70 năm giải phóng Thủ đô

Vẽ việc!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong làng, Thung tuy kiệm lời, nhưng nổi tiếng là người có khiếu hài hước, ngôn từ của anh luôn trào lộng, dí dỏm, ăn nói có duyên. Tỉ như chuyện dù uống rượu rất khỏe, nhưng nếu ai hỏi về tửu lượng, anh luôn nói mình là người uống có chừng.

Nếu là người lạ, chắc ai cũng nghĩ Thung là kẻ biết hà tiết, nhưng “chừng” của anh ta nghĩa là… có chừng nào uống chừng ấy!

“Thế gian được vợ mất chồng”, quả là người xưa nói chả sai tí nào. Nếu như Thung thuộc hệ nửa ngày mới hé miệng, thì vợ anh - chị Huệ nói suốt ngày, nói như một cái máy khâu, người làng nhận xét như vậy.

Được cái là dù “nói như một cái máy khâu”, nhưng chị Huệ tuyệt nhiên không phải là người đưa chuyện, hóng hớt, buôn dưa lê. Dân gian cũng có câu “hổ phụ sinh hổ tử”, vậy nên cả 6 đứa con nhà Thung cũng thuộc diện cạy mồm nửa ngày cũng chẳng thèm nói. Có người cho rằng, do cha con nhà Thung mắc tật kiệm lời nên chị vợ phải nói thay!

Trong làng có anh chàng tên Nghinh quê tận miền Trung mới về ngụ cư. Qua giao tiếp, người ta biết anh thuộc típ người ham học hỏi, kiến thức rộng, tinh thông nhiều môn nghệ thuật… Nhà anh có 2 đứa con năm nay vào đại học, vậy mà mùa thi đã sát nút, nhưng vẫn chưa kiếm được thầy phụ đạo môn vẽ. Giá như 2 đứa trẻ nhà nọ thi các môn ngoài năng khiếu thì làng thôi không thiếu thầy. Khốn nỗi, 2 cháu nhỏ lại thi vào nhóm trường yêu cầu thí sinh phải vẽ, thế mới gay…

Hôm nghỉ lễ vừa rồi trùng với hội làng, Nghinh được nhiều gia đình mời cỗ. Khi đã trà dư - tửu hậu, Nghinh tâm sự việc chưa có thầy phụ đạo, khả năng phải đưa con ra phố tầm sư… Biết chuyện nhiều người khuyên anh Nghinh nên sớm đưa con vào nội thành để bổ túc kỹ năng, kẻo đã thi vào trường đòi hỏi năng khiếu mà điểm không đạt, các môn còn lại dẫu cao đến mấy cũng vất đi…

Suốt cả buổi hôm ấy Thung chẳng hé răng, nhưng khi trà tàn – rượu mãn, mấy ông trung niên chuyển sang chắn cạ, anh ta mới thủng thẳng mà rằng: này Nghinh ạ, nếu chú tin tưởng thì sang nói chuyện với vợ anh, biết đâu cô ấy lại giúp được chú đấy… Từ khi chuyển về ngôi làng ven đô này sinh sống, Nghinh đã nghe phong thanh chuyện vợ Thung làm họa sĩ nên mừng lắm…

Tối hôm sau khi đang ngồi xem tivi, vợ chồng Thung đã thấy Nghinh thập thò ngoài cửa. Bằng một cách mau mắn, Huệ đã mời khách vào nhà rồi pha trà, rót nước.

Sau khi nghe Nghinh trình bày nguyện vọng, dù rất buồn cười, nhưng Huệ phải cố nén, sau đó mà rằng: việc anh Thung đã nói với chú như vậy thì tôi đành phải giúp. Mai tôi sẽ nghỉ buổi làm đưa bố con chú ra chỗ ông anh con bác ruột - là giảng viên trường mỹ thuật. Anh ấy là người có tiếng trong dạy ôn thi vào các trường đòi hỏi môn hội họa đấy…

Bằng sự giới thiệu của Huệ, 2 đứa con nhà Nghinh được thầy giáo nhận lời kèm cặp, sau việc này Nghinh mang ơn Thung lắm. Một hôm vui chuyện Nghinh hỏi Thung: bác gái nhà ta cũng học hội họa, sao không theo nghề?

Nghe đến đây Thung mới lật khật mà rằng ồ đúng vậy, vợ tớ cũng là “họa sĩ”, nhưng cô nàng chuyên… vẽ việc thôi ông ạ. Sau vụ xin luyện thi môn vẽ cho con, anh chàng quê miền Trung mới dần biết tới tính hài hước của ông hàng xóm tốt bụng!