Hơn 60 năm trôi qua, cùng với sự vươn lên của Thủ đô, mảnh đất Ngọc Giang hôm nay đang từng bước chuyển mình khang trang hơn, giàu đẹp hơn.
Quê hương cách mạng
Chúng tôi về Ngọc Giang vào một ngày cuối tháng 8, giữa lúc nhân dân Thủ đô và cả nước đang hân hoan đón chào Quốc khánh 2/9. Cơn mưa chuyển mùa rả rích phủ ướt những mái ngói, con đường, hàng cây, càng làm tăng thêm vẻ thâm trầm của mảnh đất truyền thống cách mạng này. Trưởng thôn Ngọc Giang Đinh Ngọc Cừ dẫn chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Hải Thông nguyên là Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Ngọc những năm 80 của thế kỷ trước. Mặc dù bị đau khớp, đi lại khó khăn nhưng ông Thông vẫn còn khá minh mẫn và luôn giữ được sự lạc quan.
Nhắc đến quãng thời gian cách mạng sục sôi, ông Thông ánh lên niềm tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương. Ông kể, Ngọc Giang khi đó đất rộng, người thưa. Cả thôn chỉ có hơn 100 nhân khẩu. Tuy nhiên, do có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở ngoài đê sông Hồng, từ đây có thể chèo đò qua sông vào nội thành nên Ngọc Giang đã được T.Ư Đảng chọn làm nơi xây dựng an toàn khu cách mạng đầu tiên của huyện Đông Anh. Lúc bấy giờ, mẹ ông Thông là cụ Cao Thị Thích, một trong những cô giao liên hoạt động rất tích cực. Bà đã đóng giả làm người đi buôn gạo để đưa thư từ, văn bản từ an toàn khu vào nội thành. "Mẹ tôi may đáy bị gạo thành hai lớp để cất giấu công văn, sau đó đổ gạo đầy vào rồi gánh đi bán. Cứ vài ba ngày mẹ tôi lại đi một chuyến sang nội thành" - ông Thông kể.
Nhắc đến đây, ông Đinh Ngọc Cừ nhớ đến câu chuyện mà cha ông, cụ Đinh Ngọc Tỷ (SN 1924), người đã trực tiếp tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 thường kể. Khi đó, cụ Tỷ ngoài hoạt động thường ngày còn làm nhiệm vụ chuyên đóng đế guốc, cất giấu thư từ, văn bản chỉ thị của T.Ư Đảng tại an toàn khu cho các bà, các mẹ, các chị mang vào nội thành. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, người thợ phải đóng để làm sao đế guốc vẫn giữ nguyên hiện trạng, không phát hiện được.
Trong giai đoạn 1941 - 1945, rất nhiều cán bộ, lãnh đạo Đảng đã về Ngọc Giang làm việc và chỉ đạo kháng chiến như: cố Tổng Bí thư Trường Chinh, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng… Nhiều gia đình trong thôn đã trở thành những cơ sở cách mạng trung kiên như gia đình ông, bà: Đinh Văn Tương, Đặng Văn Thước, Đinh Thị Chức, Nguyễn Thị Năm, Vũ Thị Mão, Nguyễn Văn Cấp, Nguyễn Thị Thiện, Nguyễn Thị Luỹ… Mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn, các gia đình vẫn bảo vệ, che chở chu đáo cho cán bộ hoạt động an toàn.
Ngọc Giang không chỉ là cơ sở an toàn khu đầu tiên của huyện Đông Anh mà còn là nơi T.Ư Đảng tổ chức hội họp. Đầu năm 1945, tại chùa Ngọc Giang đã diễn ra cuộc họp lịch sử của T.Ư do đồng chí Trường Chinh chủ trì, quyết định chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước. Ngày 21/8/1945, đoàn biểu tình của thôn Ngọc Giang, xã Vĩnh Ngọc đã lên thẳng huyện lỵ Đông Anh phối hợp cùng lực lượng các địa phương khác giành chính quyền, giải phóng huyện Đông Anh. Cũng nhờ an toàn khu này, trong 4 năm trường kỳ gian khổ, T.Ư Đảng đã được bảo vệ an toàn, lãnh đạo cách mạng từng bước đi lên, tạo nên thắng lợi lịch sử tháng 8/1945.
Chuyển mình vươn lên
Về Ngọc Giang hôm nay, an toàn khu khi xưa đã có một diện mạo mới tươi tắn, đẹp đẽ. Rất nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang đã mọc lên. Con đường trục chính của thôn rộng 6m, chiều dài hơn 1 cây số mới được đổ bê tông sạch sẽ, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Dẫn chúng tôi đi tham quan xóm làng, Trưởng thôn Đinh Ngọc Cừ không giấu nổi niềm vui trước sự đổi thay của mảnh đất cách mạng này. Ông cho biết, toàn thôn có 340 hộ gia đình với 1.100 nhân khẩu. Hiện nay thôn chỉ còn 10% gia đình có nhà ngói, còn lại là nhà tầng kiên cố, vững chắc. 100% hộ gia đình có ti vi, xe máy. Ngoài ra, thôn còn có gần 20 chiếc xe ô tô lớn nhỏ để đi lại và làm dịch vụ vận tải. Hiện Ngọc Giang chỉ còn 5 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,4%.
Không chỉ kiên trung trong kháng chiến, người dân Ngọc Giang còn chăm chỉ, chịu thương chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Toàn thôn có hơn 90ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó chỉ có 11ha đất trồng lúa, còn lại trồng ngô, cây màu quanh năm. Những năm qua, nhiều hộ gia đình trong thôn đã tích cực đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế như mô hình trồng cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm... Những ruộng ngô, những vườn đu đủ, chuối tiêu hồng đã phủ xanh vùng đất bãi trù phú ven sông Hồng và hiện nay thôn còn đang quy hoạch chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn đáp ứng nhu cầu của đô thị. Nhiều hộ gia đình như ông Đinh Văn Minh, Nguyễn Văn Nhuận… có vườn cây cảnh lớn, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Cừ, trăn trở lớn nhất hiện nay của nhân dân trong thôn là hệ thống kênh mương, giao thông, thủy lợi nội đồng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Do đó, để giúp người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, huyện, thành phố cần tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là điện, nước. Đồng thời quan tâm đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử trong cách mạng tháng Tám của địa phương như đình, chùa Ngọc Giang…
Một góc thôn Ngọc Giang ngày nay. Ảnh: Quang Thiện
|
Bia di tích cách mạng được đặt tại đình Ngọc Giang. Ảnh: Quang Thiện
|