VBF 2022: Tháo gỡ rào cản, phục hồi kinh tế bối cảnh bình thường mới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên họp cấp kỹ thuật Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) diễn ra cuối tuần này tại Hà Nội, chuẩn bị cho kỳ họp chính thức Diễn đàn VBF vào đầu tuần sau 21/2.

Khôi phục chuỗi cung ứng, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư, thống nhất trong thực thi và nâng cao năng lực cạnh tranh… là những vấn đề được các nhóm công tác tập trung thảo luận tại phiên họp.

Dư địa hợp tác, đầu tư kinh tế số rộng mở

Tại phiên họp, 11 nhóm vấn đề được trình bày bởi 11 nhóm công tác đại diện cho cộng đồng DN bao quát các vấn đề trong hàng loạt lĩnh vực gồm: Nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, điện và năng lượng, khoáng sản, kinh tế số, đầu tư thương mại, thuế và hải quan, du lịch, môi trường, giáo dục đào tạo và nhân lực. Trong đó, khôi phục chuỗi cung ứng, kinh tế tuần hoàn hay chuyển đổi số là những vấn đề được đưa ra để phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2022. Ảnh: Báo Đầu tư
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2022. Ảnh: Báo Đầu tư

Trình bày báo cáo của Nhóm công tác Kinh tế số, ông Bruno Sivanandan, đại diện nhóm công tác cho biết, đại dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi xã hội và tàn phá nền kinh tế toàn cầu, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội mới cho một số ngành nhất định. Trong khi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh trực tiếp và tại chỗ gặp nhiều khó khăn trong đại dịch, những ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông như giải pháp họp trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ phát trực tuyến, dịch vụ giao nhận đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ.

Ông Bruno Sivanandan đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á. Với quy mô 19 tỷ USD năm 2019, nền kinh tế Internet của Việt Nam có bước phát triển mạnh nhất trong khu vực. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) vào Việt Nam ngày càng tăng. Đặc biệt, ngày càng nhiều DN lớn trong lĩnh vực công nghệ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiếp theo. Vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực CNTT đạt 4 tỷ USD cho 2.355 dự án trong năm 2021, đứng thứ 10 về quy mô đầu tư và vẫn tiếp tục tăng. Với xu hướng này, Việt Nam có cơ hội phát triển nền kinh tế số và phát triển phần mềm.

Theo vị đại diện nhóm công tác, Chính phủ và chính sách tại mỗi quốc gia tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng áp dụng công nghệ để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế. “Chúng tôi đánh giá cao việc Thủ tướng Phạm Minh Chính coi chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh đối mặt với “thách thức kép” - vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa chủ động thích ứng với các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả” - ông Bruno Sivanandan nói.

Đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao khả năng thích ứng và tốc độ phát triển của nền kinh tế số Việt Nam, ông Bruno Sivanandan cho rằng, Chính phủ cần tiên phong trong chuyển đổi số, khuyến khích quá trình thay đổi.

Ngoài ra, Nhóm công tác Kinh tế số cũng khuyến nghị một số biện pháp liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng, phát triển nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam, mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp, coi đó là chìa khóa để xây dựng vị thế dẫn đầu về công nghệ, thúc đẩy chia sẻ hạ tầng và hợp tác trong nền kinh tế số, tham gia các hiệp định kinh tế số…

Còn vướng mắc trong thực thi pháp luật

Một trong những vấn đề nổi bật được các nhóm công tác khái quát, đó là vẫn còn một số vướng mắc trong thực thi pháp luật, các vấn đề liên quan đến thể chế chính sách và kiến nghị hoàn thiện. Đồng thời các nhóm công tác đại diện cho cộng đồng DN tiếp tục đề xuất thêm một số giải pháp khắc phục các hệ lụy do đại dịch Covid-19 gây ra.

Đơn cử như với quy định không được bổ sung các tài liệu khác với quy định về hồ sơ đăng ký DN, đăng ký đầu tư, mặc dù đồng tình với cách xử lý của Bộ KH&ĐT, đó là nhà đầu tư báo cáo trường hợp đó cho Bộ nếu chính quyền địa phương yêu cầu bổ sung các tài liệu khác ngoài các tài liệu theo quy định của pháp luật, yêu cầu chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận hoặc nếu từ chối thì phải đưa ra lý do… Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại vẫn đề nghị Bộ KH&ĐT ban hành hướng dẫn để các cơ quan cấp phép không yêu cầu bất kỳ tài liệu bổ sung nào ngoài các văn bản được quy định và đăng tải hướng dẫn này trên trang web của Bộ.

Trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ, DN phản ánh xin giấy phép kinh doanh của Bộ Công Thương còn kéo dài vài tháng. "Quy trình xin giấy phép con nên tinh giản, minh bạch, rút ngắn thời gian" - ông Fred Burke - Trưởng nhóm công tác đầu tư và thương mại kiến nghị.

Bên cạnh đó, Trưởng Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại VBF cũng kiến nghị một số DN FDI đã hết giấy phép lập liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn bày tỏ mong muốn thực hiện dự án ở Việt Nam. Các dự án này đang gặp vướng mắc về gia hạn quyền sử dụng đất. Vì vậy, các cơ quan cần nhanh chóng có giải pháp để các nhà đầu tư duy trì kinh doanh.

 

VBF được Hội đồng Quản trị Liên minh VBF, Bộ KH&ĐT Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức. Diễn đàn là cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng DN trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Thông tin từ Bộ KH&ĐT, Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 21/2/2022 tại Hà Nội. Trong Chương trình dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu tại Phiên họp cấp cao này.

Hay như liên quan đến đất thực hiện dự án, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục nêu khó khăn trong thủ tục giải phóng mặt bằng. Theo Luật Đất đai, thủ tục này phải được cấp có thẩm quyền tiến hành và DN chỉ nhận được đất khi đã được giải phóng mặt bằng, sau khi chính quyền địa phương thanh toán xong tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo phân tích của Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại, thủ tục giải phóng mặt bằng thường đưa nhà đầu tư vào thế bị động vì phải chờ đợi kết quả từ các hoạt động giải phóng mặt bằng của chính quyền, có thể mất hàng tháng, hàng năm.

Tại diễn đàn, đại diện các nhóm công tác của WB ở từng ngành và lĩnh vực kinh tế có chung nhận định, để sẵn sàng phát triển kinh tế bứt phá sau đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng cần tăng cường năng lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, để DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn thúc đẩy lưu thông hiệu quả hàng hóa và nguyên vật liệu trong nước, giữa các tỉnh với đầu mối và trung tâm phân phối. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và logistics cũng nêu thực tế, việc tiếp cận đất đai đang gặp khó do mức giá cao, nhiều nơi cao bất hợp lý. Điều này cản trở đầu tư nước ngoài vào thời điểm mà Việt Nam nên tạo điều kiện nâng cao năng lực trong các khu công nghiệp, logistics và kho bãi để tăng cường năng lực chuỗi cung ứng của mình.