Vé máy bay không phải là dịch vụ công nghiệp giá đồng nhất

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện giữ hay bỏ “giá trần”, “giá sàn” vé máy bay là chủ để được đưa ra bàn luận từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã có buổi trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị về quan điểm của mình xung quanh chủ đề này.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống.

Hai hãng hàng không là đủ điều kiện cạnh tranh

Giá vé máy bay trong thời gian gần đây có dấu hiệu tăng mạnh khiến nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ vượt “giá trần” trong thời gian tới. Là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Bỏ giá trần đi thì lo gì vượt trần với không vượt trần. Các ông cứ quen với việc để giá trần, giá sàn nên mới có việc phải bàn. Để tâm sức lo việc khác đi. Còn chuyện lặt vặt tính toán bao nhiêu tiền ra gia vé. Nói gì thì nói ta phải công nhận giờ trong lĩnh vực hàng không nước ta là có cạnh tranh. cho dù hai hãng cũng có cạnh tranh.

Ở bên Úc, người ta có chính sách “Two Airlines Policy”. Đây là một chính sách của Chính phủ Úc từ cuối những năm 1940 đến những năm 1990.

Theo chính sách này, chỉ có hai hãng hàng không được phép khai thác các chuyến bay giữa các TP thủ phủ của tiểu bang và giữa các thủ đô và các trung tâm khu vực được chỉ định.

Tôi không hiểu tại sao ở nước ta lại đề ra quy định rằng phải có 3 hãng hàng không trở lên mới là cạnh tranh. Lý thuyết này họ lấy ở đâu ra vậy? Điều này nghe thật vô lý.

Ông đánh giá thế nào về tính cạnh tranh trong thị trường vé máy bay nước ta?

- Nói đến tính cạnh tranh của ngành hàng không, trước tiên là cạnh tranh với các lĩnh vực khác. Hàng không cạnh tranh với đường bộ, đường thủy, đường sắt...

Lợi thế của hàng không là loại hình vận tải nhanh nhất. Vì nhanh hơn đường bộ, đường sắt, đường thủy nên giá đương nhiên cao hơn và người dân cũng sẵn sàng trả giá đắt để đi máy bay.

Còn với những ai không có nhu cầu nhanh, họ có thể đi ô tô khách, đi tàu hỏa... Những loại hình vận tải này rẻ hơn.

Bên cạnh đó, trên một chuyến bay cũng có nhiều mức giá vé máy bay khác nhau: hạng thương gia, hạng phổ thông đặc biệt, hạng phổ thông.

Thậm chí, cùng một hạng vé phổ thông nhưng mua vào khung giờ khác nhau cũng có giá khác nhau. Ai mua sớm sẽ được giá rẻ hơn còn người nào mua muộn phải chịu mức giá cao hơn.

Thế mới có chuyện có những người đi cùng chuyến bay, mua cùng hạng vé, thậm chí là ngồi ghế cạnh nhau nhưng giá vé lại khác nhau.

Đây là điều rất bình thường, không chỉ với thị trường vé máy bay ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng đều thế, có quy luật, có nguyên tắc rõ ràng và rất hợp lý.

Trong kinh tế hàng không có phần gọi là “different pricing”, nghĩa là lấy giá khác biệt nhau. Đây chính là quy luật về giá máy bay hiện nay.

Theo như ông phân tích thì thị trường vé máy bay nước ta đã có đủ tính cạnh tranh, không nên áp dụng “giá trần”, “giá sàn” nữa?

- Như tôi phân tích ở trên, giá sàn với giá trần là không cần thiết, cần phải bỏ đi. Cứ để cho hàng không phát triển tự nhiên và cạnh tranh một cách lành mạnh. Hàng không vẫn đang phải cạnh tranh với đường bộ, đường thủy, đường sắt...

Rồi trong nội bộ hàng không, các hãng cũng đang phải cạnh tranh với nhau. Nước ta hiện nay có tới 3 - 4 hãng hàng không rồi chứ có phải chỉ có 1 - 2 hãng đâu.

Việc phân hóa giá dịch vụ tương ứng với giá vé hiện nay đâu chỉ mỗi hàng không mới có.

Tất cả các loại hình vận tải khác cũng đều như vậy. Đi tàu hỏa giờ cũng có nhiều mức giá, đi ô tô cũng thế.

Ngay cả ô tô khách cũng không thể giữ nguyên một mức giá vé trong một thời gian dài mà luôn có sự điều chỉnh phù hợp với thị trường mà. Đó là để người dân lựa chọn tùy theo nhu cầu và khả năng kinh tế của mình. Còn hãng bay nào, nhà xe nào bán vé đắt, tự sẽ bị hành khách tẩy chay.

Đây chính là quy luật cạnh tranh của thị trường. Đừng bao giờ suy nghĩ về một loại vé công nghiệp để mà đề ra giá trần, giá sàn. Kinh tế thị trường là như vậy, đừng bao giờ can thiệp vào.

Vé máy bay không phải sản phẩm công nghiệp giá đồng nhất

Có ý kiến cho rằng, quy định “giá trần”, giá sàn” với vé máy bay đang vô tình trở thành rào cản khiến ngành hàng không nước ta không thể phát triển theo hướng kinh tế thị trường. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

- Đừng bao giờ suy nghĩ vé máy bay là một sản phẩm dịch vụ giá công nghiệp đồng nhất. Thế nên cũng không nên áp dụng giá trần với giá sàn. Cứ để thị trường vé máy bay phát triển và cạnh tranh một cách tự nhiên thì tự bản thân nó sẽ thay đổi rất nhiều.

Tùy theo từng loại đối tượng khách hàng thì giá vé máy bay cũng sẽ phân hóa theo những mức giá khác nhau cho phù hợp. Người có tiền, ưa xài sang thì có thể mua vé hạng thương gia, người ít tiền, muốn sử dụng dịch vụ vừa phải thì có thể chọn vé hạng phổ thông...

Đây là điều rất bình thường. Cũng giống như trong lĩnh vực thời trang, cùng một bộ quần áo giống nhau nhưng có những bộ giá trên trời, còn có những bộ quần áo giá lại rất bình dân. Nếu đem bộ quần áo giá trên trời bán cho người có nhu cầu sử dụng bộ quần áo bình dân thì đương nhiên họ sẽ không mua, và ngược lại.

Nhưng tại sao những bộ quần áo giống nhau với mức giá chênh lệch nhau rất lớn này lại vẫn tồn tại được và vẫn bán được hằng ngày?

Đó là bởi người mua có nhiều phân khúc khác nhau. Giá vé máy bay cũng vậy thôi.

Có một thực tế là giá vé máy bay vào những cao điểm lễ, Tết bao giờ cũng bị đẩy lên rất cao. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Riêng về giá vé máy bay dịp lễ, Tết thường đắt đỏ hơn thường ngày, đây là tình trạng chung của nhiều nước trên thế giới, không chỉ riêng tại Việt Nam.

Giá vé cao là bởi nhu cầu đi lại trong cùng một thời điểm tăng đột biến. Thường là gói gọn trong kỳ nghỉ lễ, Tết đó.

Khi nhu cầu lên quá cao, các hãng phải tăng chuyến, tăng ghế, tăng thêm người phục vụ thì đương nhiên giá dịch vụ cũng sẽ bị đẩy lên, từ đó giá vé cũng cao lên.

Tuy nhiên, trên thực tế thì những người mua phải vé máy bay giá cao vào dịp lễ, Tết thường chủ yếu là những người mua gấp, mua trong thời gian ngắn. Còn nếu mua sớm thì vẫn có thể mua được vé máy bay với mức giá thấp hơn, phù hợp hơn.

Vậy theo ông, đâu là cách tốt nhất để người dân có thể mua được vé máy bay giá tốt vào những dịp lễ, Tết?

- Như tôi nói ở trên, kể cả trong những dịp cao điểm lễ, Tết, nếu chủ động mua vé từ sớm và mua khứ hồi thì vẫn có cơ hội mua được vé giá tốt. Để làm được điều này, mọi người cần tạo thói quen lên kế hoạch trước cho kỳ nghỉ của mình.

Các kỳ nghỉ mỗi nay đều như thế, vẫn là những dịp 30/4 và 1/5; Giỗ Tổ Hùng Vương; Lễ Quốc khánh 2/9; Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Số ngày nghỉ trong những dịp lễ, Tết này được thông báo trước đó nên mọi người hoàn toàn có điều kiện để chủ động lên lịch cho những chuyến đi của mình.

Việc mua vé sớm không chỉ tốt cho hành khách mà còn tốt cho chính những hãng hàng không. Họ sẽ chủ động được lượng hành khách, từ đó chủ động kế hoạch bay của mình. Các sân bay cũng nhờ đó tránh được tình trạng quá tải, họ chủ động điều phối hoạt động bay tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

 

Có thể thấy khái niệm "giá trần" vô hình trung đã đổ đồng toàn bộ hành khách thành một loại, đổ đồng vấn đề phục vụ thành một loại. Trong khi thực tế thì từ đối tượng hành khách đến dịch vụ trên một chuyến bay là khác nhau.

Ai có nhu cầu xài sang phải để cho họ xài sang chứ. Kinh tế là để thỏa mãn nhu cầu từng người. Đưa ra quy định giá trần lại trở thành rào cản cho những người có điều kiện, có nhu cầu xài sang nhưng không được thỏa mãn nhu cầu đó.

Ngược lại, giá sàn cũng thế. Các hãng hàng không muốn đưa ra chính sách khuyến mại, thu hút hành khách nhưng lại vấp phải rào cản là giá sàn, thành ra lại hạn chế cơ hội đi máy bay của những người bình dân, ít tiền trong khi họ hoàn toàn có quyền có được nhu cầu chính đáng đó.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần