Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Về lại thôn Trung

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Trung (xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) với hơn 50 hộ dân đồng bào Cor sinh sống. Cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều đổi thay, có phần khởi sắc và không còn chịu cảnh sinh hoạt khổ sở vào ban đêm bằng ánh đèn dầu leo lắt.

Ký ức xóm đèn dầu
Cách thị trấn Trà Xuân chừng hơn 2 cây số, giáp Tỉnh lộ 622B và nằm ngay dưới công trình điện cao thế liên huyện Trà Bồng - Tây Trà nhưng từ trước năm 2016, người dân thôn Trung vẫn chưa hề biết đến điện lưới quốc gia, họ phải sống trong cảnh thiếu điện, nên nhiều người gọi nơi đây là “xóm đèn dầu”.
Hành trình chúng tôi đến với "xóm đèn dầu" khi mặt trời bắt đầu lặn. Buổi tối nơi đây dường như đến sớm hơn. Nhà cửa thưa thớt, không gian yên ắng, bóng tối bao trùm lấy cả núi rừng, thỉnh thoảng đâu đó mới lấp ló một mái nhà. Mọi người chỉ nhận ra được ở đó có nhà bởi cái ánh sáng le lói từ những ánh đèn dầu đỏ lòm.
 Bữa cơm bên ánh đèn dầu.
Trong căn nhà chật chội, ông Lê Minh Nguyên (hơn 60 tuổi) dò dẫm lau mấy chiếc đèn dầu cũ. Ông bật lửa thắp từng chiếc đèn, rồi đặt lần lượt từng nơi trong nhà.
Lúc này, dưới nhà bếp, dù mới 5 giờ chiều nhưng vợ ông Nguyên đã chuẩn bị xong bữa cơm tối. Hàng chục người trong gia đình quây quần ăn tối trong không gian tù mù của ánh đèn dầu. Ai nấy đều vội vã ăn thật nhanh.
Chẳng phải 20 năm, 30 năm mà từ “thời ông bà” đến giờ, gia đình ông Nguyên đã sống trong cảnh tối tăm. Không có điện, mọi sinh hoạt gia đình phụ thuộc vào ánh đèn dầu leo lắt.
“Thời đại này mà chúng tôi còn phải sống khổ như thế này đây. Các nơi khác người ta đã bỏ xa mình lâu rồi”, ông Nguyên than thở.
Không có điện, thiệt thòi nhất vẫn là đám con cháu trong nhà. Cả ngày đến trường đã vất vả, về đến nhà, vừa vứt cặp xuống là chúng phải tranh thủ lôi bài vở ra xem khi còn ánh sáng mặt trời. Còn không, tối đến cả ba, bốn đứa túm tụm cùng nhau soi từng con chữ dưới ánh đèn.
 Trẻ em chong đèn học bài.
“Ở đây, mùa hè oi bức không có điện dùng quạt. Còn mùa mưa, mới chiều chiều trời đã tối đen như mực. Mấy đứa cháu còn nhỏ khó ở nên cứ khóc ré sáng đêm. Do vậy mà cha mẹ chúng ít khi dẫn về chơi lắm. Chưa hết đâu, Tết đến, khắp nơi rộn ràng. Còn thôn tôi, đến chiều thì hiu hắt như chùa bà đanh”, bà Ngô Thị Học lắc đầu ngao ngán.  
Nói rồi, bà Học thở dài nhìn ra hướng đường dây điện cao thế liên huyện Trà Bồng - Tây Trà chạy ngang nhà hơn chục năm nay.
Chị Hồ Thị Siêng (tổ 4, thôn Trung) bộc bạch: “Nhìn xóm trên, xóm dưới có điện mà mình ở giữa lại không có, buồn lắm. Mỗi khi tối đến, tôi phải đi bộ tận xuống dưới quán mua dầu về thắp đèn cho con học bài; lúc không có dầu phải cho con ngồi học tạm bên bếp lửa. Đi rẫy là vợ chồng tranh thủ về sớm chong đèn vì sợ rắn rết vào nhà”.
