70 năm giải phóng Thủ đô

Về làng Cựu nghe chuyện xưa và nay

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 60km có một ngôi làng với tuổi đời hàng thế kỷ bình yên bên dòng sông Nhuệ. Chỉ nghe thấy cái tên làng Cựu, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) ai cũng cảm nhận thấy sự cổ kính bởi ngôi làng của vùng đồng bằng Bắc Bộ này còn lưu giữ được khoảng 50 công trình kiến trúc cổ đến ngày hôm nay.

Những ngôi nhà cổ trong làng Cựu, xã Vân Từ ngày hôm nay.

Làng cổ nổi tiếng với nghề may 
Ngôi làng cổ kính, khiêm nhường nằm bên dòng sông Nhuệ này đã chứng kiến bao sự đổi thay của địa lý và lịch sử. Theo cụ Nguyễn Thiện Tứ (77 tuổi): “Khu đất của làng Cựu trước đây chỉ đủ cho một số gia đình đến gây dựng, sinh sống. Dần dần sau đó, những người tản cư đến bồi đắp vùng đất bãi ven sông Nhuệ để ở rồi an cư lạc nghiệp. Thời điểm đó tính đến nay cũng trên dưới 500 năm”.
Xã Vân Từ có 6 thôn được công nhận làng nghề truyền thống giải quyết việc làm cho 70% lao động. Hiện nay, hàng trăm gia đình đã nhận gia công các sản phẩm quần áo, comple cho 35 công ty và nhà may, HTX cắt may có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/lao động/tháng.
Vừa đặt chân đến làng Cựu, cảm giác đầu tiên của không ít người là sự bình yên rất lạ kỳ bởi con đường trung tâm của ngôi làng bé nhỏ vắng bóng người qua lại. Khung cảnh, không gian tĩnh mịch tạo nên nét đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ bắt đầu hiện hữu ngay cổng làng với kiến trúc quyển thư tựa như một cuốn sách, dù mái vòm cong vút với đôi kỳ lân đắp nổi điểm các họa tiết trên cổng làng đã không còn giữ được nguyên vẹn nét đẹp cổ kính, rêu phong do mới được người dân địa phương sơn lại.
Con đường được lát gạch năm xưa do bị xuống cấp nay được người dân địa phương cải tạo bằng chất liệu bê tông đã làm giảm đi sự mộc mạc của ngôi làng. Tuy nhiên, điểm nhấn ở đây là 50 ngôi nhà cổ với sự pha trộn giữa kiến trúc Việt cổ và kiến trúc hiện đại phương Tây kết hợp được xây dựng tường bao quanh nhà dày 60cm, thiết kế mái cong vòm dán ngói, các cột trụ và nhiều vị trí quanh công trình được trang trí bằng hình ảnh những loại cây, hoa, lá, quả để thể hiện cho bức tranh công trình thêm hấp dẫn.
Cụ Tứ chầm chậm kể tiếp, do cuộc sống người dân làng Cựu rất khó khăn, vì vậy khoảng năm 1920 một số cụ trong làng khăn gói hành trang lên đường ra trung tâm Hà Nội lập nghiệp. Từ đây, các cụ bắt đầu học được nghề cắt may quần áo âu phục. Ban đầu nghĩ chỉ cần có việc làm mưu sinh giữa trung tâm phố thị sầm uất, nhưng nhờ có tay nghề nên khách hàng đông dần.
Từ đây, nhiều cụ quyết định lập nghiệp bằng nghề may mặc rồi thuê, mua nhà mở hiệu may. Khoảng những năm 1930 - 1940, khi có điều kiện các cụ đã nghĩ đến việc về quê xây dựng những công trình nhà Việt cổ kết hợp với kiến trúc phương Tây tạo ra bản sắc riêng của những ngôi nhà cổ tồn tại ở làng Cựu cho đến hôm nay.
Gây dựng thương hiệu
Cũng từ đây, thế hệ các cụ đi trước bắt đầu mở lớp dạy nghề, truyền nghề cắt may quần áo cho lớp trẻ trong làng để giữ gìn và phát triển nghề. Cứ thế, năm này qua năm khác, người người, nhà nhà tiếp nối nhau làm nghề và trở thành làng nghề cắt may quần áo nổi tiếng, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Từ đó, nhiều người rời quê hương đi lập nghiệp ở vùng đất mới cũng mang nghề cắt may đi theo rồi mở cửa hiệu hoặc thành lập công ty, DN chuyên cắt may quần áo. Gần 100 năm qua mỗi khi nhắc đến xã Vân Từ ai nấy đều nghĩ ngay đến làng nghề may comple nằm hiền hòa bên dòng sông Nhuệ.
Chủ tịch UBND xã Vân Từ Nguyễn Ngọc Dương cho biết, đến nay làng Cựu còn lưu dấu 50 di sản kiến trúc đa dạng nằm xen lẫn những ngôi nhà hiện đại được người dân cải tạo từ khoảng năm 2010. Theo thời gian, các ngôi biệt thự phủ đầy rêu phong đang dần xuống cấp do chưa được trùng tu. Chủ nhân của những công trình này đa số là chủ cửa hàng may mặc nổi tiếng sinh sống ở trung tâm Hà Nội với các cái tên đều có gắn chữ “Phú” và “Phúc” tập trung ở phố Hàng Trống, Hàng Ngang, Hàng Đào, như nhà may: Phú Cường, Phú Hải, Phú Lưỡng và Phúc Tú, Phúc Hưng, Phúc Thành…
“Chỉ có rất ít công trình trong số khoảng 50 ngôi nhà cổ ở đây được chủ nhà tự bảo tồn nguyên vẹn. Số còn lại nhiều năm qua chủ nhà khóa cửa không có người quét dọn khiến cho rêu phong phủ kín. Hiện nay, những ngôi nhà này đang được các gia đình và UBND xã cùng UBND huyện, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, trường Đại học Kiến trúc… lập phương án trùng tu để bảo tồn các giá trị lịch sử” - ông Nguyễn Ngọc Dương nói.