Đổi mới đa dạng tour Thu - Đông
Thời tiết sang Thu, đồng nghĩa ngành du lịch bắt đầu chuyển sang mùa thấp điểm bởi lượng khách giảm dần, do học sinh đã bước vào năm học mới, khách quốc tế cũng chưa đến Việt Nam.
Thế nhưng, những năm gần đây, các công ty lữ hành đã làm cho du lịch mùa thấp điểm trở nên sôi động hơn bằng những tour mùa Thu hấp dẫn. Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan chia sẻ, trong mùa Thu - Đông, người miền Bắc bắt đầu có xu hướng vào miền Nam, miền Trung tránh rét và người miền Nam quan tâm hơn với mùa đông Hà Nội, Sa Pa…
Những tuyến điểm lên ngôi vào mùa du lịch Thu - Đông phải kể đến hành trình Đông Bắc, Tây Bắc với mùa lúa chín, mùa tam giác mạch; miền Trung và Tây Nguyên sắp vào mùa hoa dã quỳ; miền Tây mùa nước nổi.
“Dự kiến các tuyến điểm hút khách trong mùa Thu - Đông sẽ là Phú Quốc, Đà Nẵng, Hà Nội, Đà Lạt...” - ông Nguyễn Công Hoan nêu rõ. Một lý do khác tăng thêm sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch Thu - Đông đó là mức giá chỉ bằng 1/2 đến 1/3 mùa du lịch Hè, nên du khách có thể thưởng thức kỳ nghỉ mà không phải mất nhiều chi phí.
Thông tin từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nhiều tỉnh thành đang xây dựng tour du lịch đón mùa Thu. Đơn cử, ngành du lịch Quảng Ninh thiết kế tour khai thác lợi thế đặc trưng thiên nhiên, văn hóa mùa Thu - Đông, trong đó chú trọng xây dựng tour mang đặc trưng vùng miền như: Mùa vàng Bình Liêu, mùa Thu Yên Tử, nghỉ dưỡng khoáng nóng Onsen Quang Hanh... Không chỉ vậy, các doanh nghiệp du lịch còn hướng mạnh đến sản phẩm du lịch golf kết nối Hạ Long - Móng Cái, nhờ lợi thế đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã được đưa vào khai thác từ 1/9.
Tương tự, tỉnh Lào Cai cũng đang xây dựng quảng bá tour ngắm mùa lúa chín đẹp nhất trong năm, săn mây, tìm hiểu, trải nghiệm đời sống bà con dân tộc, khám phá ruộng bậc thang, thung lũng Mường Hoa (Sapa). Trong khi đó, du lịch Nghệ An, Tuyên Quang chú trọng điểm đến văn hóa - tâm linh, di tích cách mạng.
Đại diện công ty Công ty du lịch VietSense Travel thông tin, hiện doanh nghiệp đang chào bán chùm tour Đông - Tây Bắc với tên gọi “Thu vàng trên rẻo cao” khám phá Xím Vàng, Tà Xùa, Mù Cang Chải, Hà Giang với giá dao động từ hơn 1,7 - 2,5 triệu đồng/khách cho 2 ngày 3 đêm; Sản phẩm “Về nguồn kháng chiến” khám phá Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) - Thác Bản Giốc (Cao Bằng), “Vòng cung Tây Bắc” có giá từ 2,4 - 3,6 triệu đồng/người.
Thông tin của các hãng lữ hành, đến thời điểm này những hành trình mùa Thu - Đông đã thu hút nhiều khách đăng ký tour. Tại Fiditour, Vietrantourkhách đăng ký mua tour tăng khoảng 20 - 26% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Nội cần xây dựng sản phẩm đặc trưng
Theo các chuyên gia du lịch, mùa Thu Hà Nội là “đặc sản” rất riêng của Thủ đô. Tuy nhiên, thời gian qua du lịch Hà Nội chưa xây dựng được tour đặc trưng mùa Thu thu hút du khách trong nước, quốc tế.
Để “vẽ màu” cho du lịch mùa Thu Hà Nội, theo các chuyên gia, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, từ đó có cơ chế, chính sách thuận lợi trong việc xây dựng sản phẩm kích cầu hấp dẫn, thu hút dòng khách chi tiêu cao bằng các sản phẩm du lịch golf, nghỉ dưỡng hay MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện) nhằm phát huy tối đa tiềm năng của Hà Nội. Đây chính là cách định vị thương hiệu để tạo sức bật cho du lịch Thủ đô trong thời gian tới.
TP Hà Nội vừa được Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) trao giải Điểm đến du lịch đô thị hàng đầu châu Á 2022. Việc Hà Nội nhận được giải thưởng trong bối cảnh du lịch Việt Nam hoàn toàn, không chỉ là niềm tự hào mà còn cơ hội cho du lịch Thủ đô quảng bá hình ảnh điểm đến Hà Nội “An toàn - Chất lượng - Thân thiện - Hấp dẫn”, với du khách trong nước và quốc tế sau thời gian dài ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang
Tổng giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt khẳng định, nếu xây dựng được tour Thu - Đông đặc trưng, thì doanh nghiệp có thể kéo khách đến Thủ đô vào mùa Thu, thay vì phải sang tận Hàn Quốc, Nhật Bản để ngắm mùa lá đỏ.
“Hãy gợi cho du khách cảm xúc muốn đến Hà Nội thông qua những bài hát hay về Thủ đô trong công tác tuyên truyền, quảng bá. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa tour xe buýt 2 tầng thành các tuyến xe buýt ngắn để du khách dễ dàng tham quan những điểm di tích nổi tiếng. Đồng thời nên phát triển sản phẩm tour du lịch mùa lúa chín ở các vùng ngoại thành để kích cầu người Hà Nội du lịch Hà Nội. Đây sẽ là bước đệm tốt để thu hút khách quốc tế tới các huyện ngoại thành” - ông Nguyễn Tiến Đạt hiến kế.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Phạm Tiến Dũng kiến nghị, Hà Nội từng có sản phẩm “Cảm xúc Hà Nội” khá hấp dẫn, phù hợp thị hiếu du khách. Vì thế, Sở Du lịch Hà Nội nên khởi động lại và tiếp tục phát triển sản phẩm này như một thương hiệu riêng của du lịch Thủ đô.
Bàn về giải pháp xây dựng thương hiệu du lịch mùa Thu Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, nên xây dựng hẳn “Chiến dịch du lịch mùa Thu Hà Nội”. Theo đó, Hà Nội nên nghiên cứu xây dựng những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng chỉ có mùa thu Hà Nội.
“Cần có những sự kiện mùa Thu mang tính thường niên và chỉ tổ chức vào một thời điểm nhất định trong năm để hấp dẫn du khách, giống như Đà Nẵng có Festival pháo hoa, Hà Giang có lễ hội hoa tam giác mạch…” - ông Phùng Quang Thắng gợi ý.
Trước những gợi ý xây dựng tour mùa Thu đặc trưng Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đơn vị đang khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp du lịch xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch cũng chủ trương tổ chức một số sự kiện để thu hút du khách trong nước và quốc tế như lễ hội áo dài, trao giải cuộc thi ảnh đẹp về Hà Nội...