Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Vị ngọt” kinh tế số

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Kinh tế số là lựa chọn tất yếu, là tương lai đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Với Việt Nam, đây là chìa khóa đưa đất nước trở thành nước phát triển vào năm 2045, cũng là biện pháp tối ưu nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Công nghệ kỹ thuật số đã làm mới mô hình kinh doanh của Rạng Đông. Ảnh: Hải Thanh
Công nghệ kỹ thuật số đã làm mới mô hình kinh doanh của Rạng Đông. Ảnh: Hải Thanh

Lựa chọn tất yếu

Nhận thức tầm quan trọng của kinh tế số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Nghị quyết đề ra 08 chủ trương, chính sách để chủ động tham gia CMCN 4.0 và đặt ra nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2025 - 2045, trong đó có đưa ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”.

Chia sẻ về mô hình chuyển đổi số được coi là thành công tại DN của mình, Phó Tổng Giám đốc Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn kết cho biết: Ở Rạng Đông, lãnh đạo công ty luôn xác định trong thế giới biến động hiện nay, chỉ có một con đường duy nhất để tiếp tục tiến lên phía trước, tiến một cách bền vững và đột phá, đó là nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số. Để dựa trên sức mạnh của công nghệ số, sức mạnh của thời đại, Rạng Đông đã chuyển đổi từ một DN sản xuất truyền thống tiền Internet trở thành công ty công nghệ cao, công ty công nghệ số.

 

Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh:
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia kinh tế số
Chính phủ cần quán triệt quan điểm “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” và thực hiện có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây chính là điều kiện thiết yếu để tạo ra một môi trường thuận lợi, giúp cho DN tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số.
Đẩy nhanh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, phát huy tính tiên phong của DN công nghệ thông tin trong nghiên cứu, phát triển, làm chủ kỹ thuật số là nội dung quan trọng. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực theo xu hướng số hóa như năng lượng tự động, hệ thống giao thông vận tải; đào tạo từ xa, quản lý giảng dạy và học tập trực tuyến; quản lý hồ sơ bệnh án, điều trị bệnh trực tuyến; hệ thống quản lý nông - lâm - ngư nghiệp từ xa, thương mại điện tử được chuyển đổi số…

Gần 4 năm tiến hành chuyển đổi số với hành trình tái cấu trúc chiến lược sản phẩm và chuyển đổi mô hình kinh doanh, Rạng Đông đã bổ sung những nội dung ý nghĩa mới vào một thương hiệu quốc dân. Đó là một Rạng Đông hợp thời đại, tiên phong dẫn dắt, đi đầu trong ngành chiếu sáng ở Việt Nam và tham vọng trở thành thương hiệu được ghi nhớ trong khu vực, bước ra thị trường quốc tế; một Rạng Đông gắn liền với thông minh – Smart.

Từ điển hình của Rạng Đông, nhìn rộng ra cộng đồng DN, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế số là một yêu cầu khách quan, bắt buộc phải áp dụng công nghệ số vào trong tất cả các hoạt động. Trong thời gian qua, DN nào áp dụng chuyển đổi số sớm và lựa chọn phương thức phù hợp thì DN đó gặt hái được thành công. Thông qua các nhà phân phối lớn trên nền tảng thương mại điện tử, doanh số và doanh thu của các DN đã đạt sự tăng trưởng đáng kể.

Trên thực tế, chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như: thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Theo Báo cáo nền kinh tế số 2022 do Google và Temasek thực hiện, với tốc độ tăng trưởng đạt hai con số trong giai đoạn 2019 - 2022, kinh tế số tại Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, là một trong ba quốc gia phát triển kinh tế số hàng đầu khu vực.

Động lực tăng trưởng kinh tế

Dựa trên công nghệ và nền tảng số, nền kinh tế số thực sự đã mang lại vị ngọt cho DN, cũng như nền kinh tế nói chung. Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Thực tế, qua hơn 3 năm nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 chính là cơ hội cho kinh tế số phát triển và tạo nên những đột phá mang tính cộng đồng, tăng khả năng kết nối thông qua các giao dịch điện tử, ứng dụng thông minh. Các hình thức giao dịch trực tuyến thông qua các trang điện tử xuất hiện cùng với các ứng dụng tiện ích có khả năng kết nối cao vào tất cả các lĩnh vực của kinh tế, văn hóa, đời sống như: kê khai thuế, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn qua ngân hàng, mua bán hàng online, giao hàng và thực phẩm tận nhà…

