Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Vè” rượu!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyện cũ giờ chỉ là những ký ức đẹp của một thời “ăn chưa no - lo chưa tới”.

Còn nhớ một thời, đám sinh viên nội trú ở KTX Mễ Trì (Đại học Tổng hợp trước đây) vẫn truyền nhau câu chuyện vui, đại ý: Loài người có 2 phát minh vĩ đại, phát minh thứ nhất là tìm ra lửa - đưa con vượn trở thành người; phát minh thứ 2 là tìm ra rượu - đưa con người trở thành tiên!

Chuyện của sinh viên nội trú thì nhiều vô kể, đôi khi làm cho chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, vơi đi cái đói, cái rét của một thời cơm chả đủ ăn. Trong muôn vàn chuyện thời đó, không ít chủ đề liên quan đến rượu.

Chuyện cũ giờ chỉ là những ký ức đẹp của một thời “ăn chưa no - lo chưa tới”. Đến nay, ai cũng yên bề gia thất, công ăn việc làm đầy đủ. Lắm người còn thành nhà thơ, nhà văn, nhà báo có tên tuổi; mỗi khi gặp nhau, bên “chén rượu thời nay”, chuyện xưa lại râm ran, tình nghĩa anh em thêm bền chặt.

Cổ nhân răn rằng: Uống rượu chứ đừng để rượu uống. Lời người xưa quả thật chửa sai bao giờ. Và uống rượu cũng cần có đẳng cấp! Thời buổi nay rượu bia ê hề. Với kẻ lắm tiền, chai rượu dăm bảy ngàn đô cũng qua một bữa; bình dân, làm chai “nút lá chuối” cũng lên mây. Nhưng rượu ngon phải có bạn hiền.

Trong thế gian này, ở đâu cũng vậy. Nhưng với chốn quê, tình làng nghĩa xóm khác hàng phố. Công to, việc nhỏ gì người ta cũng gọi nhau. Nếu trước đây, chén trà, miếng trầu là đầu câu chuyện thì thời nay, rượu bia dần lấn át. Bàn chuyện làm ăn cũng quanh bàn rượu, nhờ vả nhau chuyện gì cũng lấy rượu mà… bắc cầu!

Cách nay vài hôm, hàng xóm nhà tôi có làm vài mâm cơm tiễn cậu con trai sang xứ Phù Tang lao động. Trong đám cỗ, rượu là thứ không thể thiếu. Ai cũng chúc cho cậu chàng chân cứng đá mềm, chịu khó làm ăn, để sau dăm năm kiếm lưng vốn; hết hạn lao động về nhà, lấy vợ tậu trâu. Buổi rượu đang rôm rả thì mấy ông ở chiếu bên cạnh sang mâm tôi giao lưu. Mà “giao lưu” ở đây có nghĩa là bê chén sang mâm khác “gạ” uống. Luật ở đây là “vào 3 - ra 7”… Chẳng biết tửu lượng đến mức nào, nhưng mới xong được màn “vào 3” được mươi phút, trong mâm đã có vài người “ríu lưỡi”. Sau màn chúc tụng “khổ chủ”, các ông bắt đầu “vè” nhau về rượu ở vùng nào ngon. Ông thì bảo Bàu Đá (Bình Định), ông thì khăng khăng là Kim Sơn (Ninh Bình)… Ông nào cũng cố bảo vệ quan điểm cá nhân. Nếu dừng lại ở đây, chuyện sẽ không có gì đáng nói. Thế nhưng thói đời “rượu vào nhời ra”, các ông bắt đầu so kè cao thấp.

Ban đầu còn chén chú, chén anh, khi men đã ngấm, bắt đầu ông ông, tôi tôi, lời bấc, tiếng chì. Mâm rượu hôm đó được gia chủ ấn định cho 6 người, nay “nhập” thêm 3 ông - đâm chật. Đồ ăn thì chả ai đụng đũa, nhưng rượu thì đã phải “tiếp” thêm mấy chai. Màn “vào 3” đã qua, đến lúc “ra 7”, thì có ông chân xiêu, lưỡi vắt… Lúc quay về “mâm cũ”, đám người ngồi cùng đã ngậm tăm, uống trà; gia chủ đành “ghép” ba ông nọ vào mâm chúng tôi. Bữa rượu bắt đầu “nát”

. Ông nào cũng đòi “màn hình phẳng”, mà thói đời vốn dĩ “phẳng rượu thì cong nhời”. Tự chỗ vui vẻ, các ông bắt đầu cạnh khóe, bới móc thói hư tật xấu của nhau. Để tránh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”, tôi về!