Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TS. Kinh tế Đinh Thế Hiển:

Vàng SJC tăng sốc sau đấu thầu là chuyện không bất ngờ     

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận định đầu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp lâu dài để quản lý giá vàng hợp lý, TS. Kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, không có gì bất ngờ khi vàng SJC vẫn tăng sốc sau các phiên đấu thầu.

Liên quan tới thị trường vàng trong nước, mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp can thiệp kịp thời, xử lý ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao. 

Bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…

Nhằm thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng trong nước, NHNN đã tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC.

Theo đó, sáng ngày 8/5, trong phiên gọi thầu lần thứ 5, NHNN đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng miếng SJC cho 3 đơn vị với giá 86,05 triệu đồng một lượng và còn ế 13.400 lượng.

Tuy nhiên, sau đấu thầu khoảng cách giá vàng SJC và giá vàng thế giới vẫn mở rộng biên độ. Cụ thể, một ngày sau đấu thầu (9/5), giá vàng SJC đã chạm mốc kỷ lục mới gần 89 triệu đồng/lượng. Đắt hơn giá vàng thế giới 18 triệu đồng/lượng.

Đến sáng nay 10/5, vàng trong nước vẫn tiếp tục đà tăng sốc với mức tăng cao nhất lên tới 2 triệu đồng/lượng, đưa vàng một số thương hiệu vượt mốc 89 triệu đồng/lượng. Điều này có nghĩa, vàng trong nước hiện cao hơn vàng thế giới gần 19 triệu đồng/lượng.

Dư luận cho rằng, việc càng đấu thầu giá vàng SJC càng tăng cao là một nghịch lý, để làm rõ nội dung này, Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế -  TS. Đinh Thế Hiển.

TS. Đinh Thế Hiển cho rằng đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, nên vàng có tăng giá sau đầu thầu cũng là chuyện không có gì bất ngờ 
TS. Đinh Thế Hiển cho rằng đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, nên vàng có tăng giá sau đầu thầu cũng là chuyện không có gì bất ngờ 

Được kỳ vọng sẽ giúp bình ổn thị trường vàng trong nước, vì sao sau mỗi phiên đấu giá, giá vàng lại càng “phá đỉnh”, thưa ông?

- Đấu thầu vàng miếng chỉ giải quyết được tạm thời vấn đề cung cầu vàng trên thị trường, nên dù vàng SJC có tăng sốc sau đấu thầu cũng là chuyện không bất ngờ. Về lâu dài, thị trường cần một giải pháp khác toàn diện hơn, ngăn chặn “chảy máu” ngoại tệ và buôn lậu vàng.

Hiện giá vàng trong nước đang tăng do chịu 3 yếu tố tác động cùng lúc. Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng do bất ổn của kinh tế, chính trị.

Thứ hai, trong nhiều năm nay không có khung vàng miếng ở thị trường nội địa, trong khi nhu cầu mỗi năm đều có và đặc biệt nhu cầu tăng mạnh trong năm 2022, 2023 là những năm thị trường bất động sản suy thoái, dòng tiền “chảy” nhiều vào kênh đầu tư vàng.

Thứ ba, lãi suất tiết kiệm giảm cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh, từ đó đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh và tăng cao hơn cả giá vàng thế giới.

Dù mục tiêu của đầu thầu vàng vẫn là để hạ nhiệt giá vàng, giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới nhưng việc đấu thầu chưa diễn ra thành công, cũng như chưa có lượng cung vàng trên thị trường để hạ nhiệt nhu cầu, vì vậy giá vàng vẫn tăng. Sắp tới khi nguồn cung vẫn còn khan hiếm thì giá vàng vẫn sẽ còn tăng.

Rõ ràng đấu thầu không phải là giải pháp phù hợp cho quản lý thị trường vàng, mà cụ thể ở đây là giảm giá vàng trong nước xuống một mức hợp lý so với giá vàng thế giới như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Như ông khẳng định, đầu thầu không phải là "liều thuốc" kéo giá vàng về mức hợp lý, vậy thì mục đích lớn nhất của đầu thầu vàng là gì?

- Trên thực tế, đấu thầu vàng là cách để NHNN cung lượng vàng ra với một mức giá không bị trách nhiệm. Có thể hiểu nôm na là, nếu NHNN cung giá thấp quá thì có thể bị trách nhiệm, ngược lại cung giá cao quá cũng bị trách nhiệm. Vì vậy, NHNN mới dùng biện pháp đấu thầu để giảm trách nhiệm về xác định giá. Cách làm này về bản chất không giải quyết được yếu tố chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, mà chỉ đưa được giá vàng ra ở mức sát nhất với thị trường qua đấu thầu.