 

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Ao Vua Nguyễn Mạnh Thản:
Xây dựng văn hóa
trong kinh doanh
Trong giai đoạn hiện nay, DN đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Đó là những khó khăn về thị trường; sức mua yếu khi người dân tập trung tiêu dùng các sản phẩm thiết yếu; môi trường đầu tư cơ chế chính sách. Chính phủ áp dụng công nghệ số tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN nhưng đâu đó vẫn còn những hạn chế. Chuyển đổi số hiện là công cụ, phương tiện nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, quan trọng nhất là xây dựng văn hóa DN.
Đây là nền tảng cho DN phát triển bền vững, là cơ sở để DN huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài. Nếu không tạo dựng nền tảng văn hóa, DN khó phát triển. Song song đó, cần phát triển văn hóa thực thi trong các cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức; hoàn thiện thể chế chính sách, quy định pháp luật liên quan tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho DN sản xuất kinh doanh.

Kinh tế số mang đến những trải nghiệm tiện ích cho người dân, khi thực hiện các giao dịch diễn ra nhanh hơn, ít tốn kém hơn, nhất là các giao dịch có liên quan đến thủ tục hành chính, giảm tối đa các khoản chi phí phát sinh. Đáng chú ý, công nghệ số đã đặt người sử dụng công nghệ, thiết bị thông minh trở thành trung tâm, đưa người tiêu dùng trở thành người có quyền khi tham gia đánh giá sản phẩm và đề xuất ý kiến trên các trang bán hàng.

Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh nêu quan điểm, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế số của Việt Nam đang trên đà phát triển, tạo ra những mô hình kinh doanh phi truyền thống, từ việc đăng ký kinh doanh, sử dụng hóa đơn điện tử cho đến bán lẻ trực tuyến, bất động sản hay ngân hàng. Ngay trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết trong những năm gần đây cũng có chương riêng về thương mại điện tử.

Trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết không đánh thuế xuất nhập khẩu đối với việc truyền dẫn điện tử; không phân biệt đối xử giữa các sản phẩm kỹ thuật số tương tự nhau và cam kết thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký số và tôn trọng quyền tự do thỏa thuận phương thức chữ ký số… tạo điều kiện cho DN làm ăn thuận lợi hơn.

Nắm bắt cơ hội phát triển từ kinh tế số, ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trên các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán trung gian trên nền tảng công nghệ QR Code hay ví điện tử, các giải pháp ngân hàng điện tử.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, dự báo trong những năm tới, kinh tế số tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là sự đồng thuận, hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng DN; cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thông ngày càng hoàn thiện; dân số trẻ và tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, internet và mạng xã hội rất cao…
Với tốc độ tăng trưởng cao, năm 2022 kinh tế số đã đóng góp 14,26% GDP. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu kinh tế số đóng góp 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52 - NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN lần thứ tư.

 

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp:
Cần cơ chế khuyến khích
Chuyển đổi số là cơ hội, là bước ngoặt cho tất cả các ngành nghề kinh doanh và với DN nhà thầu cũng không ngoại lệ. Góp phần quản lý về tài chính, quản lý về thiết kế, quy hoạch, quản lý về nhân lực, quản lý về dự án, quản lý về vật tư, vật liệu đầu ra, đầu vào chặt chẽ hơn, đối với cả người quản lý và người sử dụng.
Nhờ công nghệ số, các đơn vị có thể quản lý thiết kế giữa chủ đầu tư với nhà thầu và các thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, tiết kiệm được rất nhiều vật tư, nhân lực. Nhưng để thực hiện được thì cũng cần kinh phí rất lớn, thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu đầu vào, kết hợp với chủ đầu tư, tức là chủ đầu tư và nhà thầu có cần có sự đồng bộ với nhau. Đây không phải là điều có thể thực hiện được một cách dễ dàng.
Vì vậy, để hỗ trợ DN số hóa, cần có những chính sách khuyến khích ưu tiên như tiếp cận vốn ưu đãi, cần phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng số; đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý hồ sơ cũng cần có những quy định rõ ràng hơn về tính pháp lý. Cụ thể, với các hồ sơ đã được số hóa thì có được công nhận, có tính pháp lý hay không. Kiến nghị cần có những chính sách, cơ chế rõ ràng trong quản lý hồ sơ qua mạng, đấu thầu qua mạng, cũng như chính sách chuyển đổi số cho DN nhà thầu.