Bỏ qua nỗi nhớ nhà, nhớ con
Sát những này SEA Games 32 chuẩn bị diễn ra, 19 giờ tối, tại Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội – nơi đội tuyển đấu kiếm Việt Nam tập luyện, mọi cánh cửa đóng kín, bóng tối bao phủ trong thinh lặng. Chỉ sau đó chưa đầy 30 phút đồng hồ, mọi thứ đã trở trái ngược hoàn toàn, các VĐV đấu kiếm nội dung kiếm chém nữ đồng đội lần lượt có mặt. Gặp gỡ phóng viên, nhà vô địch SEA Games 31 Phạm Thị Thu Hoài niềm nở và hoà đồng, cất tiếng cười đầy động lực trước buổi tập.
“Hôm nay là buổi tập tối cuối cùng (ngày 19/4 – PV) của các VĐV đấu kiếm ở nội dung đồng đội kiếm chém nữ, toàn đội đã tập luyện trong suốt hơn 1 tháng qua với 2 buổi/tuần” – VĐV đấu kiếm Phạm Thị Thu Hoài chia sẻ vội trước kỹ lưỡng cho việc trải thảm, lấy đồ và buộc chặt từng dây giày.
Không khó để phóng viên ghi nhận những thao tác nhanh, quen thuộc nhưng rất cẩn thận, kỹ lưỡng ở từng VĐV đấu kiếm trước buổi tập. Mỗi VĐV được chỉ dạy và nhận thức trong việc tránh chấn thương, đặc biệt trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho các giải đấu. Mỗi VĐV được yêu cầu khởi động kỹ theo đúng bài của ban huấn luyện đề ra. Sau khoảng 30 phút khởi động, VĐV Phạm Thị Thu Hoài khá suy tư và chia sẻ với phóng viên: “Gần 1 tháng tôi chưa được gặp người thân do toàn bộ các VĐV buộc “cấm trại” để tập trung tập luyện, chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games”.
Cũng giống như Thu Hoài, các VĐV trẻ như Phùng Thị Khánh Linh và Lê Minh Hằng cũng bày tỏ nỗi nhớ gia đình sau thời gian "cấm trại" theo đúng quy định của đội, nhưng không vì thế mà khiến tinh thần tập luyện của các VĐV bị ảnh hưởng. Trong khi đó, đồng đội khác của Thu Hoài, Khánh Linh và Minh Hằng là Bùi Thị Thu Hà còn mong nhớ con nhỏ. Nỗi nhớ luôn thường trực đối với VĐV trong thời gian rảnh.
Trước đó, Bùi Thị Thu Hà tham dự SEA Games 31 ở hai nội dung là kiếm ba cạnh nữ cá nhân và đồng đội kiếm chém nữ và giành cả hai HCV. Đáng chú ý, Thu Hà là người trở lại tập luyện sau khi sinh con nhỏ. Đó là những hy sinh thầm lặng của các VĐV như Thu Hà là một món quà quý giá cho thể thao Việt Nam.
“Cảm giác nhớ con trong thời gian “cấm trại” không phải lần đầu tiên tôi trải qua. SEA Games 31 trên sân nhà nỗi nhớ này còn da diết hơn khi con mới được 9 tháng tuổi tôi đã quay trở lại tập luyện. Việc không thể chăm sóc con là điều không mong muốn nhưng tôi có hậu phương là gia đình ủng hộ nên cũng yên tâm phần nào và cũng là động lực để tôi phấn đấu thêm” – VĐV Bùi Thị Thu Hà chia sẻ.
Sau phần khởi động, Thu Hà và đồng đội bước vào tập luyện với sự tập trung cao độ, dù thời điểm tập luyện chính thức rơi vào khoảng 20 giờ, các VĐV sẽ chia cặp tổ chức đấu tập. Phương án này không những giúp các VĐV có thể giữ được phong độ, mà còn giúp những VĐV hỗ trợ đồng đội hoàn thiện các điểm yếu, cải thiện về chuyên môn.
Quyết tâm giành vàng trên đất Campuchia
Tại SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam hồi tháng 5/2022, đấu kiếm Việt Nam đã giành được 5 HCV, 1 HCB và 5 HCĐ, giữ vị trí nhất toàn đoàn và đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của thể thao Việt Nam trên bảng tổng sắp chung. Tại SEA Games 32, đấu kiếm Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững vị thế tại SEA Games 32. Tháo bộ đồ bảo hộ sau khoảng 10 phút rèn luyện với Khánh Linh, hình ảnh mồ hôi chảy như nước từ người HLV Nguyễn Lê Bá Quang cùng với hơi thở gấp đủ hiểu rằng những vất vả trong mỗi buổi tập của thầy và trò VĐV đấu kiếm Việt Nam.
