Đọc tiểu thuyết “Vết thương hoa hồng” vừa ra mắt của anh, độc giả không chỉ được chìm trong những câu văn đẹp, mà còn bị ám ảnh bởi những lớp nghĩa ẩn mà tác giả muốn truyền tải.
Tác phẩm chạm được vào những vấn đề đang nhức nhối của những miền quê đang thay đổi diện mạo từng ngày. Qua lăng kính của tác giả bất kỳ ai cũng sẽ thấy những thân phận và các vấn đề mới của nông thôn được miêu tả hết sức uyển chuyển và đau đớn. Nhân vật chính là Hoa - cô gái quê thông minh, xinh đẹp và đầy hoài bão, nhưng số mệnh nghiệt ngã lại đẩy cô đến một bi kịch. Để cuộc đời cô sau đó chìm vào nỗi bất hạnh với một vết thương kỳ dị trên khuôn mặt. Hình ảnh vết thương như rễ cây không thể chữa trị trên mặt là nỗi ám ảnh xuyên suốt không chỉ gây đau khổ cho cô và gia đình, mà còn là nỗi ám ảnh của cả dân làng. Những con người chân chất chỉ mong yên ổn cấy cầy trên đồng ruộng của mình thật đáng thương trước những kẻ có quyền thế tham lam. Hai mẹ con bà Nắng, cái Vẹt phải bỏ xứ đi; anh Tõn cũng phải tha hương kiếm sống chỉ vì có khả năng dị biệt hơn người…
Xuất thân từ làng quê, nhà văn Nguyễn Văn Học có những am hiểu và đồng cảm với nỗi cơ cực của những người nông dân một nắng hai sương. Bằng cái nhìn của một nhà văn, anh đã viết một câu chuyện đầy tính dự báo về nông thôn và quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Ở đó, những thiết chế và phong tục làng quê còn lại bao nhiêu khi các ống khói nhà máy bao trùm lên lũy tre làng, khi lòng tham của con người là vô hạn? Chi tiết cơn bão cuối truyện là sự giận dữ của mẹ thiên nhiên trước sự tàn ác của con người. Những hàng cây mà Hoa chăm sóc vẫn nảy mầm xanh tốt sau cơn bão là một gợi ý về sự ăn năn và hàn gắn vết thương của những con người biết quý trọng giá trị thực của cuộc sống. Con người phải chăng không chỉ chú ý chữa lành vết thương cho bản thân, mà còn phải có trách nhiệm cải tạo thiên nhiên để lưu giữ được những gì tốt đẹp cho cuộc sống mai sau.