Vàng liên tục nhảy múa, có dễ kiếm lời?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng Nga - Ukraine là nguyên nhân chính khiến giá vàng liên tục “nhảy múa” trong tuần qua.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Từ mức 63 triệu đồng/lượng cuối tuần trước, đến tuần này, giá vàng trong nước liên tục biến đổi, vọt lên gần 67 triệu rồi bất ngờ giảm xuống quanh ngưỡng 65 triệu đồng/lượng do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới.

Cụ thể, giá vàng thế giới từ mức dưới 1.900 USD/ounce đã vọt lên 1.944 USD/ounce - mức chưa từng có trong lịch sử - vào lúc 14 giờ 30 ngày 24/2, rồi dừng ở mức 1.910,72 USD/ounce vào lúc 9 giờ 30 sáng 25/2 theo giờ địa phương.

Căng thẳng Nga - Ukraine đã tác động tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu. Thị trường vàng ''nóng hầm hập'' do từ trước đến nay vàng được coi là công vụ phòng vệ rủi ro. Nhà đầu tư tìm đến kim loại như một kênh trú ẩn an toàn. Vàng luôn là tài sản được lựa chọn hàng đầu bất cứ khi nào có lạm phát cao hoặc bất ổn chính trị.

Trong bối cảnh chiến sự nổ ra tại Ukraine khiến giới đầu tư bán tháo các loại tài sản rủi ro và tìm nơi ''trú bão'' ở những kênh đầu tư có độ an toàn cao hơn. Vàng cũng tăng mạnh khi mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu vọt lên trên 100 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 2014.

Trên thực tế, giá vàng trong nước đã "chạy" trước giá vàng thế giới. Giá trong nước tăng với tốc độ nhanh hơn và có lúc đã lên 66-67 triệu đồng/lượng, đắt nhất trong lịch sử. So với giá thế giới quy đổi, mỗi lượng vàng miếng SJC vẫn đắt hơn tới 12 triệu đồng/lượng.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, người dân không nên mua vàng lúc này vì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên tới hơn chục triệu đồng/lượng. Nếu nắm giữ vàng, người mua có thể gặp thiệt thòi rất lớn một khi thị trường đảo chiều.

Thực tế, vàng được dự báo tăng mạnh khi chiến sự xảy ra ở Ukraine. Vàng có thể dễ dàng đạt mức 2.000 USD/ounce, thậm chí hơn. Tuy nhiên, diễn biến của vàng sẽ phụ thuộc vào mức độ khốc liệt của cuộc chiến tại Ukraine. Khi căng thẳng hạ nhiệt thì giá vàng sẽ quay đầu sụt giảm.

Giá vàng có dấu hiệu chùng lại sau khi NATO cho biết sẽ không đưa quân vào Ukraine.

Sáng 25/2, thị trường vàng thế giới đã giảm khá sâu so với mức giá ngày 24/2. Tại thời điểm khảo sát, giá vàng thế giới đang đứng ở mức 1.914 USD/ounce. So với mức đỉnh 1,5 năm thiết lập hôm qua là 1.974 USD/ounce, hiện tại, giá vàng thế giới đã mất tới 60 USD/ounce. Bất chấp giá vàng thế giới giảm sâu, giá vàng miếng SJC dù giảm song vẫn giảm chậm so với thế giới.

Các chuyên gia cho biết quy mô của thị trường vàng trong nước hiện nay không lớn, và một số người đã mua vàng từ đầu tuần do vậy khả năng họ sẽ chốt lời khi giá vàng miếng SJC ở mức cao nhất lịch sử có thể diễn ra, đẩy giá vàng trong nước hạ nhiệt.

“Chênh lệch giữa giá vàng SJC với thế giới vẫn đang duy trì ở mức rất cao nên sẽ là rủi ro lớn cho người mua vào. Bên cạnh đó, giá vàng trong nước còn bị ảnh hưởng bởi tỷ giá ngoại tệ. Dù trong thời gian qua tỷ giá được duy trì khá ổn định nhưng vẫn có thể biến động nên phải tính hết mọi khả năng rủi ro. Có thể giá vàng thế giới trong năm nay sẽ quay trở lại mức 2.000 USD/ounce, nhưng nếu chênh lệch giá thu hẹp vì lý do nào đó như chính sách, tỷ giá, cung cầu... thì nhà đầu tư sẽ lỗ cực kỳ nặng. Vì vậy vẫn nên phân bổ thêm các kênh đầu tư khác ngoài vàng”, chuyên gia tư vấn đầu tư Phan Dũng Khánh chia sẻ.