Vi phạm ngoài đê tả sông Đuống: Có xử lý đến nơi đến chốn?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đang mùa mưa lũ, hàng loạt trạm trộn bê tông không phép, vi phạm pháp luật đê điều và gây ô nhiễm môi trường vẫn ngang nhiên hoạt động gần chân cầu Đuống.

Chính quyền đã yêu cầu doanh nghiệp tự giải tỏa, nhưng các trạm trộn bê tông vẫn ngang nhiên hoạt động.
 
Hành lang thoát lũ bị xâm lấn
 
Người dân sống tại Khu vực trạm bơm Cống Thôn, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, đoạn km 10+750 trên tuyến đê Tả Đuống, đang rất bức xúc về việc một số doanh nghiệp đã xây dựng các trạm trộn bê tông, gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, khí thải, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân khu vực này. Nghiêm trọng hơn, đơn vị này đã tự ý dựng trạm trộn trong hành lang bảo vệ đê tả sông Đuống mà không có giấy phép của cơ quan chức năng. Ngoài ra, người dân cũng lo ngại, cùng với sự hoạt động của các trạm này, số lượng xe trọng tải lớn để vận chuyển bê tông sẽ tăng mạnh, có thể làm hỏng mặt đường cơ đê.
 
Khảo sát tại hiện trường cho thấy, chỉ cách chân cầu Đuống chưa tới 1km, các trạm trộn bê tông và trạm trung chuyển vật liệu xây dựng được đặt sát ngay mép sông. Từng đống cát, đá, sỏi khổng lồ, chất cao… vi phạm nghiêm trọng hành lang thoát lũ bờ tả sông Đuống.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Yên Viên (huyện Gia Lâm) cho biết, hành vi vi phạm pháp luật đê điều của các trạm trộn bê tông nêu trên đã rõ. Đơn cử, việc dựng trạm của Công ty CP Vật tư nông nghiệp Hà Nội đã vi phạm hành lang thoát lũ. Khi phát hiện vi phạm, chính quyền xã đã lập biên bản nhưng tới nay đơn vị vi phạm vẫn chưa hoàn trả lại mặt bằng. Ông Đào Văn Hồng thừa nhận: "Nhìn cát, sỏi chất cao như thế, cũng đủ biết là ảnh hưởng tới an toàn thoát lũ. Từ trước, chúng tôi đã yêu cầu họ giảm bớt chất thải lên bãi, để không ảnh hưởng tới đê tả sông Đuống trong mùa mưa lũ nhưng họ vẫn lén lút chuyển thêm cát, đá từ sông lên để tiếp tục bán, thành thử chẳng giảm được chút nào. Cái này xã rất khó kiểm soát."
 
Ông Nguyễn Như Cương, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên cũng cho biết, UBND thị trấn đã có công văn gửi UBND huyện Gia Lâm về hoạt động gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới đời sống người dân của các trạm trộn bê tông và bến trung chuyển vật liệu xây dựng dọc tuyến đê tả sông Đuống.
 
Sẽ cưỡng chế nếu không chịu di dời
 
Theo ông Đào Văn Hồng, các trạm trộn và bến trung chuyển vật liệu xây dựng này đã hoạt động được hơn một năm. Chính quyền xã đã lập biên bản đình chỉ sản xuất đối với các trạm này và yêu cầu họ tự tháo dỡ trong vòng 10 ngày (thời hạn đến 12/8). Sau thời hạn này, nếu các chủ cơ sở gây ô nhiễm và vi phạm pháp luật đê điều chưa tháo dỡ, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định. "Thủ tục cho thuê đất đối với các doanh nghiệp này tới nay cũng chưa làm được. Các doanh nghiệp có nộp hồ sơ lên sở, ngành chức năng nhưng tới nay chưa duyệt hay nói cách khác là mặt bằng đó mới chỉ là tạm giao chứ UBND TP. Hà Nội chưa từng chấp thuận cho họ xây dựng trạm trộn bê tông" - ông Hồng cho hay.
 
Đầu tháng 8/2011, các ngành chức năng của huyện Gia Lâm đã họp bàn hướng xử lý các vi phạm của những trạm trộn này và đi tới thống nhất, các trạm này đều gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật đê điều và cần sớm được giải tỏa.
 
Tuy vậy, tới chiều 10/8, khu vực các trạm trộn nói trên không có bất cứ dấu hiệu nào của việc tháo dỡ các thiết bị của chủ cơ sở. Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Dương Dũng cho biết: UBND huyện vừa kiểm tra các vi phạm tại trạm trộn bê tông của Công ty CP vật tư nông nghiệp Hà Nội. Ngay sau đó, UBND huyện đã yêu cầu đình chỉ hoạt động của cơ sở này, buộc chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục xin cấp phép. Nếu các cơ sở này không được thành phố cho phép, huyện sẽ tiến hành cưỡng chế, dỡ bỏ các hạng mục vi phạm hành lang thoát lũ.
 
 
 
Có ý kiến cho rằng, tuy không nằm sát đê, nhưng các trạm này lại nằm gọn trong hành lang thoát lũ sông Đuống, nên hồ sơ khi chuyển lên các sở, ngành sẽ tắc, vì không cơ quan nào dám phê duyệt cho xây dựng trong hành lang thoát lũ. Đây không chỉ là tình trạng đang diễn ra tại xã Yên Viên mà đã tồn tại trên địa bàn nhiều xã dọc các tuyến sông thuộc Hà Nội.