Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VDF 2017: Sáng tạo để rút ngắn khoảng cách tăng trưởng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng năng suất đã trở thành chìa khóa đưa đến tăng trưởng bền vững và là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đây là những nhận định của ông Nguyễn Trí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tại Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017 (VDF) với chủ đề “Tăng năng suất – đòn bẩy cho phát triển bền vững” sáng 13/12.

 Tăng năng suất đã trở thành chìa khóa đưa đến tăng trưởng bền vững.

Tăng năng suất và thách thức

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế TƯ (CIEM) nhận định, tăng năng suất ngày càng có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 89% trong năm 2017. Tuy nhiên, tăng năng suất cũng đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam những thách thức không nhỏ. Bởi, nếu chỉ tăng trưởng GDP ở mức độ 6,7% như hiện nay, Việt Nam khó có thể thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, vấn đề năng suất lao động của Việt Nam được nói nhiều trong thời gian vừa qua, nhưng chúng ta chưa đột phá thực sự để có thể cải thiện được vấn đề vốn được xem là quyết định gia tăng giá trị cho nền kinh tế.  Từ năm 2018, năng suất lao động Việt Nam phải tăng tối thiểu 6%/năm (cao hơn 1,25 điểm % so với 2011 – 2017) thì mới đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, đây được coi là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

Trong khi đó, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cũng bày tỏ sự lo ngại trước vấn đề năng suất lao động, bởi đây là vấn đề tối quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nó sẽ giúp Việt Nam thực hiện ước vọng trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng

Cũng trong VDF 2017, ông Nguyễn Trí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định, công cuộc đổi mới hơn 30 năm đã đưa Việt Nam trở thành một nước đang phát triển, với mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn đang chủ yếu dựa vào gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động và khai thác tài nguyên, những cách thức tăng trưởng đó không còn phù hợp trong thời đại hiện nay, khi tình hình thế giới có nhiều thay đổi, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang tới nhiều cơ hội song cũng nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, mô hình cũ không thể giúp Việt Nam gia tăng mức độ tăng trưởng nhanh và bền vững.

Tăng trưởng bền vững hiện là thách thức lớn với Việt Nam, bởi là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao, song tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã và đang giảm khá nhanh: từ 7,3% trong giai đoạn 1990 - 2000, xuống 6,7% (2001 - 2010) và tiếp tục giảm xuống 5,96% (2011 - 2016). Nguy cơ tụt hậu, vì thế là có thật và nhiều lần được cảnh báo. Cơ hội thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực vì thế cũng phần nào sút giảm.

Để Việt Nam không rơi vào tình trạng suy giảm năng suất, ông Rajah Rasiah, cố vấn cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của ngay các nước trong khu vực. Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, Singapore cho thấy, “sáng tạo” là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng, và các nền kinh tế này tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tích lũy vốn, phát triển nguồn nhân lực con người, định hướng xuất khẩu. Song song với đó là tăng tài trợ cho đổi mới sáng tạo, trong đó có lãi suất ưu đãi cho hoạt động đổi mới sáng tạo; tài trợ hoặc có các chính sách tài chính thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.