Vì lợi ích người lao động

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đổi mới để làm tốt hơn nữa vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, chính sách về tiền lương, BHXH, môi trường làm việc và học tập... Đẩy mạnh chương trình phúc lợi đoàn viên Công đoàn để cụ thể hóa việc thực hiện lợi ích vật chất, tinh thần, lợi ích chính trị cho người lao động, nhất là vấn đề nhà ở, chăm sóc sức khỏe. Đó là những vấn đề được đặt ra tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII và cũng là tâm tư của hơn 10 triệu đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động.

 Đoàn Chủ tịch điều hành phiên khai mạc Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
Từ những kết quả thực tế có thể thấy rằng, những năm qua, phương châm “Hướng về cơ sở”, “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” tại các cấp Công đoàn cả nước thực sự không còn là khẩu hiệu, với hàng loạt chương trình, phần việc, từ T.Ư đến các địa phương. Các cấp Công đoàn đã theo sát người lao động (NLĐ) trong việc làm, thu nhập, mọi mặt đời sống. Các tâm tư nguyện vọng chính đáng của NLĐ đã được nắm bắt để kiến nghị thực thi.
Từ việc hỗ trợ, phối hợp xây dựng chính sách đến triển khai các chương trình thực tế như “Tháng công nhân”, “Mái ấm Công đoàn”… đã hỗ trợ hàng trăm nghìn NLĐ khó khăn có điều kiện vươn lên. Các thiết chế Công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng; các trung tâm văn hóa thể thao, chăm sóc y tế… ra đời đã góp phần mang lại cho NLĐ đời sống tinh thần phong phú hơn.
NLĐ đã được tiếp cận nhiều hơn với các chính sách, cơ chế liên quan để họ có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình. Các cuộc gặp gỡ giữa đại diện công nhân và người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, người sử dụng lao động được tổ chức đều đặn, rộng khắp đã kéo gần hơn khoảng cách và giải tỏa những bức xúc.
Từ những tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên Công đoàn, NLĐ gửi tới Đại hội cũng cho thấy, đời sống của một bộ phận không nhỏ NLĐ đã bớt khó khăn. Những nhu cầu thiết yếu, quan trọng nhất của NLĐ hiện nay là thu nhập ổn định, có nhà ở, đào tạo nâng cao trình độ để bắt kịp với tiến bộ khoa học hiện đại… dù đã được quan tâm, nhưng vẫn còn không ít thách thức. Ngay vấn đề nhà ở, dù đã có chính sách xã hội hóa, nhưng số lượng NLĐ được ở trong các khu nhà do Nhà nước và DN xây dựng vẫn ít, dẫn đến hàng loạt khó khăn, thiếu thốn khác mà NLĐ rất muốn Công đoàn trợ sức.
Trước một nhiệm kỳ mới của tổ chức Công đoàn Việt Nam, NLĐ vẫn hi vọng, từ T.Ư xuống địa phương, các tổ chức Công đoàn sẽ thực sự đi vào từng ngóc ngách trong đời sống công nhân lao động, để hiểu hơn những điều họ thực sự cần, góp phần giải quyết và phúc đáp thấu đáo hơn những mong mỏi chính đáng của bộ phận lao động quan trọng trong xã hội này.
Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Công đoàn là tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ, lấy nhu cầu hợp pháp, chính đáng của tập thể công nhân, viên chức, NLĐ làm một cơ sở hoạt động; lấy việc đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, viên chức, NLĐ làm một mục tiêu hoạt động. Từ đó, chú trọng phương thức đối thoại, thương lượng tập thể và xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ”.
NLĐ cũng mong muốn, Công đoàn sẽ tiếp tục tham mưu nhiều hơn nữa để có được những cơ chế, chính sách đủ mạnh để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, cũng là “cái gậy” để người làm Công đoàn đấu tranh, giám sát. Và trên hết, rất cần người cán bộ Công đoàn có nghiệp vụ, bản lĩnh, mạnh dạn kiến nghị và không bao giờ được quan liêu, xa rời cơ sở.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần