce và như vậy có tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp.
VN-Index thấp nhất kể từ đầu tháng 5 tới nay
Trái ngược hoàn toàn với thị trường vàng là diễn biến ảm đạm của thị trường chứng khoán. Những thông tin thiếu tích cực về dịch Covid-19 mấy ngày qua đã tác động tiêu cực đến thị trường vốn này. Trong phiên giao dịch 27/7, chỉ số VN-Index giảm mạnh 43,99 điểm (5,31%) và đóng cửa tại 785,17 điểm, đây cũng là mức thấp nhất của VN-Index kể từ đầu tháng 5 tới nay.
Với mức giảm 5,31%, VN-Index được ghi nhận là chỉ số chứng khoán có biến động "tệ" nhất thế giới trong phiên 27/7, trái ngược với biến động tích cực của nhiều chỉ số chứng khoán khu vực như ShangHai (Thượng Hải), Kospi (Hàn Quốc), HangSheng (HongKong), JCI (Indonesia)… Phiên giao dịch 27/7 cũng đánh dấu phiên giảm sâu thứ ba của VN-Index từ đầu năm, chỉ xếp sau phiên giao dịch 9/3 (giảm 6,28%) và phiên 23/3 (giảm 6,08%) khi thị trường chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Mức giảm sâu trong phiên hôm nay khiến vốn hóa toàn thị trường bị "thổi bay" hơn 190.000 tỷ đồng, tương đương 8,5 tỷ USD, trong đó, vốn hóa HoSE "bay hơi" hơn 153.000 tỷ đồng, tương đương 6,6 tỷ USD. Trên HoSE lên tới 377 mã, bao gồm 152 mã giảm sàn, trong khi số mã tăng vỏn vẹn 33. Thống kê 15 cổ phiếu Bluechips gồm VHM, VCB, VNM, BID, VIC, GAS, CTG, SAB, TCB, PLX, VPB, VJC, GVR, MSN, MBB đều giảm sâu, qua đó khiến VN-Index mất đi tổng cộng 31,1 điểm trên tổng số 43,99 điểm.
Báo cáo mới nhất của các công ty chứng khoán nhận định, sự bi quan của thị trường dự kiến trong khoảng 2 - 3 tuần theo sự leo thang của các giai đoạn dịch. Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, nếu xuất hiện làn sóng Covid-19 nữa ở Việt Nam thì tác động của nó đối với thị trường tiềm năng sẽ không nhiều như với khoảng thời gian đầu diễn ra dịch bệnh.
Trong trường hợp VN-Index diễn biến tương tự như Hangseng thì chỉ số ước tính sẽ dời về khu vực 770 - 780 điểm và đây cũng là vùng hỗ trợ của chỉ số nên có thể xuất hiện lực cầu bắt đáy tại vùng này khi sự lo lắng về dịch bệnh được lắng dịu.

"Chu kỳ tăng của chứng khoán Mỹ đã kéo dài 12 năm, chu kỳ tăng của bất động sản cũng đã 6 - 7 năm nhưng chu kỳ tăng giá của vàng thì mới bắt đầu vài năm và sẽ còn tiếp tục kéo dài. Hơn nữa, đỉnh của Covid-19 trên thế giới vẫn chưa được xác lập, chưa biết khi nào dịch bệnh mới giảm. Mà ngay cả khi Covid-19 được khống chế thì hậu quả của nó cũng phải kéo dài nhiều năm. Điều này khiến dòng tiền vẫn phòng thủ vào vàng. Theo tôi, 90% khả năng giá vàng sẽ lên 60 - 70 triệu/lượng nhưng có thể chưa phải trong ngắn hạn mà trong vòng 1 năm tới hoặc lâu hơn một chút." - Chuyên gia tư vấn đầu tư Phan Dũng Khánh