6 tháng đầu năm, thị trường vàng biến động không ngừng, trong bối cảnh liên tục chịu ảnh hưởng từ kinh tế từ bên ngoài cũng như sự thay đổi về chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia nhằm giảm áp lực lạm phát. Vì thế, trong nửa còn lại của năm 2022, thị trường vàng vẫn rất khó dự đoán.
Vàng có cơ hội quay về mốc 2.000 USD/ounce
Tính đến phiên giao dịch cuối tháng 6, giá vàng thế giới hiện đang giao dịch quanh mốc 1.820 USD/ounce, gần như đi ngang so với hồi đầu năm 2022, tăng khoảng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2021. Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, giá vàng thế giới liên tục trồi - sụt, khi có lúc vọt lên đỉnh 2.070 USD/ounce vào đầu tháng 3/2022 nhưng lại có nhiều thời điểm về dưới ngưỡng 1.790 USD/ounce. Giá vàng tăng mạnh nhất trong khoảng đầu tháng 3 đến cuối tháng 4, khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine gây lên nhiều lo ngại về bất ổn kinh tế, nhưng giá kim loại quý lại bắt đầu suy thoái từ đầu tháng 5 đến nay.
Theo giới phân tích, giá vàng biến động mạnh do chịu áp lực từ sức mạnh của đồng USD. Hiện, chỉ số USD Index đã và đang tăng mạnh lên mức 104 - 105 điểm - mức cao nhất kể từ năm 2002.
Chuyên gia về vàng của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 3 lần từ đầu năm đến nay để kiểm soát lạm phát đã giúp đồng USD mạnh lên, gây sức ép lên vàng. Hơn nữa, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng tăng lên khiến một số quỹ đầu tư bán vàng để mua trái phiếu.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận định, mặc dù các quốc gia đưa ra nhiều giải pháp thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát nhưng khả năng kiềm chế đà tăng của lạm phát là rất khó, điều này sẽ tạo điều kiện cho mặt hàng kim loại quý tăng trở lại.
Ngoài ra, ông Hùng còn cho biết, thông thường trong năm, giá vàng sẽ chững lại trong tháng 5,6,7 và sẽ tăng trở lại từ tháng 8 do ảnh hưởng từ nhu cầu của thị trường. Nên với nhiều động lực hỗ trợ, trong những tháng còn lại của năm 2022, giá vàng có thể tiệm cận mức 1.950 USD/ounce, nhưng việc vàng giữ được mức giá trên 1.900 USD/ounce sẽ dọn đường cho khả năng lên mức 2.000 USD/ounce.
Thực tế, mức dự báo 2.000 USD/ounce đã được nhiều chuyên gia thế giới đưa ra từ hồi đầu năm 2022, nhưng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu liên tục biến động như hiện nay thì mọi dự báo cũng chỉ là dự báo. Mặt khác, các thị trường tài chính khác cũng liên tục biến động, trong đó thị trường chứng khoán, nhất là thị trường tiền điện tử liên tục lao dốc sẽ khiến các nhà đầu tư bán vàng để giải quyết thanh khoản. Vì thế, các dự báo đưa ra là giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022, nhưng mức tăng sẽ không quá lớn và đột ngột.
Rủi ro thị trường vàng trong nước
Việc phân tích, dự báo thị trường vàng thế giới luôn được các chuyên gia trong nước ưa thích hơn bởi sự khó dự báo của thị trường vàng Việt Nam. Các chuyên gia đều nhận định, thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thị trường thế giới, vẫn đang “một mình một chợ” nên diễn biến rất khó lường, chưa kể mức chênh lệch quá lớn lên tới 17 - 18 triệu đồng/lượng với thị trường thế giới sẽ đẩy rủi ro về phía người mua vàng.
TS. Nguyễn Thị Vũ Hà, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, thị trường vàng luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư bởi quy mô thị trường đủ lớn để nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả ngân hàng trung ương tham gia nhưng sản phẩm lại có tính ổn định giá trị theo thời gian. Rủi ro và bất ổn gia tăng khiến các nhà đầu tư xem xét lại vàng như một kênh trú ẩn an toàn và là phương thức phòng hộ truyền thống.
Tại Việt Nam, nhìn chung trong hơn 10 năm qua, giá vàng có xu hướng tăng và thay đổi cùng chiều với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, mức điều chỉnh giá vàng trong nước còn chưa theo kịp với mức điều chỉnh giá vàng thế giới.
Trong giai đoạn giá vàng thế giới tăng, giá vàng Việt Nam thường tăng mạnh hơn còn trong giai đoạn giá vàng thế giới giảm, giá vàng Việt Nam lại giảm ít hơn (trừ năm 2014 giảm mạnh hơn giá vàng thế giới). Thêm vào đó, trong các thời kỳ khủng hoảng toàn cầu (năm 2020) và bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam (năm 2011 - 2012), giá vàng ở Việt Nam phản ứng mạnh hơn so với giá vàng thế giới.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, bình quân 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá vàng trong nước tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khảo sát thị trường vàng trong nước cho thấy, dù giá vàng SJC tăng hay giảm biên độ mạnh thì vẫn không có sự xáo động về tâm lý người mua vàng như trước.
Thị trường vẫn khá bình lặng dù giá vàng SJC đã có nhiều phiên vọt lên trên 70 triệu đồng/lượng, đỉnh điểm là lên mức 73,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra - cùng ngày tăng cao với giá vàng thế giới, nhưng hiện giá vàng SJC đang loanh quanh mốc 68 - 69 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Nhận xét về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, với mức giá cao như hiện nay cùng độ chênh lệch quá lớn, người dân không còn quan tâm đến việc mua vàng tích trữ như trước.
Hơn nữa, người dân đều thấy được nghịch lý trong sự chênh lệch này nên đặt ra nhiều lo ngại khi mua vàng, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khó can thiệp thị trường vàng vì Nhà nước không muốn khuyến khích người dân mua vàng, để hướng dòng tiền nhàn rồi vào đầu tư hoặc gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Từ những vấn đề nêu trên, trả lời trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp và khó lường, chịu tác động của nhiều yếu tố, giá vàng trong nước có cùng xu hướng với thế giới, tuy nhiên tốc độ điều chỉnh tăng thì nhanh hơn, trong khi tốc độ điều chỉnh xuống lại chậm hơn.
Nguyên nhân do nguồn cung vàng miếng trong nước bị giảm đi, biến động giá vàng thế giới khiến bản thân các doanh nghiệp vàng miếng trong nước lo ngại rủi ro, do đó niêm yết giá khá cao. Vì thế, lãnh đạo NHNN cho biết, cơ quan này sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết, trong trường hợp cần thiết sẽ tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.
"Thị trường vàng trong nước là thị trường đầu cơ nên rất khó dự đoán. Hơn nữa, trong những năm qua, vàng đã không còn hấp dẫn người dân mua tích trữ do các kênh đầu tư khác hiệu quả hơn. Vì thế, khi thị trường còn nhiều biến động, giá vàng khó dự đoán thì tùy vào khẩu vị rủi ro mà nhà đầu tư, người dân lựa chọn kênh đầu tư, tích trữ hợp lý." - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính
"Trong năm 2022, khi giá vàng thế giới được dự báo là tiếp tục tăng thì giá vàng ở Việt Nam cũng có sự gia tăng nhưng mức độ khác biệt so với giá vàng thế giới sẽ giảm dần." - TS Nguyễn Thị Vũ Hà, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội