TP Hồ Chí Minh:

Vật liệu xây dựng khan hiếm ảnh hưởng tiến độ dự án vành đai 3 

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, đang xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu, nguy cơ khó đảm bảo cung cấp theo tiến độ thực hiện dự án vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Ngày 10/3, Sở Giao thông vận (GTVT) tải TP Hồ Chí Minh có báo cáo về tình hình triển khai dự án vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, Sở này đề cập về tình trạng khan hiếm vật liệu, nhất là đất cát đắp nền đường.

Cụ thể, Sở GTVT cho biết, theo tính toán, để xây dựng vành đai 3 TP Hồ Chí Minh cần hơn 14,8 triệu m3 vật liệu, trong đó đất đắp nền cần hơn 1,6 triệu m3, cát đắp nền hơn 7,2 triệu m3, cát xây dựng cần gần 1,5 triệu m3, đá xây dựng 4,4 triệu m3.

Để đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng, trước đó, UBND TP cũng có công văn gửi UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp về hỗ trợ để đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là dự án trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và điều chỉnh năm 2013
Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là dự án trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và điều chỉnh năm 2013

Tuy nhiên, Sở GTVT cho hay, mới đây, theo kết quả khảo sát và làm việc với các địa phương trong vùng, nguồn vật liệu xây dựng đang khan hiếm (đặc biệt là vật liệu đắp) và khó đảm bảo cung cấp theo tiến độ thực hiện dự án vành đai 3.

Để giải quyết khó khăn, Sở GTVT kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sớm xem xét, giải quyết các vướng mắc về nguồn đất cát đắp cho dự án.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương về trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đảm bảo nhà thầu có thể khai thác được ngay các vật liệu xây dựng. Đặc biệt là hướng dẫn các địa phương hỗ trợ nhà thầu trong xác định giá bồi thường, thuê đất để khai thác mỏ vật liệu trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh (dài 76km, đi qua TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An) với tổng vốn hơn 74.500 tỷ đồng.

Cụ thể, đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh chạy theo hình vòng cung: Bắt đầu từ cao tốc Bến Lức – Long Thành đoạn qua huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); sau đó đi lên phía Bắc, qua quận 9, Hồ Chí Minh); qua Dĩ An và Thuận An (tỉnh Bình Dương); qua huyện Củ Chi (Hồ Chí Minh) qua huyện Hóc Môn (Hồ Chí Minh); qua huyện Bình Chánh (Hồ Chí Minh); điểm kết thúc là nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành (đoạn nút giao với cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Dự án được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới cho các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo ra cơ hội để các tỉnh thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tốt đẹp hơn.

Để kết nối và phù hợp với đường vành đai 3, TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh 27 đồ án quy hoạch qua ba huyện và TP Thủ Đức. 

Trong khi đó, tỉnh Long An và Đồng Nai cũng điều chỉnh nhiều quy hoạch về đô thị, giao thông, sử dụng đất để đón đầu dự án này nhằm tận dụng tối đa lợi thế thông thương mà tuyến đường này mang lại.

Theo kế hoạch, tháng 6/2023 sẽ khởi công dự án vành đai 3, với 90% mặt bằng. Tới tháng 12, 100% mặt bằng của dự án sẽ được bàn giao.

Bên cạnh đó, các tỉnh gồm Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng sẵn sàng khởi công dự án vành đai 3 trong tháng 6/2023.