Vay trực tuyến: Chờ khung pháp lý

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho vay ngang hàng (Peer to Peer Lending - viết tắt là P2P) là mô hình kết nối trực tiếp giữa người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến. Đây là kênh tiếp cận vốn mới, giúp các khách hàng “dưới chuẩn” có cơ hội vay vốn nhưng do chưa có hành lang pháp lý, rủi ro cho người đi vay là không hề nhỏ.

Ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin vào ngành tài chính ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Công Hùng
Vay nhanh, lãi suất cao
Chị Nguyễn Thu Phượng ở Láng Hạ (Hà Nội), mới đây đã vay thử 3 triệu đồng trên một trang web vì thấy điều kiện vay quá dễ dàng. Đúng như quảng cáo, chỉ sau khi đăng ký vay, có nhân viên tư vấn gọi điện thoại cho chị kiểm tra vài thông tin cá nhân và chị đã nhận được tiền vay ngay sau đó vài tiếng.
Tương tự, anh Trần Hùng cần gấp một khoản tiền nên sử dụng app trên di động để vay tiền nhanh 15 triệu đồng. Anh cho biết, tại ứng dụng ứng dụng www.vaymuon.vn, người vay có thể vay nhanh từ 1 - 20 triệu đồng với thời gian vay trong khoảng 30 ngày. Hình thức vay gồm: Vay theo bảng lương, theo thẻ sinh viên, theo chứng minh Nhân dân, đăng ký xe hoặc hồ sơ khác. “Với khoản vay 15 triệu đồng, sau thời hạn 30 ngày, tôi phải trả cả gốc và lãi là 17.250.000 đồng, lãi suất 15%/tháng” - anh Hùng nói.
P2P là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Diễn đàn kinh tế Việt Nam chuyên đề Vốn - Tài chính Việt Nam mới đây tại Hà Nội đã bàn đến việc tạo khung pháp lý cho các sàn huy động vốn tư nhân nhằm giải quyết nhu cầu vốn của nền kinh tế, hạn chế tín dụng đen. Chúng ta cần phải chấp nhận và có biện pháp quản lý để hạn chế rủi ro cho các bên tham gia.

TS Cấn Văn Lực
Tiết kiệm thời gian được xem là ưu điểm của mô hình cho vay P2P khi tất cả giao dịch và quy trình thẩm định, xét duyệt, giải ngân được thực hiện trực tuyến thông qua ứng dụng và các thiết bị di động. Trên thực tế, vì thủ tục vay quá đơn giản, dễ dàng, nên rất nhiều người chọn vay qua lời mời quảng cáo trên internet, trên các trang mạng xã hội để giải quyết nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện chưa có luật nào bảo vệ người vay qua các trang mạng với lãi suất cao. (Vay qua các trang web có lãi suất vay thấp nhất 1%/ngày, 7%/tuần, 30%/tháng).

Chị Phượng cho biết, theo thỏa thuận ban đầu, chị góp mỗi tháng 1,2 triệu đồng, sau 3 tháng sẽ kết thúc khoản vay. Tuy nhiên sau đó, chị nhận được thông tin là khoản tiền góp hàng tháng là chưa cộng phí. Tính chung cả phí và lãi thì mỗi tháng chị phải góp gần 1,5 triệu đồng. Nếu thanh toán đúng hạn thì sau 3 tháng, số tiền vay chị Phượng phải trả khoảng 4,5 triệu đồng.
Thực tế trường hợp của chị Phượng hay anh Hùng nếu trả chậm sẽ bị tính tiền trả gốc chậm cộng với nợ lãi… Trường hợp trễ hạn, người vay sẽ bị tính phí trả trễ, số tiền nợ gốc phải tăng thêm 50% tính từ ngày quá hạn, nhân với lãi suất đã quy định… Chưa kể, một số nơi ngoài hình thức thu lãi còn có phí tư vấn và phí chuyển tiền khá cao. Do đó, cộng tất cả các phí liên quan thì lãi suất phổ biến từ 30 -40%/năm. Đây là một thiệt thòi cho người đi vay.
Lo biến tướng, rủi ro
Dù mới xuất hiện ở Việt Nam gần đây, nhưng hiện đã có gần 40 công ty hoạt động trong lĩnh vực P2P, điển hình là Tima (tập trung cho vay cá nhân) và Lendbiz (tập trung cho vay DN nhỏ và vừa)... Cũng có mô hình tốt nhưng cũng có một số nơi cho vay với lãi suất gấp đôi, gấp ba. Có đến 60% DNNVV, hộ kinh doanh cá thể phải huy động vốn ngoài hệ thống ngân hàng. Thực trạng đó đã tạo điều kiện sinh sôi nảy nở cho hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen theo kiểu truyền thống hoặc sàn P2P trá hình.
Các công ty tài chính cho vay ngang hàng kết nối các khách hàng có nhu cầu vay tiền với các nhà đầu tư và họ được hưởng phí khi một giao dịch thành công. Song các công ty này hoạt động như một nơi huy động vốn từ các nhà đầu tư để cung cấp các khoản vay ngắn hạn, lãi suất cao cho các DN đang kẹt tiền mặt. Đáng nói là nếu sàn giao dịch hoạt động không hiệu quả có thể sụp đổ và làm mất sạch tiền của nhà đầu tư. Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng mới được huy động và cho vay vốn. Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật.
Trước tình hình này, đại diện Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy thực trạng này và đang nghiên cứu để ban hành khung khổ pháp lý thử nghiệm cho các fintech, trong đó có mô hình P2P.