"Vàng thau lẫn lộn'', công ty tài chính tiêu dùng đứng trước nhiều thách thức

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép lại đang bị đánh đồng với những công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo luật như một số đơn vị cầm đồ, app cho vay...

Tiềm năng cho vay tiêu dùng lớn 

Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Đến ngày 30/6/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm 2021, trong đó cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng đạt khoảng 2,32 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22,22% dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 11,56% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đạt 140.257,6 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2021, trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng và dư nợ phát hành thẻ tín dụng tăng lần lượt là 10% và 19% so với cuối năm 2021.

Những số liệu trên cho thấy, tài chính tiêu dùng đang góp phần giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế tiếp cận được dòng vốn của các công ty tài chính chính thức, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn chính thức, nhưng hoạt động/thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép lại đang bị đánh đồng với những công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo luật (ví dụ như một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty fintech cho vay online, App cho vay... không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng). Những công ty này tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

 

Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn ở dạng tiềm năng. Với khoảng 100 triệu dân và tỷ lệ người dân có thu nhập trung bình/thấp vẫn chiếm đa số. Vì thế dư địa cho các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

TS Nguyễn Đức Độ

Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình hoạt động, Phó Tổng Giám đốc Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) Nguyễn Thành Phúc cho biết, tại FE CREDIT, khoảng 70 - 80% tổng số lượng khách hàng của công ty là người lao động có thu nhập trung bình - thấp. Hầu hết mục đích đều xuất phát từ nhu cầu vay chính đáng như chi phí sinh hoạt, chữa bệnh, nâng cấp phương tiện đi lại, tiền học phí…

Thời gian qua, dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính thức, tuy nhiên hoạt động kinh doanh của công ty nói riêng và các công ty tài chính nói chung lại bị hiểu nhầm là tín dụng đen. Thực tế này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty. Đặc biệt, khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay, sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính.

Ngoài ra, mặc dù pháp luật hiện nay đã có những quy định tương đối chặt chẽ đối với người đi vay tiền, tuy nhiên việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật. Một số người vay lợi dụng điều này để cố tình trốn tránh trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức với tổ chức cho vay.

Cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) Trần Thanh Nữ Tường Vy chia sẻ, hiện nay, tài chính tiêu dùng đang gặp phải những vấn đề khó khăn rất cần được tháo gỡ. Đầu tiên là việc giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm. Thời gian chưa đủ dài để tích lũy tăng trưởng dư nợ cho vay ở con số lớn, nên việc tính tỷ lệ tăng trưởng vô hình trung đã làm bó hẹp khả năng tăng thu nhập của công ty, trong khi nợ xấu tăng nhanh suốt từ 2021 đến nay. Dẫn đến biên lợi nhuận thu hẹp dần nên phải cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân sự...

Hơn nữa, sự phát triển công nghệ thông tin mạnh mẽ thì sự cạnh tranh của tài chính tiêu dùng không chỉ còn trong nội bộ ngành, mà còn phải đối mặt cạnh tranh với các công ty Fintech (gồm P2P - cho vay ngang hàng, vay qua App, vay ngày...), chuỗi cầm đồ (các công ty, tổ chức này không bị quản lý chặt chẽ bởi Luật Các tổ chức tín dụng).

Hoàn thiện quy định pháp luật, tạo môi trường thuận lợi

TS Cấn Văn Lực - Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nêu nhìn nhận, tài chính tiêu dùng là lĩnh vực mang lại lợi ích cho nền kinh tế với việc thúc đẩy tiêu dùng của người dân, tạo cầu hàng hóa, dịch vụ cho phát triển sản xuất. Tuy nhiên, tài chính tiêu dùng cũng có rủi ro, nếu không được quản lý, kiểm soát phù hợp.

Để hoạt động tài chính tiêu dùng đạt hiệu quả cao hơn nữa, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính (nhất là quy định về chuẩn mực an toàn cũng như minh bạch thông tin, tiếp thị sản phẩm, quản trị rủi ro...) cũng như khung pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng tài chính nói riêng.

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, NHNN cũng cần tăng cường giám sát, quản lý để hạn chế rủi ro, nợ xấu có thể tăng nhanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng khi nền kinh tế có nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Còn theo TS Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, phía NHNN cần nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định Luật Các tổ chức tín dụng về việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp và các hệ thống dữ liệu quốc gia khác để góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế. Ngoài ra, cần tăng cường các chính sách, giải pháp và vai trò các tổ chức liên quan bảo vệ lợi ích của khách hàng vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, hỗ trợ các tổ chức tín dụng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu khách hàng.

Đối với các tổ chức tín dụng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội để giới thiệu sản phẩm tín dụng tiêu dùng đến người dân. Tăng tính chuyên biệt hóa về sản phẩm, đơn giản hóa về thủ tục cho vay, thiết kế được từng loại sản phẩm tài chính tiêu dùng phù hợp với từng loại nhu cầu và từng đối tượng khách hàng.

 

Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển tài chính tiêu dùng là một trong những chủ trương lớn, có tính xuyên suốt trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, đã được khẳng định tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020). Trong đó khẳng định: “Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”. 

Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) Nguyễn Thị Hòa