Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Về thăm 10 đóa hoa bất tử nơi Ngã ba Đồng Lộc

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong chuyến hành trình “Nghĩa tình tháng Bảy” về với miền Trung, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã đến Ngã ba Đồng Lộc.

Tháp chuông tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Tháp chuông tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Những ngày tháng Bảy, dưới cái nắng chói chang, núi rừng Trường Sơn cây vẫn xanh ngút ngàn. Dòng người từ khắp nơi không quản ngại đường xa, nắng nóng đến với Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. 

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Việt Tuấn, hướng dẫn viên du lịch tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc: Ngày 24/7, là ngày giỗ của 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Đúng ngày này, vào hồi 17 giờ năm 1968, tiểu đội 4 thanh niên xung phong đã nhận lệnh san lấp hố bom sửa chữa đường, hầm trú ẩn khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn trọng điểm khu vực địch vừa thả bom để nhanh chóng thông đường cho xe vận tải hàng hóa đi qua.
Tượng đài nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc.
Tượng đài nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc.
Các chị đã quá quen với những trận càn quét của máy bay phản lực, cùng với những loạt bom dội xuống Ngã ba này. Sau những trận mưa bom của địch các chị lại ra khỏi hầm lao nhanh lên sửa đường. Nhưng thật bất ngờ, ngày 24/7/1968 địch đã cho 1 loạt máy bay phản lực càn qua, sau đó quét lại và quả bom càn lại đó đã lấy đi tuổi thanh xuân của 10 cô gái thanh niên xung phong.

Nằm trọn trong thung lũng, giao giữa tuyến đường Trường Sơn - Quốc lộ 15 và tỉnh lộ 2 Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, là ngã ba duy nhất nối tuyến đường Trường Sơn với các tuyến khác để vào Nam và ra Bắc. 
Đoàn Báo Kinh tế & Đô thị thăm viếng tại tượng đài nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc
Đoàn Báo Kinh tế & Đô thị thăm viếng tại tượng đài nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc.
Thời điểm đất nước chia cắt làm 2 miền Nam – Bắc, đường Trường Sơn là tuyến đường trọng yếu để vận tải hàng hóa, nhu yếu phẩm từ Bắc phục vụ cho chiến trường miền Nam.

Anh Tuấn cho biết thêm: Tại khu nghĩa trang mà mọi người đến viếng thăm, thắp hương cho các chị hiện nay thi hài của các chị đã được đặt đúng nơi các chị hy sinh, nhưng nó là nơi thứ 3 đặt thi hài các chị.
Các đ/c lãnh đạo Báo Kinh tế & Đô thị thắp hương tại phần mộ của 10 anh hùng liệt sỹ tại Ngã ba Đồng Lộc.
Các đ/c lãnh đạo Báo Kinh tế & Đô thị thắp hương tại phần mộ của 10 anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc.
Hoa và vật dụng tư trang trắng trên phần mộ của các chị.
Hoa và vật dụng tư trang trắng trên phần mộ của các chị.
Lần thứ nhất, khi các chị ngã xuống nhân dân ở đã mai táng các chị tại xóm Mai Long, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc. Vì khi chiến tranh vô cùng ác liệt. Nơi các chị hy sinh không ngày nào giặc Mỹ không bỏ bom hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương phía Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, nên không thể mai táng. Lần thức 2, thực hiện chủ trương khai quật đưa các thi hài liệt sỹ về đúng địa phương, Can Lộc đã di chuyển thi hài các chị về nghĩa trang của huyện. Đến ngày 26/3/1990 thi hài các chị đã được chuyển về đúng vị trí các chị đã hy sinh. 10 cô gái thanh niên xung phong khi ấy chỉ từ 17 đến 22 tuổi.
NHiều người
Về thăm 10 đóa hoa bất tử nơi Ngã ba Đồng Lộc - Ảnh 1
Theo anh Tuấn, ngay từ đầu tháng Bảy, Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc mỗi ngày đón từ 150-200 đoàn đến thăm viếng mộ của các chị. 

Chỉ là tình cờ, nhưng thật may mắn cho đoàn của Báo Kinh tế & Đô thị đến viếng thăm mộ các chị vào đúng ngày giỗ. Trên là trời xanh, thông xanh reo trong gió. Trên những phần mộ các chị là rất nhiều bó hoa trắng, nón trắng, các loại tư trang màu trắng… Bùi ngùi xúc động là tình cảm của những người đến đây thắp hương cho các chị. 

Chỉ tiếc một điều, ngày giỗ năm nay các chị đều không còn cha, mẹ nào đến đây. Vì mẹ cuối cùng của 10 chị là mẹ của chị Hà Thị Xanh đã mất cuối năm 2015.
Bức thư của Chị Tân gửi cho gia đình trước khi hy sinh.
Bức thư của Chị Tân gửi cho gia đình trước khi hy sinh.
Mỗi người đến đây đều thể hiện sự tri ân, tôn kính, tấm lòng ngưỡng mộ các chị. Ông Bùi Văn Tuyên, ở Hà Nam cho biết: Tháng Bảy năm nào ông cũng cố gắng đến đây thắp một nén nhang để thể hiện tình cảm của mình với các chị, và để ôn và sống lại những ký ức hào hùng của dân tộc, của những người đã vì nền độc lập của nước nhà mà hy sinh cả tuổi thanh xuân.

Gương hy sinh anh dũng của các chị mãi là bài học lịch sử không thể nào phai của mọi người dân đất Việt trên con đường đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc, và đỉnh cao là khát vọng vì hòa bình.
Từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1968 (trong 240 ngày đêm), giặc Mỹ đã trút xuống Ngã ba Đồng Lộc 48.600 quả bom các loại.

Tên của 10 cô gái thanh niên xung phóng, là anh hùng liệt sỹ tại Ngã ba Đồng Lộc:

1. Võ thị Tần - 22 tuổi - tiểu đội trưởng

2. Hồ Thị Cúc - 21 tuổi - tiểu đội phó

3. Võ Thị Hợi - 20 tuổi - chiến sĩ

4. Nguyễn Thị Xuân - 20 tuổi - chiến sĩ

5. Dương Thị Xuân - 19 tuổi - chiến sĩ

6.  Trần Thị Rạng - 19 tuổi - chiến sĩ

7. Hà Thị Xanh - 18 tuổi - chiến sĩ

8. Nguyễn Thị Nhỏ -  19 tuổi - chiến sĩ

9. Võ Thị Hạ - 19 tuổi - chiến sĩ

10. Trần Thị Hường - 17 tuổi - chiến sĩ