Vi phạm lĩnh vực báo chí, trang Vietgiaitri bị phạt 40 triệu đồng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hành vi trích đăng bài từ các cơ quan báo chí mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, trang Vietgiaitri bị xử phạt 40 triệu đồng.

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hồ Chí Minh vừa xử phạt Công ty TNHH Truyền thông Việt Hoàng, đơn vị sở hữu trang thông tin vietgiaitri.com với số tiền 40 triệu đồng vì vi phạm hoạt động lĩnh vực báo chí.

Giao diện của trang tin Vietgiaitri.com.
Giao diện của trang tin Vietgiaitri.com.

Nguyên nhân từ việc công ty này đã trích đăng bài từ cơ quan báo chí mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trên trang thông tin điện tử tổng hợp: vietgiaitri.com và thực hiện không đúng việc đăng ký, lưu trữ, quản lý thông tin cá nhân theo quy định trên trang mạng xã hội: vgt.vn.

Theo Thanh tra Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh, đây là 1 trong 24 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực hoạt động báo chí, cung cấp thông tin vi phạm pháp luật mà Sở xử phạt trong năm 2022, với tổng số tiền phạt 780 triệu đồng. Ngoài ra, có 58 tên miền bị tạm ngưng, thu hồi trong năm vừa qua.

Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đánh giá, thời gian qua, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng vi phạm trong lĩnh vực hoạt động báo chí như: lợi dụng danh nghĩa báo chí, cung cấp thông tin trên mạng Internet có nội dung sai sự thật, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự - xã hội, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng “tư nhân hóa”, “rửa nguồn” của cơ quan báo chí cho các trang thông tin điện tử tổng hợp; tình trạng “báo hóa” của mạng xã hội, trang thông tin điện tử; cung cấp thông tin gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí và hoạt động báo chí điện tử trái phép…

Đặc biệt, một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có trang chủ, giao diện trình bày thành các chuyên mục, sử dụng tên thương hiệu, cử nhân viên tác nghiệp lấy tin, tự sản xuất và đăng tải tin, bài.

Trang mạng xã hội không tạo chức năng đăng ký thành viên để người đăng ký tham gia, nhằm đảm bảo việc lưu trữ, quản lý thông tin; trang mạng xã hội cho phép nhân viên quản trị dưới hình thức, danh nghĩa là thành viên mạng xã hội để đăng tin, chia sẻ bài, không có tương tác, trao đổi thông tin và thực hiện không đúng đề án xin giấy phép...

Trong năm 2022, Bộ TT&TT đã có nhiều hoạt động động tích cực trong lĩnh vực quản lý thông tin điện tử, đặc biệt là đưa ra được bộ tiêu chí để nhận diện tình trạng báo hoá tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng này.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, sang năm 2023, cùng với việc triển khai các quy định pháp luật mới, Bộ TT&TT sẽ tập trung xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; rà quét, xử lý vi phạm trên mạng Internet; công bố và truyền thông bộ danh sách nội dung “sạch” (WhiteList) và nội dung “đen” (BlackList) trên mạng của Việt Nam…