Vẫn dự báo tăng
Giá vàng đêm 23/9 đã lên 2.635 USD/ounce, cao nhất mọi thời đại. Đến sáng nay 24/9, giá vàng biến động nhẹ, giao dịch tại 2.630 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 12/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.652,85 USD/ounce.
Thị trường vàng quốc tế tiếp tục nóng lên trong bối cảnh tình hình địa chính trị ở Trung Đông căng thẳng. Israel tăng cường hành động quân sự ở Lebanon, trong khi Hezbollah gia tăng các đợt bắn tên lửa vào Israel.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, vàng là 1 tài sản truyền thống chống lại sự bất ổn về địa chính trị và kinh tế, đang hướng đến mức giá cao nhất tốt nhất trong 14 năm qua. Các quỹ đầu tư vàng toàn cầu đã mua vào 3 tấn vào tuần trước.
Cùng với căng thẳng địa chính trị, kỳ vọng về xu hướng giảm lãi suất điều hành tại các ngân hàng trung ương lớn cũng làm tăng sức hấp dẫn của vàng. Tuần qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất USD 0,5%, xuống còn 4,75 - 5%/năm. Mức lãi suất vào cuối năm dự kiến còn tiếp tục giảm.
Nhu cầu tăng vọt từ người tiêu dùng Ấn Độ đối với trang sức và vàng thỏi sau khi chính phủ nước này mới đây hạ thuế nhập khẩu vàng cũng góp phần đẩy giá vàng toàn cầu lên các mức cao kỷ lục mới. Số liệu của Chính phủ Ấn Độ vừa được công bố hôm 24/9, kim ngạch nhập khẩu vàng của Ấn Độ đạt mức cao nhất từ trước đến nay trong tháng 8/2024, đạt tổng giá trị 10,06 tỷ USD.
Trong báo cáo mới đây, các nhà phân tích tại UBS lưu ý: “Giá vàng đã tăng hơn 25% từ đầu năm đến nay và điều đó không chỉ thể hiện kỳ vọng về lợi suất thấp hơn, với sự hỗ trợ thêm từ những bất ổn vĩ mô và địa chính trị, cộng thêm xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trung ương (NHTƯ)”. Các nhà phân tích cho biết, đợt tăng giá của vàng có thể tiếp tục diễn ra. Theo quan điểm của họ, mục tiêu giá tiếp theo sẽ là 2.700 USD/ounce.
Trong khi đó nhà phân tích Xanrox của TradingView cho biết, giá vàng có thể tăng lên trên 2.800 USD/ounce vì kim loại quý “đã bắt đầu xu hướng tăng lịch sử”: “Tôi dự đoán giá vàng sẽ chạm đỉnh mới trong những ngày hoặc tuần tiếp theo” - chuyên gia này khẳng định.
Tại Việt Nam, giá vàng cũng tăng dồn dập. Vàng miếng SJC được Công ty SJC tăng 1,5 triệu đồng mỗi lượng, lên 83,5 triệu đồng/lượng (bán ra); vàng nhẫn đắt kỷ lục trên 81,1 triệu đồng.
Tại Công ty SJC, giá vàng nhẫn được niêm yết 79,8-81,2 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 300.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng tăng 300.000 đồng/lượng lên 80,3-81,4 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu và DOJI lần lượt niêm yết 80,08-81,18 triệu đồng/lượng và 80,1-81,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức gần 79,4 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 4,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Không dễ kiếm lời
Giá vàng nhẫn tăng hơn 5 triệu đồng/lượng trong vòng 1 tuần qua theo diễn biến của kim loại quý trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, giá bán vàng miếng SJC sau nhiều ngày đi ngang 82 triệu đồng/lượng đã tăng lên 83,5 triệu đồng.
So với đầu năm, giá vàng nhẫn tăng khoảng 19,2 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng gần 30%, ghi nhận mức sinh lời vượt trội so với nhiều kênh đầu tư khác. Hiệu suất sinh lời của vàng miếng thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 9%.
