VFTE 2022: Ngành công nghệ có sứ mệnh mở đường

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022) diễn ra vào sáng nay 8/12. 

Nâng cao giá trị Make in Viet Nam

Với lần thứ 4 được tổ chức, Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE 2022) là chương trình thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì. Đây là sự kiện tạo không gian gặp gỡ, trao đổi giữa các doanh nghiệp công nghệ và cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm nhận diện cũng như đề xuất giải quyết các vấn đề trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam.

Với chủ đề năm nay là "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, VFTE 2022 hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép: Phát triển đồng bộ 3 trụ cột - Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu. 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, trong lần đầu tiên VFTE được tổ chức vào năm 2019, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, đó là Make in Viet Nam – “Nghiên cứu tại Việt Nam, Sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long khai mạc diễn đàn. 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long khai mạc diễn đàn. 

Tại các lần VFTE tiếp theo, Việt Nam đã xác định, không Make in Viet Nam thì không thể trở thành nước phát triển, không Make in Viet Nam thì không thể đi ra thế giới, không Make in Viet Nam thì không thể tự cường, không Make in Viet Nam thì không thể hùng cường thịnh vượng. Đồng thời, đặt ra các bài toán chuyển đổi số Quốc gia cần giải và sứ mệnh của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc xây dựng các nền tảng chuyển đổi số Quốc gia. 

Với quyết tâm đó, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp trên 70.000. Xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt khoảng 136 tỷ USD. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia và đổi mới sáng tạo.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng của công nghệ số, dữ liệu số, dựa trên ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tiếp tục bắt kịp những chuyển dịch này để có những khởi tạo mới định hướng cho tương lai. Không chỉ lĩnh lấy sứ mệnh chuyển đổi số quốc gia mà còn đi ra toàn cầu.

Chúng ta hoàn toàn có thể tự tin với các sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam, nhiều cái tên đã tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, dần vươn ra thị trường quốc tế. Có thể kể đến như hệ thống giám sát sâu rất thông minh của Rynan, hiện mạng lưới đã lắp đặt trên 13 tỉnh ĐBSCL. Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ được lắp đặt 100 hệ thống tại thị trường Nhật Bản.

"VFTE 2022 là cơ hội để doanh nghiệp tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển cộng đồng công nghệ số Việt Nam bền vững, làm chủ thị trường trong nước và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu", Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ.

Chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đã xác định rất rõ, đó là muốn đất nước đến 100 năm thành lập (2045) trở thành nước công nghiệp phát triển, có một cuộc sống hoà bình, an toàn, văn hoá và một nền sản xuất hiện đại thì chúng ta phải làm rất nhiều việc phi thường. Và công nghệ số chính là lời giải.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt kỳ vọng vào doanh nghiệp công nghệ số.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt kỳ vọng vào doanh nghiệp công nghệ số.

"Thị trường trong nước vẫn còn "mênh mông" còn thị trường nước ngoài càng "vô tận". Chúng ta cần làm cùng nhau, đặt ra bài toán thật cụ thể, làm đến cùng, làm xong thì đừng để người dùng bận tâm và nghi ngờ. Ngành công nghệ thông tin phải được giao sứ mệnh mở đường trong thời đại mới, doanh nghiệp công nghệ là một trong các lực lượng quyết định Việt Nam có đi nhanh được không?", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng đưa ra 3 vấn đề cần giải quyết. Đầu tiên là phải thay đổi thể chế. Bên cạnh đó, phải tập trung hơn vào nhân lực, nếu vẫn duy trì những quy định đào tạo như trước đây, chúng ta sẽ không thể đào tạo ra một triệu nhân lực công nghệ thông tin. Không những thế, phải tìm ra cái gì mới, còn dư địa thay vì chỉ tập trung với những gì thế giới đang làm.

Cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt 

Tại phiên thảo luận của VFTE 2022, Chủ tịch tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính cho rằng, kinh tế số thế giới có quy mô lớn nhưng mới chỉ ở mức tiềm năng và đây là cơ hội của Việt Nam. Trong 12 nền kinh tế được chọn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam, mới chỉ khai thác thành công 30% tiềm năng của nền kinh tế số vào năm 2021.

