Vay tiêu dùng: Đừng thấy dễ mà… vội ký

Minh Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho vay tiêu dùng là xu hướng tất yếu của các ngân hàng và đang ngày càng trở nên phổ biến.

Với nhiều ưu việt, hiện nay, vay tiêu dùng là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, tuy nhiên, bên cạnh đó tồn tại nhiều hệ lụy.

Xu hướng gia tăng

Báo cáo kết quả dịch vụ cho vay tiền mặt tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) Home Credit Việt Nam cho thấy, hoạt động vay tiêu dùng đang tăng trưởng mạnh với bình quân hơn 57% trong giai đoạn 2010 - 2015. Và tiếp tục đạt con số “khủng” trong sáu tháng đầu năm 2016, với doanh thu tăng 80% so với cùng kỳ năm 2015. Và theo dự đoán, vay tiêu dùng có vượt mốc 10% GDP vào năm 2020.
Giao dịch tại chi nhánh VPbank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Giao dịch tại chi nhánh VPbank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Với giới hạn khoản vay không quá lớn nhưng có lợi thế về lãi suất và tính linh động, vay tiêu dùng đang phục vụ lợi ích thiết thực của tầng lớp công nhân, lao động phổ thông (một tầng lớp chiếm đại đa số dân số Việt Nam). Theo thống kê, 50% khách hàng của Home Credit là công nhân, lao động có trình độ phổ thông, với các khoản vay phổ biến từ 10 đến 60 triệu đồng, thời hạn trả là từ 1 – 3 năm. Tình hình cũng tương tự tại các công ty tài chính lớn khác như FE Credit, HD Saison, ACS… Thị trường bùng nổ tạo nên một cuộc chạy đua khốc liệt giữa các thành viên trên thị trường tài chính. Số lượng công ty tài chính trong năm 2015 đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Các dịch vụ, công nghệ tiên tiến được áp dụng (thanh toán điện tử, dịch vụ thu hộ,…), mở rộng các điểm áp dụng, cải cách thủ tục hành chính, tăng đãi ngộ,…

Đi cùng những khuyến cáo

“Vay tiêu dùng đem lại nhiều lợi ích nhưng người tiêu dùng cũng cần thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng với các hợp đồng cho vay theo hình thức này” - đó là khuyến cáo mới nhất mà Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đưa ra.

Khuyến cáo này đưa ra từ những vụ việc được chuyển đến kênh tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng. Một phần không nhỏ trong số đó liên quan đến việc khiếu nại lĩnh vực tài chính ngân hàng, tín dụng, cho vay tiêu dùng, mua hàng qua mạng… Phần lớn trong số đó xuất phát từ việc người tiêu dùng ký hợp đồng vay với các công ty tài chính để mua các sản phẩm như điện thoại, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng… Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, thường là từ 3 – 6 tháng, người tiêu dùng không còn khả năng trả nợ do lãi suất quá cao, và gặp thái độ cư xử không đúng mực từ phía các công ty tài chính. Trong trường hợp này, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt bút ký. Đặc biệt cần xem xét kỹ hợp đồng ký với các công ty tài chính, đặc biệt là các điều khoản về lãi suất, lãi phạt, tiến độ và thời hạn trả nợ. Trong quá trình ký kết hợp đồng, nếu cảm thấy các điều khoản trên có thể gây bất lợi cho mình trong tương lai, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đàm phán lại hoặc cân nhắc kỹ hơn đến việc ký kết. Ngoài ra, khi ký hợp đồng người tiêu dùng có trách nhiệm yêu cầu và lưu giữ hợp đồng để làm căn cứ đối chiếu, so sánh trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Đồng thời, nên lưu giữ tất cả hóa đơn, tài liệu chứng minh nghĩa vụ thanh toán nợ. Khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng có quyền yêu cầu công ty giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại tại Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương.

Về vấn đề này, các chuyên gia cũng khuyến cáo, người tiêu dùng tránh ký thay hợp đồng vay cho người khác. Không để kẻ gian lợi dụng tính thêm phí môi giới hồ sơ hoặc các phí không có trong hợp đồng vay cũng như không ủy quyền cho người khác nhận tiền hoặc sản phẩm vay thay cho mình. Ngoài ra, trong thời gian vay cần theo dõi bảng sao kê tín dụng cá nhân thường xuyên để nắm rõ tình trạng tín dụng và tận dụng các kênh thanh toán điện tử, tránh trễ hạn thanh toán…