Mọi người đều hiểu Hiền mắc chứng trầm cảm sau sinh, nhưng nguyên do từ đâu không phải ai cũng tường tận.
Hiền vốn là một cô gái vui vẻ, khá về chuyên môn, làm việc rất đúng ý các sếp. Cô chỉ thay đổi tính tình từ sau khi lấy chồng. Chồng Hiền là môt sĩ quan chuyên nghiệp, công việc tuy không bận rộn, nhưng chẳng mấy khi được ở nhà. Mọi gánh nặng về nhà chồng, hầu như Hiền phải đảm nhiệm hết. Vừa lo công việc cơ quan, vừa lo vun vén gia đình dường như là quá sức của Hiền. Đến khi Hiền có thai, mấy chị đồng nghiệp khuyên Hiền nên thuê một ôsin về để được đỡ đần công việc.
Tuy vậy, công việc tìm kiếm ôsin của Hiền không hề đơn giản. Những người đến từ trung tâm giới thiệu việc làm người thì quá trẻ, người thì già, người làm được vài ngày đã không vừa ý Hiền. Mấy chị đồng nghiệp lại tư vấn nên thuê người giúp việc ở quê, có chút quen biết thì họ làm việc cẩn thận hơn, công thuê mướn lại không cao.
Sau bao nhiêu cuộc điện thoại về quê nhờ mẹ tìm cho người tin cậy, cuối cùng Hiền cũng thuê được người giúp việc. Hiền khấp khởi mừng, mấy chị đồng nghiệp cùng phòng cũng thở phào.
Người giúp việc cho Hiền đúng là được cái tính thật thà, nhưng không khéo léo, lại chưa một lần sử dụng những dụng cụ nhà bếp hiện đại, cái gì hỏi đến cũng không biết, khổ cho Hiền phải mất nhiều thời gian đào tạo.
Khi người giúp việc đã tàm tạm biết việc theo ý Hiền, cũng là lúc Hiền mang thai tháng cuối. Một bé trai kháu khỉnh, xinh xắn, khiến họ hàng, đồng nghiệp ai cũng chúc mừng cho Hiền. Nhưng do sinh mổ, nên sức khỏe Hiền rất yếu, nhà chồng thì neo người, mẹ chồng thì tuổi cao, mọi việc đều trông chờ vào người giúp việc.
Bà ôsin nhà Hiền thực ra cũng chẳng phải người khỏe mạnh, ngày 3 bữa cơm, lau nhà cửa cũng khiến bà mệt phờ, cũng may giặt giũ đã có máy giặt nên đỡ tốn sức. Nhìn bà ôsin mệt mỏi, Hiền cũng ái ngại, dẫu sao cũng là người quen biết ở quê, không thể đối xử như người xã hội được. Hiền bảo “bà cố giúp cháu hết mọi việc trong 2 tháng đầu, hết thời gian kiêng cữ cháu sẽ đỡ việc cho bà”.
Được mấy tháng, bà giúp việc lăn đùng ra ốm, đưa đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe tổng thể, mới biết bà giúp việc bị gan. Hiền đành thanh toán lương lậu, biếu bà thêm ít tiền rồi gửi trả bà về quê.
Vậy là mọi việc trong nhà, Hiền lại phải vừa trông con vừa thu xếp. Thời gian nghỉ sinh cũng đã hết mà vẫn chưa tìm được ôsin thay thế. Hiền đành xin nghỉ không lương thêm một tháng để tìm người giúp việc.
Mãi rồi trung tâm giới thiệu việc làm cũng giới thiệu được cho Hiền một người giúp việc mới, rút kinh nghiệm những lần thuê ôsin trước, Hiền cho ôsin mới đi kiểm tra sức khỏe tổng thể, thấy tất cả đều bình thường Hiền mới an tâm thuê.
Ôsin mới nhà Hiền được cái nhanh nhẹn, khỏe mạnh, mồm miệng cũng khéo léo, nên Hiền khá yên tâm giao việc nhà cho bà ta để đi làm.
Nhưng, chỉ yên ổn được vài tháng, Hiền phát hiện ra người giúp việc mới không thật thà. Khi mỗi tháng cô phải thanh toán tiền điện nước, cước điện thoại lên tới gần 3 triệu đồng, Hiền mới tá hỏa kiểm tra các số gọi đi trong bảng thanh toán cước điện thoại, toàn là cước gọi đi các tỉnh, do bà ôsin tranh thủ “buôn” lúc Hiền vắng nhà.
Hiền còn phát hiện ra đồ đạc trong nhà dường như bị xáo trộn, thực phẩm trong tủ lạnh bị đem ra sử dụng bừa bãi, thói quen ăn nhiều, uống sinh tố sau mỗi bữa ăn của ôsin cũng là điều đáng bực mình. Cực chẳng đã, Hiền quyết định cho ôsin nghỉ việc.
Sự nhiễu nhương của ôsin cộng với chăm con nhỏ đêm hôm đã làm Hiền thường xuyên mất ngủ, nay lại thêm phải ôm đồm việc nhà khiến Hiền trở nên u uất, dễ cáu kỉnh.
Đồng nghiệp thường nói đùa là Hiền “vất vả về đường ôsin”. Mọi người ái ngại cho Hiền không biết cô sẽ giải quyết mọi việc như thế nào? Các chị đồng nghiệp cùng phòng lại chụm đầu nghĩ cách tư vấn…