Vì cái Tết an toàn

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề. Tết là dịp để mọi người dân Việt Nam trở về sum họp bên gia đình, người thân.

Tết cũng là thời điểm để mỗi người đi chúc họ hàng, anh em một mùa Xuân mới nhiều tài lộc. Tết còn là lúc các gia đình dẫn nhau đi du Xuân lấy may đầu năm. Và với biết bao hoạt động sôi nổi như thế, Tết còn mang tới nhiều mối lo về trật tự, an toàn giao thông trên mọi cung đường.

Để mọi người dân đón một cái Tết an toàn, đầm ấm nhất, ngay từ lúc này, các lực lượng chức năng trên cả nước đã và đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Đơn cử như tại TP Hà Nội, nhằm bảo đảm trật tự, ATGT phục vụ Nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thanh tra Sở GTVT TP sẽ bố trí lực lượng chốt trực phân luồng tại 44 vị trí với tổng cộng 116 cán bộ, thanh tra viên mỗi ngày. Tại 30 quận, huyện, thị xã, các đội Thanh tra GTVT bố trí một tổ công tác ứng trực trong 2 khung giờ (sáng từ 6 giờ đến 8 giờ và chiều tối từ 17 giờ đến 19 giờ) để sẵn sàng xử lý các vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, ATGT và kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, UBND TP đã yêu cầu Ban ATGT địa phương tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn và kiến thức phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia giao thông cho người dân. Lực lượng chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự, ATGT trong dịp Tết. Các địa phương khác cũng đã và đang tổ chức những cuộc ra quân rầm rộ để tuyên truyền pháp luật về ATGT cũng như triển khai biện pháp đảm bảo trật tự, ATGT dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2022. Tất cả đều đã sẵn sàng cho một cái Tết cổ truyền an toàn, tươi vui nhất.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cũng là thời điểm gần tròn một tháng Nghị định 123/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Đây là hành lang pháp lý tăng cường có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ và đường sắt. Với Nghị định 123, nhiều hành vi vi phạm giao thông bị tăng nặng chế tài xử phạt hơn rất nhiều so với quy định trong Nghị định 100/2019 trước đó.

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng chế tài xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông được quy định trong nghị định mới là cần thiết để tăng tính răn đe. Trong đó phải kể tới hành vi điều khiển phương tiện quá tốc độ, chở quá người cho phép, không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông... Đặc biệt với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vốn luôn là chủ đề nóng mỗi dịp lễ, Tết trong nhiều năm qua. Vẫn biết thói quen sử dụng rượu, bia ngày Tết ở nhiều địa phương không thể thay đổi trong "một sớm một chiều", nhưng phải được thay đổi để đảm bảo an toàn cho người thân, cho gia đình và cho chính người điều khiển phương tiện.