Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Venezuela chìm sâu trong khủng hoảng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Venezuela đang trong tình trạng tồi tệ nhất thế giới, với mức lạm phát ước tính lên đến 700%.

Tình trạng dầu trượt giá khiến chính phủ không còn đủ khả năng nhập khẩu lương thực cơ bản, đẩy nước này chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc.
Người dân Venezuela xếp hàng dài chờ mua các nhu yếu phẩm.
Người dân Venezuela xếp hàng dài chờ mua các nhu yếu phẩm.
Ngân hàng T.Ư Venezuela chỉ còn 11,9 tỷ USD dự trữ, giảm mạnh so với 30 tỷ USD năm 2011 trong khi còn một lượng lớn nợ sắp đáo hạn. Bắt đầu từ tháng 10 năm nay, Venezuela sẽ phải trả tổng cộng 4,7 tỷ USD. Các chuyên gia tài chính dự báo, Venezuela sẽ sớm không đủ tiền thanh toán trong vòng 2 năm tới và vỡ nợ trong năm 2017. Trong khi đó, ông Russ Dallen - Giám đốc Caracas Capital nhận định, chỉ trong vòng một năm, Venezuela sẽ cạn kiệt tiền mặt. Mặc dù các dự đoán về thời điểm Venezuela hết tiền khác nhau, các chuyên gia đều cho rằng, với tình trạng hiện nay, quốc gia Nam Mỹ này sẽ không đủ tiền thanh toán cho 2 năm tới. Venezuela là nước có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, giá dầu mất giá trong một thời gian dài đã khiến nước này không còn đủ năng lực tài chính cho các nhu yếu phẩm. Lượng nhập khẩu thực phẩm và thuốc men của Venezuela đã giảm 40 - 45% trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng khan hiếm hàng hóa khiến người dân liên tục tràn qua các nước lân cận để mua thực phẩm, thậm chí là cả giấy vệ sinh. Hồi đầu tháng trước, các phụ nữ từ thị trấn Urena, Venezuela đã phá vỡ hàng rào được lập nên bởi lực lượng cảnh sát quốc gia, tràn vào chợ và mua sắm ở TP Cucuta, Colombia, lùng sục giấy vệ sinh, bột mỳ, dầu ăn và các hàng hóa khác. Lý giải cho hành động liều lĩnh này, một phụ nữ Venezuela tuyệt vọng nói: "chúng tôi không có thức ăn, con em chúng tôi đang bị đói".

Trong khi đó, để giải quyết khó khăn, chính phủ buộc phải thực hiện chương trình đổi dầu lấy lượng thực, hàng hóa. Tuần trước, chính phủ Jamaica tuyên bố nước này sẽ cung cấp 4 triệu USD dưới dạng hàng hóa cho Venezuela và đổi lại bằng dầu. Đây không phải là quốc gia duy nhất thực hiện các giao dịch thương mại bằng dầu với Venezuela. Cách đây 9 năm, Trung Quốc đã cho Venezuela vay 65 tỷ USD và từ đó cho tới nay, trung bình mỗi ngày, PDVSA - tập đoàn dầu khí quốc doanh của Venezuela phải chuyển khoảng 579.000 thùng dầu cho Trung Quốc.

Cuộc sống của người dân tại quốc gia được mệnh danh là xứ sở của “hoa hậu” đang khó khăn đến mức người dân không dám sinh con vì sợ không thể đảm bảo được điều kiện chăm sóc tối thiểu cho đứa trẻ. "Nếu như trước đây, chỉ có phụ nữ thu nhập thấp, có từ 4 con trở lên, thì bây giờ, cả những phụ nữ mới có 1 hoặc 2 con cũng muốn kế hoạch hóa gia đình" - bác sĩ Deliana Torres ở vùng ngoại ô nghèo thủ đô Caracas nói. Trong khi chưa có thống kê cụ thể ở cấp độ quốc gia về dịch vụ đặt vòng, các bác sĩ và nhân viên y tế Venezuela cho biết, nhu cầu này đang ngày một nhiều lên. "Có con bây giờ có nghĩa là làm cho cuộc sống thêm chật vật” - bà mẹ một con Milagros Martínez ngồi trên ghế đá công viên nói. Quyết định này dự báo có thể đặt Venezuela vào một cuộc khủng hoảng trong tương lai khi thiếu hụt lực lượng lao động kế cận.