Phương án gỡ khó cho doanh nghiệp…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để kịp thời gỡ khó, UBND huyện, các xã, thị trấn đã chỉ đạo doanh nghiệp triển khai xây dựng các phương án sản xuất an toàn, đảm bảo nguyên tắc 5K trong mọi hoạt động. Công nhân viên, người lao động tại các doanh nghiệp đã tuân thủ nguyên tắc 5K cả trong và sau giờ làm việc. Ngành chức năng thực hiện test nhanh Covid-19 hàng tuần đối với lái xe, người vận chuyển bốc dỡ hàng hóa; duy trì nghiêm ngặt chế độ phòng, chống dịch theo yêu cầu; xây dựng lộ trình, kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh…
|
Chốt kiểm soát dịch bệnh tại xã Đông La huyện Hoài Đức, nơi tiếp giáp với quận Hà Đông |
Đến nay, trên toàn địa bàn huyện Hoài Đức có tổng số 469 doanh nghiệp được phê duyệt phương án sản xuất an toàn, trong đó 136 phương án do UBND huyện cấp và 333 phương án do UBND cấp xã phê duyệt. Đồng thời, 373 tổ an toàn Covid-19 tại 167 doanh nghiệp được thành lập với 1.367 thành viên tham gia, hoạt động tích cực, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho doanh nghiệp trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
|
''Vùng xanh'' được thiết lập trên địa bàn nhiều xã ở Hoài Đức |
Đặc biệt, các phương án này được cấp có thẩm quyền rà soát kỹ lưỡng và giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình thực hiện. Huyện thành lập 4 tổ kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch trong doanh nghiệp, để đảm bảo duy trì các biện pháp ở mức cao nhất. Nhờ đó, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp và đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện không bị gián đoạn
Thiết lập “vùng xanh”
Để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhằm đạt mục tiêu trong mọi hoàn cảnh không để bị đứt gãy chuỗi sản xuất, vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội. Đến 12/8, huyện Hoài Đức đã có 102 “vùng xanh” do các xã, thị trấn lập. Trong “vùng xanh”, người dân được phép duy trì hoạt động sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo giãn cách và dưới sự giám sát, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ của chính quyền địa phương. Người nông dân không tiếp xúc với người khác, khi làm việc ngoài đồng, đảm bảo nguyên tắc “mỗi người dân trên 1 thửa rộng”.
|
Với giải pháp ''mỗi người dân trên một thửa ruộng'', nông dân xã Song Phương vẫn thu hoach rau màu trong những ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND TP |
Ngày 16/8, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, Chủ tịch UBND xã Song Phương Đỗ Văn Toàn cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 295ha đất nông nghiệp, trong đó 90ha là đất trồng cây ăn quả, cây cảnh và 195ha đất rau xanh. Hiện đang có khoảng 52ha rau xanh, với sản lượng khoảng 170 tấn đã và đang cho thu hoạch. Thực hiện chủ trương “mỗi người dân trên một thửa ruộng”, xã đã cấp thẻ ra đồng cho các hộ nông dân. Vì vậy, tuy vẫn thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của UBND TP về giãn cách xã hội; nhưng sản xuất nông sản của người dân không bị gián đoạn.
|
Người dân xã Song Phương vận chuyển rau quả đi tiêu thụ |
Để cung ứng, phân phối nông phẩm, xã cho phép các hộ có đủ điều kiện được đứng ra thu gom rau quả (tiêu thụ tại chợ Vạn, chợ đầu mối của địa phương). Ngoài ra, UBND xã còn thành lập Tổ điều phối nông sản (do một Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, thành viên là các trưởng thôn, giám đốc HTX Nông nghiệp, trưởng các đoàn thể, đoàn viên thanh niên trong xã tình nguyện tham gia vận chuyển, thu hoạch giúp người dân); chính vì thế, toàn bộ rau quả sản xuất ra trên địa bàn đều được tiêu thụ hết.
“Ngoài tiêu thụ nội huyện, rau xanh của Song Phương còn cung cấp cho các quận huyện như Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy. với giá cả không biến động nhiều so với trước thời điểm dịch bùng phát”- Chủ tịch UBND xã Song Phương Đỗ Văn Toàn nói tiếp.
|
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, nông sản ở Hoài Đức được vận chuyển bằng ô tô đến điểm tiêu thụ |
Tại xã Vân Côn, dù diện tích rau xanh lên tới 255ha, với sản lượng trung bình mỗi ngày khoảng trên dưới 10 tấn; nhưng đến thời điểm hiện tại, toàn bộ rau xanh sản xuất tới đâu, tiêu thụ hết tới đó. Ngoài rau xanh, xã Vân Côn còn có 14 nông trại chăn nuôi gia cầm (chim cút và gà đẻ), với sản lượng xấp xỉ 100.000 quả trứng các loại/ngày. Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ hết nông phẩm, chính quyền xã cũng đã thành lập Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con.
Với phương châm: Đoàn thanh niên giúp người dân thu hoạch sản phẩm, xã bố trí 4 xe tải, vận chuyển miễn phí rau quả, thực phẩm đến nơi tiêu thụ. “Từ khi thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP, bằng nhiều biện pháp, UBND xã đã giúp người dân tiêu thụ kịp thời các sản phẩm từ nông nghiệp; với giá cả ổn định. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, góp phần phòng chống dịch Covid -19”- Chủ tịch UBND xã Vân Côn Hoàng Văn Tuấn nói.
|
Nhãn là một trong những loại đặc sản của huyện Hoài Đức được thị trường ưa chuộng |
Với đặc điểm địa lý “nằm kẹp” giữa xã An Thượng (huyện Hoài Đức) và huyện Quốc Oai (cả 2 địa phương đều có dịch), nhưng đến thời điểm này, Vân Côn không xuất hiện ca F0, F1, F2. Toàn xã có tới hơn 15.000.000 nhân khẩu, với 5 thôn, hiện cả 5 thôn đều là “vùng xanh” an toàn; bởi đã được “khóa chặt” bằng 14 chốt trực và 135 người thay nhau túc trực ngày đêm. “Bằng nhiều biện pháp, chúng tôi quyết tâm không để dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn”- Chủ tịch UBND xã Vân Côn Hoàng Văn Tuấn cho biết tiếp.
|
Dù giãn cách xã hội, nhưng nông phẩm của Hoài Đức luôn được tiêu thụ kịp thời... |
Về huyện Hoài Đức trong những ngày này, trên đồng ruộng, người nông dân vẫn miệt mài sản xuất; trong công xưởng, nhà máy, công nhân vẫn làm việc đều đặn. Đường làng, ngõ xóm, trục lộ liên huyện, liên xã lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ trong tuần. Chỉ thị 17 của UBND TP vẫn được tuân thủ nghiêm; nhưng mạch sống vẫn tiếp diễn đều đặn.