Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đánh thuế với DN vay nhiều đang đi ngược với tinh thần “Đồng hành cùng DN” mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện.
Hạn chế DN sống ký sinh nhờ vốn ngân hàngTheo dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ Tài chính đề xuất, các DN sản xuất khi có phần chi trả lãi vay của khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, thì phần chi trả lãi vay này sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN. Tương tự, với các DN ở lĩnh vực khác, định mức để khoản lãi vay được tính vào chi phí hợp lệ là khoản vay không được vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu. Riêng các lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng, thì tỷ lệ tối đa không quá 12 lần vốn chủ sở hữu. Bộ Tài chính cũng đề xuất thời điểm áp dụng quy định là từ 1/1/2019.
|
Dây chuyền sản xuất cửa sổ nhựa tại Công ty CP Eurowindow. Ảnh: Ngọc Hà |
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế TNDN hiện hành không quy định khống chế khoản chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với trường hợp khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều DN có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của DN và cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến thu ngân sách.
Ngoài ra, qua xem xét báo cáo tài chính của DN, đặc biệt là khối DN FDI, Bộ Tài chính phát hiện nguyên nhân khiến nhiều DN sản xuất, kinh doanh tốt, liên tục mở rộng quy mô, nhưng vẫn lỗ một phần do chi phí tài chính (chi phí trả lãi tiền vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài) quá lớn, thậm chí có công ty chi phí trả lãi tiền vay vốn lên đến vài nghìn tỷ đồng/năm. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá từ 4 - 12 lần vốn chủ sở hữu.
DN thêm nặng gánhTheo lý giải của Bộ Tài chính, quy định này nhằm đảm bảo lành mạnh hóa tài chính của DN, nền kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần cân nhắc kỹ đề xuất này vì có thể ảnh hưởng lớn đến các DN, nhất là trong điều kiện các DN khởi nghiệp còn gặp khó khăn về vốn. Mặt khác, việc xét duyệt cấp tín dụng là của ngân hàng. “Ngân hàng xem xét cấp tín dụng dựa trên tài sản thế chấp và khả năng trả nợ của DN. Vì thế, không thể nói đánh thuế nặng vốn vay theo tỷ lệ trên vốn chủ sở hữu là để lành mạnh hóa hoạt động DN được”- một chuyên gia cho hay.
Cho rằng mục tiêu lành mạnh hóa thị trường trên chính sách thuế là có cơ sở, song, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng đặt vấn đề tính vào thuế để đưa vào ngân sách lại không hợp lý. Thay vào đó, có thể cân nhắc một khoản thu nào đó để đưa vào một quỹ dự phòng, tăng an toàn cho thị trường. Hơn nữa, theo ông Phong, bản thân các ngân hàng thương mại đã phải đảm bảo quản lý việc cho DN vay vốn bao nhiêu là an toàn.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thu Mai - một DNNVV trong lĩnh vực xây dựng cho hay, đề xuất này là không phù hợp. “Vốn chủ sở hữu của DN có thể thấp, nhưng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, hợp đồng được ngân hàng định giá - một trong những điều kiện duyệt hạn mức tín dụng lại cao hơn gấp 5 - 10 lần thì sao nói là đánh thuế để đảm bảo an toàn cho DN được?” - bà Mai nhấn mạnh.
Phía ngân hàng, một cán bộ tín dụng cũng cho rằng, quy định này khiến DN có thể khó tiếp cận khoản vay hơn. Ngân hàng xem xét cho vay dựa trên phương án kinh doanh, tài sản thế chấp. Việc không được tính phần trả lãi vào chi phí tính thuế khiến lợi nhuận của DN trong phương án kinh doanh giảm, do đó ngay cả ngân hàng cũng sẽ gặp khó trong việc phê duyệt khoản vay.