Vì một thế giới hòa bình và an toàn hơn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 26/3, các nhà lãnh đạo hàng đầu của 53 quốc gia cùng lãnh đạo cấp cao của 4 tổ chức quốc tế đã có mặt tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) tham gia Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân toàn cầu (NSS) lần thứ 2 với khẩu hiệu “Vì một thế giới hòa bình và an toàn hơn nữa”.

Cách đây gần hai năm, tại NSS lần thứ nhất, 47 quốc gia đã thông qua tuyên bố nhất trí coi khủng bố hạt nhân là một trong những thách thức đối với an ninh toàn cầu và các biện pháp bảo mật hạt nhân là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn nó. Tuy đã đạt được một số bước tiến nhất định như Chile giao nhiên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí cho Mỹ, Kazakhstan di chuyển nhiên liệu đã qua sử dụng tới một địa điểm an toàn và Ukraine hoàn thành việc loại bỏ tất cả các cơ sở làm giàu uranium mức độ cao. Nhưng thực trạng trên toàn thế giới hiện có hơn 1.600 tấn uranium làm giàu với nồng độ cao và 500 tấn plutonium, đủ để chế tạo khoảng 126.500 đầu đạn hạt nhân cùng hàng nghìn vụ rò rỉ, mất cắp chất phóng xạ đã trở thành nguy cơ đe dọa hòa bình và ổn đinh trên toàn cầu. Chính vì thế, NSS 2 tại Seoul với quy mô lớn được kỳ vọng là một “bước đệm” để chuyển các cam kết được thông qua tại Hội nghị năm 2010 thành hành động. NSS 2 còn là cơ hội để lãnh đạo các nước thảo luận và đạt được một tầm nhìn chung về những biện pháp tăng cường an ninh, an toàn hạt nhân trong tình hình mới; đồng thời tạo điều kiện để các nước, nhất là các nước đang phát triển tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp cận công nghệ tiên tiến trong sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tới Seoul sáng 26/3 dự NSS 2 nhằm khẳng định chính sách nhất quán về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình đồng thời quảng bá các nỗ lực, biện pháp mà nước ta đã thực hiện sau NSS 1 trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân. Các hoạt động tích cực, chủ động của đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị sẽ góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của các nước đi đầu trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh Triều Tiên tuyên bố kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất vào trung tuần tháng 4 tới, vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng đã trở thành chủ đề nóng trong chương trình nghị sự của NSS và các cuộc gặp song phương cấp cao. Lãnh đạo các nước đều có chung quan điểm phản đối và kêu gọi Bình Nhưỡng hủy bỏ kế hoạch trên. Ngoài vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Iran, sự an toàn của các cơ sở hạt nhân đã trở thành nội dung quan trọng được các đại biểu thảo luận sau khi cuộc khủng hoảng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản kéo dài từ tháng 3/2011 đã gây lo ngại cho các quốc gia có điện hạt nhân.

Theo kế hoạch, NSS 2 sẽ kết thúc vào hôm nay 27/3 với Tuyên bố Seoul gồm 11 điểm, trong đó bao gồm các biện pháp hành động cụ thể để ngăn chặn khủng bố hạt nhân như việc tối thiểu hoá tàng trữ và sử dụng nguyên liệu hạt nhân nguy hiểm như uranium giàu (HEU) và plutonium (Pu), tăng cường hệ thống bảo vệ cho các cơ sở hạt nhân, ngăn chặn buôn bán trái phép nguyên liệu hạt nhân... Đặc biệt, việc quan chức Năng lượng Mỹ, Bỉ, Pháp và Hà Lan ngày 26/3 ký kết thỏa thuận 4 bên nhằm giảm thiểu việc làm giàu uranium trong sản xuất chất đồng vị y tế molybdenum-99 đã đánh dấu thành công bước đầu của NSS 2.

 

* Bên lề NSS 2 đã diễn ra hơn 200 cuộc họp song phương và đa phương của lãnh đạo các nước.

* Tuy lãnh đạo cấp cao của Hà Lan, Romania, và Nigeria không thể tham dự NSS 2 do các vấn đề khẩn cấp trong nước nhưng lần này được ghi nhận là Hội nghị thượng đỉnh an ninh quy tụ đông nguyên thủ quốc gia nhất.

* NSS 3 (2014) sẽ được tổ chức tại Hà Lan.