Nguyên nhân khiến giá vàng nhẫn "sốt nóng" do một bộ phận người dân chuyển dịch từ mua vàng miếng sang vàng nhẫn, khi họ đang chờ đợi các quy định mới về vàng. “Trong bối cảnh vàng nhẫn không bị đặt trong diện "bình ổn" giá, phụ thuộc vào quy luật cung cầu thì khi giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng nhẫn cũng tăng theo”- chuyên gia đầu tư tài chính cá nhân Lê Xuân Huy phân tích.
Diễn biến tăng giá nhanh của vàng nhẫn khiến gây ra nhiều cảm xúc trái ngược nhau của giới mua vàng.
"Từ đầu tháng 9, tôi đã có ý định mua vàng nhẫn nhưng nhìn giá vàng nhảy mỗi ngày tôi cứ chần chừ mãi. Còn nhớ, lúc đầu tháng giá vàng nhẫn quanh mốc 78,6 triệu đồng/lượng, vậy mà chỉ sau 2 tuần giá vàng đã cao ngất, tăng hơn gần 4 triệu đồng một lượng"- chị Lê Thu Huyền (Thanh Xuân) nuối tiếc.
Chị Nguyễn Kim Thanh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đã chờ đợi nhiều ngày nay nhưng vẫn chưa thể mua vàng nhẫn. "Hiện tại mua vàng rất khó khăn. Tôi đến các cửa hàng vàng bạc quanh quận Cầu Giấy 3 ngày nay đều về tay không vì lúc thì vừa bán hết, hỏi nhân viên xem thời điểm nào bán nhưng họ đều lắc đầu nói không nắm rõ thông tin" - chị Thanh nói.
Tình trạng khan hiếm vàng nhẫn đã diễn ra trên thị trường vài tháng qua do hạn chế nguồn cung nguyên liệu. Các công ty vàng cũng thận trọng vì hiện nay cơ quan chức năng đang đẩy mạnh thanh kiểm tra thị trường vàng, trong đó có truy nguồn gốc vàng nguyên liệu. Thêm vào đó, từ hơn 10 năm qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cấp phép cho các công ty nhập vàng nguyên liệu theo đường chính ngạch để sản xuất vàng nhẫn, trang sức.
Giá vàng liên tục phá đỉnh và đạt ngưỡng cao chưa từng có, nhiều người băn khoăn có nên mua vàng thời điểm này để đón "sóng" thời gian tới hay không. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện tại, giá vàng thế giới đang trong đà tăng mạnh, với mức giá vượt ngưỡng 2.600 USD/ounce.
Chỉ trong 2 ngày, giá vàng đã tăng hơn 30 USD/ounce, phản ánh sự biến động của thị trường trước các yếu tố kinh tế và địa chính trị phức tạp. Tuy nhiên, việc người dân đổ xô đi mua vàng trong thời điểm này cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Có thể xuất hiện các đợt điều chỉnh khi cá nhà đầu tư lớn thực hiện chốt lời.
Người dân nên thận trọng cân nhắc kỹ trước khi mua vào thay vì chạy theo tâm lý đám đông. Bên cạnh đó khi không mua được vàng, quay sang giao dịch ở thị trường “chợ đen” nên lưu ý về chất lượng và tính thanh khoản.
Giá vàng đang rất sốt, không nên nóng vội, bỏ hết vốn liếng đầu tư vào vàng. Nên theo dõi kỹ lưỡng thông tin từ các kênh, các tuyên bố, động thái của Chính phủ, NHNN và các diễn biến mới nhất từ thị trường.
"Trong cơn sốt giá vàng, tuyệt đối tránh tình trạng vay tiền để mua vàng. Bởi khi vàng đột ngột rớt giá, người vay sẽ cùng lúc phải chịu áp lực nặng nề từ việc thất thoát tiền bạc và trả nợ"- TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.