Tình hình hiện tại, vẫn còn may mắn vì vàng tăng giá không phải do chính sách kinh tế vĩ mô đang yếu kém, hay do Nhà nước tung tiền để lạm phát. Nếu những yếu tố này là nguyên nhân khiến vàng tăng giá thì thật sự đáng lo ngại. Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, vàng tăng giá vì chịu ảnh hưởng của vàng thế giới, lãi suất tiết kiệm giảm, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản suy yếu…khiến cung không đủ cầu. Do đó, chỉ cần lượng vàng được tung ra một cách có kế hoạch, từng bước sẽ dần dần đáp ứng được nhu cầu nhất định cho người dân và làm giá vàng trên thị trường “hạ nhiệt”.

Đấu thầu vàng miếng SJC từng được hy vọng  "giảm nhiệt" giá vàng tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn bền bỉ đà tăng, thậm chí chạm ngưỡng lịch sử mới gần 90 triệu đồng/lượng
Đấu thầu vàng miếng SJC từng được hy vọng  "giảm nhiệt" giá vàng tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn bền bỉ đà tăng, thậm chí chạm ngưỡng lịch sử mới gần 90 triệu đồng/lượng

Vậy theo ông, đâu là giải pháp hữu hiện để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lúc này?

- Để kéo giá vàng trong nước về mức hợp lý, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, cần có những chính sách đồng bộ. Tất nhiên, chính sách này phải bao gồm cả giải pháp thị trường và giải pháp hành chính.

Tức là, Nhà nước phải kiểm soát vàng có điều kiện, không thể nào vì nhu cầu mua vàng tăng cao mà nhập vàng một số lượng lớn, phải tính toán một lượng vàng hợp lý nhập về nhằm đảm bảo chính sách tiền tệ, và đáp ứng nhu cầu người dân hợp lý.

Nếu như trong một giai đoạn nhất định mà nhu cầu vàng tăng quá mạnh trong khi chỉ có thể đáp ứng lượng cung một cách vừa phải thì phải chấp nhận giá vàng tăng là chuyện bình thường. Rồi sau đó đến lúc những yếu tố giải toả nhu cầu xuất hiện như: giá vàng thế giới hạ nhiệt, lãi suất ngân hàng không còn giảm nữa, bất động sản phục hồi, giá vàng sẽ tự ổn định trở lại.

Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là tập trung tránh ngăn chặn trục lợi của việc chênh lệch giá vàng hiện nay, đó là buôn lậu. Cần phải nhấn mạnh rằng, xử lý buôn lậu không chỉ nằm trong những người buôn lậu, mà còn phải mở rộng trong những người mua vàng không có nguồn gốc để bán ra, đó là quản lý chặt các tiệm vàng trong vấn đề kinh doanh vàng. Thậm chí có thể áp dụng đề xuất mua vàng lớn phải thanh toán qua tài khoản, để quản lý kinh doanh mua bán vàng hiệu quả hơn. Cách làm này sẽ giúp khắc phục được một giai đoạn, đó là giai đoạn mà giá vàng trong nước vẫn chênh lệch với giá vàng thế giới, để tránh “chảy máu” đô la qua đường buôn lậu nhằm mục đích trục lợi.

Và sau đó với những giải pháp cung vàng có kế hoạch, và những kênh đầu tư khác dần phục hồi thì giá vàng sẽ từng bước ổn định, thị trường vàng sẽ bình ổn.

Với giá vàng hiện nay, theo ông có cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn hay không?

- Thời điểm này nếu mua vàng, nhà đầu tư sẽ đối đầu với rủi ro kép. Thứ nhất, giá vàng thế giới đã vượt qua 2.000 USD, khả năng lên và xuống như nhau là một rủi ro. Thứ hai là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao, cũng là rủi ro. Vì vậy, lời khuyên cho những nhà đầu tư dài hạn, đầu tư an toàn là không nên chạy theo tài sản đầu tư mà có quá nhiều rủi ro.

Nhìn vào vàng thời điểm này, mỗi nhà đầu tư sẽ có tâm lý khác nhau, trong đó có tâm lý chạy theo số đông. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, chỉ có một số ít nhà đầu tư là có khả năng vào - ra đúng xu thế nên hưởng lợi, còn đa số chạy theo xu thế tăng giá đều thiệt hại, không chỉ trong vàng mà trong nhiều tài sản đầu tư khác cũng vậy.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!