Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ven biển Cà Mau chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 thì tại “đất mũi” Cà Mau, mưa dông, lốc xoáy và triều cường những ngày qua cũng đang gây thiệt hại đáng kể.

Thống kê đến sáng nay (7/8), thiên tai tại tỉnh Cà Mau đã làm 1 người chết, 1 người bị thương, hơn 560 căn nhà bị sập và tốc mái, hơn 1.800 căn nhà bị ảnh hưởng do triều cường dâng cao bất thường. Ước giá trị thiệt hại ban đầu hơn 22 tỷ đồng.
Máy xúc được huy động khắc phục sự cố đê biển (Ảnh: Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng, chống thiên tai)
Đặc biệt, do sóng lớn kết hợp triều cường dâng cao bất thường làm cho tuyến đê biển Tây thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 356m, khoét sâu vào thân đê và nguy cơ vỡ đê rất cao.
Trước diễn biến trên, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau và Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đi kiểm tra xử lý, hộ đê biển Tây đang bị sạt lở do triều cường, sóng lớn. Tính đến sáng nay (7/8), đã xử lý được 276/356m đê biển Tây bị sạt lở nguy hiểm nhất (đánh chìm 1 sà lan, xếp 10.000 bao tải đất phụ mái đê bị sạt lở, trải bạt 177m dọc mái đê phía biển, đóng 4.000 cọc cừ).
 Lực lượng hộ đê làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển (Ảnh: Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng, chống thiên tai)
Qua khảo sát thực tế, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho rằng, tỉnh Cà Mau cần ban bố tình trạng khẩn cấp để bảo vệ tuyến đê, bảo vệ vùng ngọt hóa ven biển. Theo ông Sơn, đây là đoạn đê đã bị mất rừng và bãi phía trước nên việc khôi phục lại bãi, trồng rừng ngập mặn cần thời gian dài. Do đó địa phương cần phải coi đây là điểm đặc biệt xung yếu về đê biển để có giải pháp hộ đê hiệu quả, đảm bảo an toàn ngay trong mùa bão năm nay và những năm sau.
Cùng với việc tăng cường gia cố bảo vệ chân và mái đê, tỉnh Cà Mau cũng phải triển khai ngay biện pháp chống tràn, đồng thời, chỉ đạo nhà thầu điều chỉnh bổ sung giải pháp phá sóng từ xa để tăng hiệu quả giảm sóng, gây bồi.