Là người theo sát các VĐV ở nội dung kiếm chém nữ đồng đội, HLV Nguyễn Lê Bá Quang thở dài và trêu đùa phóng viên: “Vất vả, khổ sở chả ai biết nhưng hễ… là cả nước biết”. HLV Bá Quang cười và nói tiếp: “Lựa chọn theo nghề nào cũng vất vả, trong là VĐV rồi HLV đều phải cống hiến cả thanh xuân, tập luyện là không thể thiếu đối với những VĐV chuyên nghiệp trước khi nghĩ đến vinh quang, đôi khi mỗi VĐV phải đánh đổi từ nước mắt, mồ hôi và thậm chí cả máu”.
Trong lúc các VĐV tiếp tục miệt mài tập luyện với am thanh phát ra sau những va chạm của thanh kiếm cùng tiếng hò reo quyết tâm khi tấn công, HLV Bá Quang cho biết, tinh thần của đội trước thềm SEA Games là khá tốt, mỗi người đều thể hiện sự quyết tâm trong từng buổi, bài tập… Lý giải nguyên nhân về việc cho các VĐV đấu kiếm nội dung kiếm chém nữ đồng đội tập luyện vào buổi tối, HLV Nguyễn Lê Bá Quang cho rằng đây là thời điểm tăng cường thêm như các kỳ Đại hội trước cũng đã thực hiện để bổ trợ những kỹ năng, miếng đánh giúp các VĐV có thêm kinh nghiệm trước thềm “trận đánh lớn”.
“Các VĐV tập theo lịch ban ngày của toàn đội và phải tập luyện tập trung có cả đội nam nên khó có thể giữ được tinh thần tập trung cao nhất. Nội dung kiếm chém nữ đồng đội lựa chọn vào buổi tối để có không gian yên tĩnh, các thầy cô có thể chỉ tận tình hơn trong từng động tác. Việc tập buổi tối không ảnh hưởng đến tinh thần, thể lực cũng như phong độ của các VĐV, bởi đây chỉ là bổ trợ để giúp các VĐV hoàn thiện thêm chiến thuật” – HLV Nguyễn Lê Bá Quang nhấn mạnh.
Tại các kỳ Đại hội, đấu kiếm một trong những môn trọng điểm và luôn nhận được sự kỳ vọng lớn cho thể thao Việt Nam. SEA Games 32 sẽ diễn ra tại Campuchia, đấu kiếm Việt Nam không còn lợi thế được thi đấu dưới không khí cuồng nhiệt của khán giả nhà. Chắc chắn việc bảo vệ những tấm HCV giành được trước đó cũng như chinh phục thử thách tiếp theo sẽ gặp những khó khăn.
“Thi đấu tại các giải quốc tế sẽ có nhiều tố, cả khách quan và chủ quan. Đấu kiếm Việt Nam sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất để hướng đến mục tiêu đề ra. Cũng từ mục tiêu SEA Games 32, đấu kiếm Việt Nam cũng đặt mục tiêu nâng cao về chuyên môn, tiệm cận thành tích giành huy chương tại ASIAD 19, cũng như đặt kỳ vọng vào việc giành vé dự Olympic Paris 2024” - HLV Nguyễn Lê Bá Quang chia sẻ thêm.
Buổi tập của các “cô gái vàng” đấu kiếm Việt Nam cứ thế diễn ra trong khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ đan xen thời gian nghỉ giải lao. Khoảng 22 giờ, buổi tập kết thúc trong sự vui vẻ của mỗi người, toàn đội sẽ ngồi lại để rút kinh nghiệm.
Là ngày cuối cùng tập luyện vào buổi tối trước khi lên đường sang Hàn Quốc thi đấu giải Grand Prix 2023, những cô học trò nhí nhảnh khi mới đôi mươi không quên cùng ghi lại những hình ảnh, video giữa thầy và trò để làm kỷ niệm trước khi ra về nghỉ ngơi. Đó cũng là niềm vui, động lực tinh thần để các VĐV cố gắng, cống hiến mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam.