Thể hiện tình yêu nước và ý thức cộng đồng
Ấp ủ ý tưởng tạo ra một lá quốc kỳ trên mái nhà từ khi gia đình bắt đầu xây dựng nhà mới, anh Lê Quang Vũ (Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã cùng bạn của mình tạo ra lá cờ với diện tích 150m2 ngay khi ngôi nhà được hoàn thiện.
“Tôi sử dụng các phần mềm máy tính để đo đạc, tạo sự cân đối cho ngôi sao trên trên tổng thể mái hình chữ nhật. Quá trình thực hiện diễn ra trong 1 ngày. Khi đăng hình ảnh lên nền tảng mạng xã hội, tôi thấy mọi người hưởng ứng, dành nhiều lời khen. Tôi tự hào khi lan toả được cảm hứng cho các bạn trẻ” – anh Lê Quang Vũ chia sẻ.
Không riêng anh Lê Quang Vũ, người dân ở nhiều tỉnh, TP từ Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội cho đến Đà Nẵng, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh cũng “bắt trend”… vẽ lên mái ngói, mái tôn của gia đình, một số khác còn vẽ hình cờ Tổ quốc lên cửa cuốn, tường nhà.
Nhiều người nhận xét, đây là “trend” ý nghĩa và lan toả những hình ảnh đẹp của cờ Tổ quốc, chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh của Việt Nam. Theo các chuyên gia xã hội học, nguyên nhân chính khiến xu hướng này ngày càng phổ biến là chạm đến lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tuy vậy, việc sơn lá cờ Tổ quốc phải bảo đảm hài hoà, đặc biệt có tính thẩm mỹ. Sơn lá cờ quá to, sơn toàn bộ hông nhà, kể cả những nơi không bảo đảm quy chuẩn kích thước của lá cờ là điều không nên.
Khoảng trống pháp lý
Theo các chuyên gia, xu hướng vẽ và sơn cờ trên mái nhà hoặc cửa ra vào đang lan rộng trên các mạng xã hội, mang lại cả tác động tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tích cực, đây là cách thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và tự hào dân tộc, đặc biệt trong các dịp lễ lớn hoặc sự kiện quan trọng. Hành động này cũng góp phần lan tỏa hình ảnh quốc gia ra cộng đồng quốc tế, tạo nên một cảm giác gắn kết trong xã hội.
Tuy nhiên, trào lưu này cũng có những nguy cơ tiêu cực nếu không được thực hiện đúng cách. Đầu tiên, việc này có thể gây mất mỹ quan đô thị, đặc biệt khi màu sơn cờ bị hư hỏng do thời tiết hoặc không được duy trì đúng cách. Bên cạnh đó, nếu không tuân thủ đúng chuẩn mực, sơn, vẽ ở những nơi không phù hợp, hành động này lại gây phản cảm.
Việc treo quốc kỳ được quy định rõ trong Hiến pháp và Bộ VHTT&DL cũng có văn bản hướng dẫn treo cờ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc vẽ, sơn cờ, sử dụng hình ảnh quốc kỳ chưa có quy định rõ và hướng dẫn cụ thể.
Nhận định về điều này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, trong khi Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã quy định chặt chẽ về việc treo quốc kỳ - một biểu tượng thiêng liêng của quốc gia nhưng các hình thức thể hiện mới như vẽ, sơn trên những bề mặt khác nhau lại chưa được điều chỉnh rõ ràng. Điều này tạo ra một khoảng trống pháp lý và văn hóa, nơi những hành động xuất phát từ lòng yêu nước có thể vô tình trở thành những biểu hiện không phù hợp hoặc thiếu tôn nghiêm.
Hình ảnh quốc kỳ không chỉ đơn thuần là một biểu tượng quốc gia mà còn là hiện thân của lòng tự hào, của tinh thần đoàn kết và của lịch sử dân tộc. Việc sử dụng hình ảnh này, dù ở bất kỳ hình thức nào, cũng đòi hỏi sự tôn trọng và cẩn trọng đặc biệt. Thiếu quy định rõ ràng có thể dẫn đến những cách thể hiện tùy tiện, từ đó làm giảm giá trị của biểu tượng này trong mắt công chúng.
“Hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng hình ảnh quốc kỳ không chỉ giúp bảo vệ sự tôn nghiêm của biểu tượng quốc gia mà còn tạo điều kiện để người dân thể hiện lòng yêu nước một cách đúng đắn và sáng tạo hơn. Việc này không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước mà còn là cơ hội để mỗi người dân cùng nhau định hình và xây dựng một nét văn hóa mới, nơi mà lòng yêu nước được thể hiện một cách đầy tự hào, trang trọng” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Ở góc nhìn về pháp luật, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, để bảo đảm sự tôn trọng, gìn giữ hình ảnh của quốc kỳ, chúng ta có thể tham khảo các quy định liên quan đến việc treo cờ và bảo vệ cờ Tổ quốc. Điều này có thể bao gồm việc tuân thủ các tiêu chuẩn về kích thước, tỷ lệ và chất lượng của cờ khi treo hoặc sử dụng, cũng như việc tránh làm hư hại hay gây phản cảm.
Với tình trạng cờ vẽ có thể bị bong tróc theo thời gian, việc đưa ra quy định cụ thể có thể giúp bảo đảm rằng hình ảnh cờ Tổ quốc luôn được giữ gìn trong tình trạng tốt nhất. Các quy định có thể bao gồm yêu cầu về chất liệu sơn, kích thước, tỷ lệ hình ảnh cờ trên các bề mặt và bảo trì thường xuyên.
Bên cạnh đó, quy định rõ địa điểm, vị trí các khu vực được vẽ cờ Tổ quốc, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị hoặc giao thông; thiết lập cơ chế giám sát và kiểm tra việc thực hiện quy định. Đồng thời quy định về xử lý khi vi phạm, yêu cầu sửa chữa hoặc xóa bỏ hình ảnh không đúng chuẩn.
"Việc quy định cụ thể, chi tiết sẽ giúp giữ gìn và thể hiện tinh thần yêu nước một cách trang trọng, đồng thời góp phần bảo vệ, tôn vinh quốc kỳ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giữ gìn hình ảnh cờ Tổ quốc để nâng cao nhận thức cộng đồng" - luật sư Diệp Năng Bình bày tỏ.