Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì một Cộng đồng ASEAN “lấy người dân làm trung tâm”

Linh Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân các quốc gia ASEAN nhận được rất nhiều lợi ích thực tiễn từ cộng đồng, giúp cải thiện đời sống kinh tế và các mặt của xã hội.

Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN (với ba trụ cột là Cộng đồng an ninh – chính trị, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa – xã hội) là dấu mốc quan trọng thể hiện sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN, định ra hướng phát triển mới nhằm liên kết chặt chẽ và sâu sắc hơn nữa các nước thành viên với nhau. Cụ thể, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nâng tầm mục tiêu đưa ASEAN trở thành cộng đồng “lấy người dân làm trung tâm và hướng đến người dân”. Người dân các quốc gia ASEAN nhận được rất nhiều lợi ích thực tiễn từ cộng đồng, giúp cải thiện đời sống kinh tế và các mặt của xã hội. Cụ thể:

Cộng đồng ASEAN gồm 3 trụ cột nhằm liên kết chặt chẽ và sâu sắc các thành viên. Nguồn: ASEAN
Cộng đồng ASEAN gồm 3 trụ cột nhằm liên kết chặt chẽ và sâu sắc các thành viên. Nguồn: ASEAN

Về an ninh - chính trị, Cộng đồng an ninh - chính trị (APSC) có mục tiêu tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển thông qua hợp tác kiến tạo một nền an ninh toàn diện ở khu vực. Một Cộng đồng ASEAN có lòng tin chính trị sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong giải quyết các thách thức chung, góp phần tạo ra một khu vực thống nhất, an toàn, hòa bình và gắn kết. Người dân cũng cảm thấy an toàn hơn vì có sự hợp tác giữa các nước ASEAN trong các vấn đề ANPTT như phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống thiên tai, dịch bệnh,...

Nhằm hỗ trợ người dân giải quyết các vấn đề ANPTT, các cơ chế như Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong xử lý thảm hoạ (AHA) đã phát huy vai trò của mình. Ví dụ, trong xung đột Myanmar, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Campuchia đã cùng với Nhóm Công tác Myanmar đã tổ chức tham vấn hỗ trợ nhân đạo của ASEAN cho Myanmar (5/2022). Sau khi đạt được đồng thuận, nhóm Công tác về Myanmar và Trung tâm AHA đã thúc đẩy việc tiếp cận giao đồ cứu trợ cũng như vaccine phòng COVID-19 tới người dân Myanmar. 

Về kinh tế, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đặc biệt nhấn mạnh người dân với tư cách là đối tượng thụ hưởng. Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là động lực to lớn thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế của các quốc gia thành viên, từ đó, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

ASEAN có những thỏa thuận và hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA),... Qua đó, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư có thể tự do luân chuyển trong nội khối với mức độ tự do hóa thuế quan lên tới khoảng 98 - 99%. Không chỉ tăng cường hợp tác kinh tế nội khối, khuôn khổ của AEC cho phép người dân và doanh nghiệp trong ASEAN liên kết kinh tế sâu rộng với các đối tác bên ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Mỹ, EU,...

Sự phát triển năng động của nền kinh tế khu vực đem lại cho người dân thêm nhiều cơ hội kinh doanh. Các doanh nghiệp và cá nhân có cơ hội tăng cường xuất khẩu và mở rộng hợp tác kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Người dân cũng được tiếp cận và mua sắm các hàng hóa đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng với giá cả hợp lý từ các nước trên thế giới. 

Cộng đồng ASEAN kết nối người dân khu vực, xây dựng bản sắc ASEAN. Nguồn: ASEAN
Cộng đồng ASEAN kết nối người dân khu vực, xây dựng bản sắc ASEAN. Nguồn: ASEAN

Về văn hóa - xã hội, Cộng đồng Văn hoá - xã hội ASEAN (ASCC) có nhiệm vụ chính yếu trong việc xây dựng Cộng đồng lấy con người làm trung tâm, với mục tiêu quan trọng nhất là thúc đẩy tiến bộ xã hội và xây dựng bản sắc ASEAN. Thông qua các hoạt động hợp tác thuộc khuôn khổ ASCC, chất lượng cuộc sống và an ninh người dân các nước được đảm bảo hơn trong các lĩnh vực giáo dục, môi trường, y tế, phúc lợi xã hội, lao động và việc làm,...

Hiện nay, ASEAN có Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN), trong đó có hơn 30 trường đại học từ 10 quốc gia ASEAN, cho phép sinh viên đăng ký trao đổi các khóa học tại các trường khác nhau. Bên cạnh đó, người dân có cơ hội học tập, giao lưu, nâng cao trình độ ở phạm vi bên ngoài quốc gia thông qua các chương trình học bổng và trao đổi sinh viên.

Ngoài ra, Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) hỗ trợ việc công nhận các trình độ giáo dục và kỹ thuật giữa các nước ASEAN tham gia. Điều này giúp nguồn nhân lực và lao động giữa các nước tự do di chuyển trong khu vực, từ đó, mở rộng cơ hội việc làm cho người dân các nước.

Các cơ chế hợp tác, giao lưu văn hóa nghệ thuật tạo điều kiện để người dân càng gắn bó với nhau hơn, nâng cao hiểu biết về các nền văn hóa trong ASEAN. Việc thường xuyên trao đổi văn hóa giữa các nước ASEAN giúp người dân vừa mở rộng hiểu biết, vừa từng bước hình thành ý thức trở thành thành viên của Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh đó, các quyền phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các nhóm yếu thế luôn được quan tâm, thúc đẩy và bảo vệ.

Nhân dân tất cả các nước ASEAN đều có quyền cơ bản được tham gia và làm chủ nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như định hình sự phát triển của chủ nghĩa khu vực. Người dân có thể đóng góp nhằm thúc đẩy Cộng đồng ASEAN qua một số nội dung sau:

            Nâng cao nhận thức và tích cực thực hiện các nhiệm vụ của Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy chủ nghĩa khu vực. Nhân dân các nước có thể tuyên truyền rộng rãi về tầm quan trọng của ASEAN; đoàn kết với những dân tộc khác để ASEAN trở thành một khối thống nhất. Một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả người dân trong khu vực cảm nhận được sự hiện hữu của Cộng đồng, nhận thức được sự gắn bó với Cộng đồng và ý thức được mình là thành viên của Cộng đồng ASEAN.

           Chung tay giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống (ANPTT). Người dân, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề ANPTT thông qua việc hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ phương pháp.

            Ngoài ra, trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh sẽ dần thể chế hóa việc tham vấn người dân trong tất cả các khâu hoạch định chính sách, bảo đảm tốt hơn sự tham gia cũng như lợi ích sẽ mang lại cho người dân trong tiến trình xây dựng Cộng đồng.  Sự tham gia trên tinh thần trách nhiệm của người dân sẽ giúp gắn kết nhân dân với nhân dân, quốc gia với quốc gia và quốc gia với Cộng đồng, góp phần tạo nền tảng cho một bản sắc chung ASEAN đậm đà và bền vững.

            Như vậy, Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 lấy người dân làm trung tâm trong mọi sáng kiến, chính sách và trên từng bước đi xây dựng Cộng đồng. Người dân vừa là đối tượng thụ hưởng và có trách nhiệm đóng góp vào thành công của Cộng đồng, là nhân tố quan trọng nhằm thúc đẩy tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, hướng ASEAN trở thành tổ chức khu vực thành công nhất.