Chủ tịch tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính chia sẻ góc nhìn về kinh tế số. 
Chủ tịch tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính chia sẻ góc nhìn về kinh tế số. 

Cụ thể, quy mô kinh tế số là 586 tỷ USD vào năm 2021 và vẫn còn 1,4 nghìn tỷ USD lợi ích tiềm năng chưa được khai thác. Tại Việt Nam, kinh tế số đóng góp 10% GDP, dự đoán đến 2030, quy mô kinh tế số đạt 3 nghìn tỷ USD.

Hiện tại, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái công nghệ, là quốc gia trẻ, có năng lực công nghệ, nền giáo dục công nghệ tốt. Bên cạnh đó là có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, chỉ số sẵn sàng của Việt Nam đang ở mức tiềm năng, đại diện CMC chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Chính, để phát triển kinh tế số tại Việt Nam, cần coi hạ tầng Cloud (đám mây) là hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số. Do đó, cần có chính sách ưu tiên ưu đãi cao nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này như đất đai, thuế, vốn, thủ tục nhanh...  Ngoài ra, cần có các chính sách cần khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nước, có thể theo hình thức đặt hàng sử dụng. Việc phát triển nguồn nhân lực số cũng cần có chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo đẩy mạnh đào tạo số, xây dựng đại học số giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Cần xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực tham gia đầu tư vào hạ tầng kinh tế số, xây dựng nền tảng ứng dụng số, cung cấp dịch vụ số đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ số toàn cầu", Chủ tịch Tập đoàn CMC khẳng định.

Lễ trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam.
Lễ trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam.

Về phía FPT, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa đã chia sẻ về câu chuyện tiến ra quốc tế của Tập đoàn này khi bắt đầu tiến ra quốc tế hơn 23 năm về trước. Theo đó, tại thời điểm 1999, FPT đã chọn con đường toàn cầu hóa để đúc rút kinh nghiệm, phục vụ nước nhà. Tuy nhiên, ngay từ lúc khởi đầu đã gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thất bại bởi khi đó năng lực công nghệ của Việt Nam còn yếu, chưa được thế giới biết đến.

Tuy nhiên, với những nỗ lức bền bỉ tại thị trường Nhật Bản với lĩnh vực phần mềm, FPT đã có hợp đồng đầu tiên vào năm 2005 và không ngừng phát triển cho đến hiện tại. Tại châu Âu, FPT cũng đang hợp tác với doanh nghiệp ô tô lớn để tối ưu toàn bộ quy trình sản xuất hay bắt tay cùng công ty điện lực để triển khai giải pháp quản lý điện gió.

Theo Tổng Giám đốc FPT, để phát triển công nghệ số Việt Nam phục vụ nhu cầu trong nước và tiến ra nước ngoài thì yếu tố quan trọng nhất là cần có cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số. Cần có các bài toán lớn về số hóa cũng như thúc đẩy ngoại giao trong lĩnh vực công nghệ để doanh nghiệp Việt có cơ hội tiến ra quốc tế.

 

Điểm nhấn của diễn đàn là giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam, tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam. Để vào vòng bình chọn và sơ loại cũng như chung kết, các doanh nghiệp phải chứng minh được những giá trị thực tế lớn đã mang lại cho người tiêu dùng, cộng đồng. Các sản phẩm tranh tài ở 4 hạng mục có giải cao nhất được trao cụ thể là: Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số thuộc về Nền tảng quản trị tài chính nhà nước Fingov của Công ty MISA; Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số thuộc về Nền tảng điện toán đám mây smart Cloud của FPT Cloud; Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số thuộc về Nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine Covid-19 của Viettel; Sản phẩm số tiềm năng thuộc về Giải pháp phân tích định lượng chất thải hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản của Công ty Rynan Technologics Vietnam...