Đến cuối năm 2016, sau khi được sự thống nhất của các ngành, các cấp, ngành điện đã thống nhất hạ thế đường dây liên huyện Trà Bồng - Tây Trà, đáp ứng sự mong mỏi của người dân trong thôn.
Diện mạo mới
Có điện, thôn Trung “cựa mình” thay da đổi thịt từng ngày, từng giờ. Nhà nào cũng mua sắm tivi, tủ lạnh và các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt, sản xuất. Khi núi rừng thinh lặng về đêm, những ngôi nhà nhỏ ở thôn Trung vẫn xập xình tiếng nhạc.
 Đường dây điện đã được kéo đến thôn Trung.
Lần theo ánh sáng phát ra từ ngõ nhỏ, chúng tôi lại đến thăm nhà ông Lê Minh Nguyên, đúng lúc cả nhà đang dùng bữa tối. Mâm cơm đạm bạc đặt giữa gian nhà dưới, 8 - 9 người ăn, tiếng cười nói giòn tan. Xong bữa cơm, họ cùng nhau xem thời sự, nắm bắt thông tin về mọi miền đất nước.
Ông Nguyên phấn khởi, hồi xưa muốn có điện dùng phải bỏ tiền ra mua dây dẫn, rồi tuabin nước, khi con suối sâu, khơi dòng chảy thì mình đặt xuống đó lấy điện. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời vào mùa mưa, còn vào mùa khô suối trơ đáy, đành bỏ hư quay lại thắp đèn dầu.
Giờ đây có điện lưới quốc gia rồi, ai nấy trong thôn đều rất phấn khởi vì hơn 40 năm nay rồi, làm gì có "diễm phúc" ấy. Minh chứng cho điều mình nói, ông Nguyên với tay chỉ ra phía trước nhà, trên cây xanh lớn có mắc nhiều sợi dây điện chớp nháy và bóng đèn tròn to, sáng tỏ, rồi cười bảo, đấy thấy chưa, chơi như vậy mới oách, mới đủ vị xuân.
Trên phòng khách, 4 đứa cháu của ông ngồi chụm lại với nhau đọc sách. Thanh âm trong trẻo, hồn nhiên vọng khắp đại ngàn, báo hiệu một lớp thế hệ trẻ đầy tương lai.
 Máy xay xát của gia đình chị Hồ Thị Hiền.
Ngày mới lại lên, chúng tôi ghé thăm nhà chị Hồ Thị Hiền - một trong những hộ thuộc diện khá giả mới nổi của thôn. Chị Hiền chia sẻ: “Hồi xưa vất vả lắm, có lúa rẫy hay sắn, ngô là phải cõng trên lưng đi bộ mấy cây số xuống dưới thị trấn để xay. Hiểu được nỗi cực khổ của mọi người nên khi có điện, vợ chồng kháo nhau đầu tư mua dàn máy xay xát về kinh doanh, phục vụ người dân trong thôn, lấy đó làm sinh kế thoát nghèo ngoài việc bám nương rẫy”.
Chị nói tiếp: “Tận dụng những bã sắn, bã gạo còn sót lại, gia đình tôi tính toán mua thêm ít con heo, con gà. Nuôi nó làm thịt để ăn, xa hơn nữa là bán nên cũng có đồng ra đồng vô, kinh tế cải thiện đáng kể”.
Ông Đinh Long Ninh- Phó chủ tịch UBND xã Trà Sơn khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: Từ khi có điện đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Cor đã có sự thay đổi rõ rệt, mọi thông tin thời sự, những mô hình hay, cách làm hiệu quả được bà con cập nhật hằng ngày. Nhờ đó, họ đã dần “khoác” lên mình “lớp áo” mới hiện đại, năng động thay cho sự nghèo khó đeo bám gần nửa thế kỷ.