Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Về khu vực kinh tế chưa được quan sát, TS Võ Trí Thành: Đừng thống kê kiểu “làm đẹp số liệu”

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu về quy mô của khu vực kinh tế chưa được quan sát còn khác nhau, nhưng không thể phủ nhận hoạt động kinh tế này của Việt Nam đang diễn ra rất phức tạp.

 TS Võ Trí Thành-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, TS Võ Trí Thành-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho hay, cần nghiên cứu và phân loại chi tiết và cụ thể để có biện pháp thích hợp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.
Ông nhìn nhận thế nào về kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam, những tồn tại và thách thức của khu vực kinh tế này?
- Khu vực kinh tế phi chính thức tồn tại và phát triển khá mạnh mẽ ở các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Muốn hiểu được những mặt được và chưa được của nó cần nhìn khái quát khu vực kinh tế này gồm những thành tố nào.
Khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: Thứ nhất, kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu giếm một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội. Thứ hai, kinh tế bất hợp pháp là hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép.
Thứ ba, kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, là bộ phận kinh tế phi chính thức chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh. Thứ tư, hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu. Thứ năm, hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Sự ra đời và tồn tại của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát do nhiều nguyên nhân.
Tùy theo từng nhóm sẽ có những nguyên nhân khác nhau. Khu vực kinh tế chưa được quan sát cũng có ý nghĩa tích cực, đó là kế sinh nhai của người dân, người lao động (như ở nhóm 3, 4, 5 chẳng hạn). Không phải ngẫu nhiên, tỷ lệ lao động khu vực này rất lớn, khu vực hộ sản xuất, kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức có khả năng giải quyết việc làm cho một bộ phận lớn dân cư, có tính linh hoạt trong hoạt động, sức sống mạnh mẽ.
Bên cạnh đó có những mặt không tích cực đòi hỏi Nhà nước phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính sách. Có rất nhiều những hoạt động theo chiều hướng không tích cực ví dụ như quyền lợi tối thiểu của người lao động, điều kiện tiếp cận và những dịch vụ cơ bản nhất cho người lao động. Vì họ nằm ngoài khu vực có thể hướng tới chính sách thực thi pháp luật. Chưa kể ở những lĩnh vực, thậm chí làm phạm pháp gây ra những không tốt cho ổn định kinh tế - xã hội. Như hoạt động mại dâm, buôn bán ma túy, bất hợp pháp trong kinh tế ngầm, hàng giả, buôn lậu qua biên giới.
Theo Đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ năm 2020, khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ chính thức được thống kê. Nhiều chuyên gia cho rằng, thống kê và gọi tên được kinh tế ngầm, phi chính thức là nhiệm vụ rất khó và phức tạp, để làm được không phải dễ. Ông nghĩ sao?
- Đề án với mục tiêu đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế. Hoạt động kinh tế bất hợp pháp (cờ bạc, mại dâm…) đang tồn tại trên diện rộng; hoạt động kinh doanh gian lận (như buôn lậu, gian lận thương mại…) khá phổ biến và đang gây bức xúc trong xã hội.
Hoạt động kinh doanh cá thể quy mô nhỏ rất sôi động, đang len lỏi ở mọi khu phố, ngõ ngách, có mặt trong hầu hết các hoạt động thường nhật của cuộc sống kinh tế - xã hội. Qua đó cần hoàn thiện thể chế chính thức các quy định pháp luật và chính sách phát triển kinh tế ngày càng tốt hơn để tạm gọi là chính thức hóa nhưng không phá vỡ làm méo mó thị trường.

Đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát là công việc khó và phức tạp.
Đối với Việt Nam, chúng ta chưa có số liệu thống kê đầy đủ, kỹ thuật thống kê hiện đại và con người làm thống kê chuẩn quốc tế nên thách thức là rất lớn. Có thể thúc đẩy thanh toán điện tử giúp tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế, thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm...
Với các nước, kinh tế phi chính thức thể hiện thế nào và họ ứng xử ra sao thưa ông?
- Bloomberg Business thống kê, khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đứng đầu, các nước khác đều có tỷ trọng nền kinh tế phi chính thức trong GDP rất cao, chẳng hạn Campuchia 54,2%, Philippines 48,4%... Các nước đều có nhưng mỗi nước có ứng xử khác nhau, đây là do vấn đề trình độ phát triển, cơ cấu kinh tế, vấn đề nhìn nhận văn hoá, truyền thống….
Có nước coi vấn đề này là phi pháp, không chính thức, nhưng có nước thừa nhận là hợp pháp. Ở một số nước công nhận và chuyển một số hoạt động hiện đang bị coi là phi pháp thành hoạt động hợp pháp như cho phép đánh bạc, cá cược... Khi đó các hoạt động này được chuyển từ phi chính thức sang chính thức và giá trị gia tăng của chúng sẽ được cơ quan thống kê tổng hợp để tính vào GDP.
Ở Việt Nam, số liệu thống kê về quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức còn khác nhau, có ý kiến cho rằng, con số này dao động từ 20 - 30% GDP. Tổng cục Thống kê tuy chưa đưa ra thông báo chính thức nhưng khẳng định giá trị của khu vực kinh tế ngầm của Việt Nam không thể cao đến mức 25 - 30%.
Dù con số cụ thể là bao nhiêu cũng không thể phủ nhận các hoạt động kinh tế phi chính thức ở Việt Nam đang diễn ra hết sức phức tạp. Việc thống kê kinh tế chưa được quan sát là chủ trương cần làm để kiểm đếm thực chất nền kinh tế và có những đánh giá, thước đo đúng đắn.
Có ý kiến cho rằng, khu vực kinh tế ngầm, dù có tính toán được cũng khó lòng thu được, việc đưa ra "ánh sáng" của khu vực kinh tế này không có gì thay đổi. Trong khi đó, nền kinh tế "thực" sẽ phải gánh tác động lớn hơn rất nhiều lần từ việc tăng nợ công?
- Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc rà soát và có chính sách quản lý phù hợp, chống thất thoát cho ngân sách, từ đó hạn chế tác động tiêu cực, phát huy giá trị tích cực của khu vực này để đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy vậy, thay đổi cách tính GDP sẽ dẫn đến sự thay đổi toàn bộ chỉ tiêu neo vào GDP như: Nợ công, thâm hụt ngân sách, tổng thu ngân sách, đầu tư công…
Cái cần tránh nhất, đừng thống kê khu vực kinh tế ngầm để chứng minh GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với hiện nay. Nếu tính cả những hoạt động kinh tế không quan sát được, không thu thuế được để từ đó tăng nợ công là không khoa học, có thể dẫn đến nguy cơ mất cân đối rất lớn của nền kinh tế cũng như khả năng trả nợ.
Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát phải nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế chứ không phải để “làm đẹp số liệu” hay tạo điều kiện để Việt Nam gia tăng vay nợ, chi tiêu, đầu tư…
Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì với khu vực kinh tế chưa quan sát được, vừa mang tính tích cực và giảm tham nhũng, tăng quy mô nền kinh tế?
- Thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được, quan trọng là sau đó, chúng ta sẽ quản lý như thế nào, thu ngân sách ra sao… Ở các nước, Chính phủ, Nhà nước đều mong muốn khu vực chính thức càng rộng lớn. Nếu có khu vực kinh tế ngầm lớn chỉ chứng tỏ sự kém cỏi của chính sách hoặc chính sách bị thiết kế, ứng dụng tồi đến mức người ta không dám trở thành khu vực kinh tế chính thức.
Hoặc trường hợp dung túng, tiếp tay cho những người làm kinh tế ngầm phát huy năng lực, bắt tay với một số nhóm trong Nhà nước, để trốn tránh nghĩa vụ DN, cá nhân, không tham gia phải đóng góp, nộp thuế, minh bạch công khai với người tiêu dùng, với Nhà nước.
Nhà nước phải đảm bảo vai trò của Chính phủ kiến tạo là nền tảng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân làm ăn chân chính. Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới công bố hàng năm cũng nêu rõ, môi trường kinh doanh càng tốt, khả năng biến khu vực phi chính thức thành chính thức càng cao; môi trường kinh doanh tồi, những người kinh doanh muốn làm ở khu vực phi chính thức hơn là chính thức, không muốn hợp thức hóa hoạt động của mình. Một khi còn lót tay, tham nhũng, thì kinh tế ngầm còn dư địa phát triển và cũng không thể thống kê được, chưa nói tới việc lượng hóa nó để đưa vào GDP.
Xin cảm ơn ông!

"Hoạt động kinh tế hợp pháp dù cần hay không cần thống kê đều có tác động 2 mặt, cả tích cực và tiêu cực, nên cần nghiên cứu và phân loại chi tiết và cụ thể để có biện pháp thích hợp, tránh đánh đồng các hoạt động của kinh tế phi chính thức, thậm chí hiểu sai bản chất dẫn đến hoạch định chính sách không phù hợp, không khả thi." - TS Vũ Trí Thành